Làm tốt công tác bảo vệ quyền của nạn nhân (nhất là phụ nữ, trẻ em, người dưới 18 tuổi) là một trong các mục tiêu được đề ra trong Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của hệ thống tòa án nhân dân do Tòa án Nhân dân tối cao xây dựng.

{keywords}
Một phiên tòa xét xử tội phạm mua bán người. 

Nhằm chung tay phòng, chống nạn mua bán người. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể.

Theo đó, tòa án sẽ đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác giải quyết, xét xử các vụ án về mua bán người, đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Làm tốt công tác bảo vệ nạn nhân trong quá trình giải quyết, xét xử, đặc biệt với nạn nhân là trẻ em.

Nâng cao chất lượng xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử các vụ án về mua bán người. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử làm cơ sở sửa đổi nghị quyết và nghiên cứu, phát triển án lệ.

Kết hợp tốt việc thực hiện công tác xét xử với tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa tội phạm mua bán người...

Để đạt được mục tiêu đề ra, Tòa án Nhân dân tối cao xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, như:

Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội; chương trình, kế hoạch của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Tăng cường công tác xét xử các vụ án về mua bán người, đảm bảo 100% các vụ án phải được giải quyết, xét xử trong thời hạn của pháp luật. Đảm bảo chỉ tiêu giải quyết, xét xử các vụ án về mua bán người đạt từ 90% trở lên.

Phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án lớn, án trọng điểm về mua bán người và tội phạm có liên quan. Không ngừng nâng cao chất lượng công tác xét xử; không để xảy ra oan sai, không bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, làm tốt công tác bảo vệ quyền của nạn nhân (nhất là phụ nữ, trẻ em, người dưới 18 tuổi) trong quá trình xét xử...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống mua bán người thông qua các phiên tòa xét xử các vụ án, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn xét xử các vụ án về mua bán người. Các tòa án cần chủ động tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về áp dụng pháp luật trong thực tiễn xét xử để Tòa án Nhân dân tối cao kịp thời phối hợp với liên ngành Trung ương hướng dẫn bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết. Đồng thời có cơ sở để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 150, Điều 151 của Bộ luật Hình sự và nghiên cứu phát triển án lệ.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành có liên quan trong việc xây dựng, cập nhật và ứng dụng công nghệ thông tin, dữ liệu thống kê về công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Bích Thủy