Nội dung khởi kiện liên quan đến Quyết định số 176 ngày 25/11/2021 của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra đối với doanh nghiệp.

Sở Xây dựng cho rằng doanh nghiệp xây dựng sai phép nên yêu cầu phá dỡ để khắc phục hậu quả. Không đồng tình với quyết định này, doanh nghiệp đã khởi kiện Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng ra TAND TP.Hải Phòng.

Theo Công ty Đảo Cát Dứa, công trình xây dựng trên Vịnh Lan Hạ (địa giới hành chính thuộc xã Việt Hải và thị trấn Cát Bà, huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng) thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng (GPXD) theo quy định tại điểm k, khoản 2, điều 89 Luật Xây dựng (công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt…).

Toàn cảnh Khu du lịch Đảo Khỉ của Công ty Đảo Cát Dứa

Tại phiên tòa, đại diện cho doanh nghiệp trình bày 17 căn cứ mà Thanh tra Sở Xây dựng đưa ra để cho rằng công trình du lịch sinh thái thuộc diện phải xin phép là không đủ cơ sở. 

"Chúng tôi thừa nhận có sai sót trong việc chưa lập dự án đầu tư, nhưng không phải vi phạm tại điểm c, khoản 5, điều 15 Nghị đinh 139 của Chính phủ như quan điểm của cơ quan thanh tra", ông Trịnh Phúc Mãn, Phó giám đốc Công ty Đảo Cát Dứa nêu quan điểm.

Ông Mãn tranh luận thêm: "Mô hình thí điểm của chúng tôi là tiền đề cho việc tổng kết, rút kinh nghiệm để TP Hải Phòng ban hành Đề án số 2119 năm 2012 về phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia (VQG) Cát Bà. Do đó, có nhiều cái vừa làm vừa đánh giá, vừa hoàn thiện".

Trong quá trình xây dựng, doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, quy chế quản lý rừng của Bộ NN&PTNT, tuân thủ nghiêm túc mọi hướng dẫn của VQG Cát Bà. 

Các công trình xây dựng đều tuân thủ theo quy định về chiều cao công trình dưới 12m, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, không bê tông hay cao tầng hoá…

HĐXX đã bác đơn kiện của doanh nghiệp 

Cũng theo đại diện của Công ty Đảo Cát Dứ, từ năm 2009 đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư tại các điểm du lịch hơn 600 tỷ đồng và mô hình đã đạt kết quả tốt, trở thành điển hình để các vườn quốc gia trong cả nước về học tập, rút kinh nghiệm.

Cũng từ thành công của các mô hình thí điểm nói trên, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã từng phê duyệt đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên do VQG Cát Bà xây dựng.

“Trong quá trình công ty xây dựng các công trình trên đảo, VQG luôn có hai người túc trực, giám sát trực tiếp tại nơi xây dựng. Những đoàn thanh tra của các cấp sở, huyện và thành phố đến kiểm tra nhưng chỉ kiểm tra nội dung liên quan đến du lịch, không ai nói với doanh nghiệp về việc phải xin phép xây dựng mới được làm”, ông Mãn nói.

Đối đáp lại bên khởi kiện, tại tòa, ông Bùi Quốc Đạt, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hải Phòng - đại diện bên bị kiện cho biết, việc ban hành các quyết định 175, 176 dựa trên biên bản xử lý vi phạm hành chính số 99, 100 và 101. 

Ông Bùi Quốc Đạt từ chối trả lời một số câu hỏi của người khởi kiện liên quan đến thẩm quyền cấp phép xây dựng, sự khác biệt giữa quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng chi tiết được duyệt với quy hoạch bảo tồn vườn quốc gia...

Đại diện UBND huyện Cát Hải (với tư cách người làm chứng) thừa nhận đã thực hiện 4 đợt kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh du lịch tại đảo Tháp Nghiêng, Hòn Ba Cát Bằng và bãi Cát Dứa 2 nhưng không hề kiểm tra đến vấn đề xây dựng.

Nông thôn hay đô thị?

Tại tòa, các bên tranh luận gay gắt về khái niệm nông thôn để xác định các công trình xây dựng của các doanh nghiệp thuộc khu vực nông thôn hay đô thị. 

Phía bên khởi kiện viện dẫn khoản 1 Điều 3 Nghị định số 55/2015 của Chính phủ quy định vùng nông thôn là khu vực địa giới hành chính không bao gồm địa bàn thuộc thị xã, quận và thành phố. 

Trong khi đó, luật sư bảo vệ cho thanh tra Sở Xây dựng lại viện dẫn quy định của Luật xây dựng về cụm từ "điểm dân cư nông thôn" và cho rằng tại các đảo trên vịnh Lan Hạ không có cư dân sinh sống, không gắn kết với nhau trong sản xuất, sinh hoạt... và do đó, vị trí doanh nghiệp xây dựng không phải là nông thôn.

Sau thời gian nghị án, HDXX TAND TP Hải Phòng nêu quan điểm: Khu vực Công ty Đảo Nam Cát đăng lý trên giấy phép kinh doanh là địa phận hành chính của xã Việt Hải. Tuy nhiên thực tế đo đạc lại là thị trấn Cát Bà. Do đó HDXX nhận thấy đây không phải khu vực nông thô nên doanh nghiệp phải xin phép xây dựng. Việc doanh nghiệp không xin phép nên Thanh  tra Sở Xây dựng Hải Phòng ra quyết định  yêu cầu khắc phục hậu quả, dở bỏ công trình là có căn cứ.

Khu vực Công ty Đảo Cát Dứa làm du lịch là nông thôn hay đô thị, vẫn còn nhiều tranh cãi

Luật sư Đinh Thị Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên khởi kiện nhận định, Quyết định 176 nêu Công ty có hành vi vi phạm căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính số 101. 

Tuy nhiên, tại biên bản vi phạm hành chính số 101 không có nội dung nào nêu ra hành vi vi phạm hành chính của Công ty Đảo Cát Dứa.

"Không có hành vi vi phạm hành chính thì căn cứ vào đâu để Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng ra quyết định yêu cầu Công ty khắc phục hậu quả?", luật sư Hòa phản biện trước toà.

Cũng theo Luật sư Hòa, Vịnh Lan Hạ thuộc địa giới hành chính xã Việt Hải và thị trấn Cát Bà là khu vực chưa có quy hoạch đô thị nên vẫn là khu vực nông thôn. 

Do đó, các công trình xây dựng tại đây được miễn cấp giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm k, khoản 2, điều 89 Luật Xây dưng 2014.

Trước bản án sơ thẩm bác đơn khởi kiện, luật sư Đinh Thị Hòa cho biết sẽ đi tiếp với doanh nghiệp để kháng án theo trình tự phúc thẩm lên Tòa án cấp cao tại Hà Nội.

Nguyễn Thu Hằng