Facebook có thể kiện công ty NSO vì khai thác lỗ hổng để cài đặt phần mềm do thám trên ứng dụng Whatsapp. (Ảnh: Getty Images) |
Một tòa phúc thẩm của Mỹ đã ra phán quyết cho phép Facebook có thể theo đuổi vụ kiện công ty an ninh mạng tư nhân NSO của Israel với cáo buộc khai thác lỗ hổng trong ứng dụng nhắn tin WhatsApp của hãng này để cài đặt phần mềm độc hại, qua đó cho phép do thám 1.400 người dùng trên thế giới.
Trước đó, tháng 10/2019, Facebook, hiện đã đổi tên thành Meta Platforms Inc, đã kiện NSO với cáo buộc công ty này truy cập trái phép vào máy chủ WhatsApp để cài đặt phần mềm độc hại Pegasus trên thiết bị di động.
Điện thoại thông minh nhiễm Pegasus có thể biến thành thiết bị do thám bỏ túi, cho phép người sử dụng phần mềm này đọc tin nhắn, xem ảnh, theo dõi vị trí và thậm chí bật camera của thiết bị mà chủ sở hữu không biết.
NSO khẳng định rằng Pegasus hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo chống lại tội phạm và bảo vệ an ninh quốc gia.
Công ty này lập luận rằng đã bán các công cụ đột nhập kỹ thuật số cho cảnh sát và các cơ quan do thám, do đó, NSO cần được hưởng "quyền miễn trừ" về mặt pháp lý.
Luận điểm của NSO đã bị một tòa án quận của bang California bác bỏ hồi tháng 7/2020. Sau đó, NSO đã kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9 ở San Francisco.
Tuy nhiên, trong phán quyết ngày 8/11, Thẩm phán Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9 Danielle Forrest đã bác đơn kháng cáo của NSO và giữ nguyên phán quyết trước đó, nhấn mạnh rằng việc NSO chỉ cấp phép cho Pegasus và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật không đồng nghĩa công ty này trốn tránh được trách nhiệm pháp lý theo luật pháp liên bang.
Thẩm phán Forrest nêu rõ: “Bất cứ điều gì mà những khách hàng là các chính phủ của NSO làm với công nghệ và dịch vụ của công ty này đều không khiến NSO trở thành 'cơ quan hoặc công cụ của nhà nước nước ngoài'. Do đó, NSO không được hưởng quyền miễn trừ quốc gia.”
Phần mềm Pegasus do công ty NSO phát triển có khả năng xâm nhập trái phép điện thoại thông minh của các nhà báo, quan chức chính phủ... để thu thập dữ liệu.
Một danh sách gồm 50.000 mục tiêu có thể bị theo dõi đã rò rỉ và gây chấn động thế giới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người có tên trong danh sách này, đã phải đổi điện thoại và thay số điện thoại, đồng thời yêu cầu tiến hành điều tra.
Trong khi đó, Israel đã thành lập một nhóm liên ngành nhằm tìm hiểu rõ những cáo buộc này. Ngày 1/11 vừa qua, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cam kết sẽ minh bạch với Pháp những dữ liệu liên quan.
Mới đây nhất, ngày 3/11 vừa qua, nhà chức trách Mỹ đã đưa NSO vào "danh sách đen," cho rằng phần mềm Pegasus có thể giúp thực hiện chương trình do thám xuyên quốc gia.
NSO cho biết đã xuất khẩu phần mềm Pegasus tới 45 quốc gia với sự phê chuẩn của Chính phủ Israel. Công ty này nhấn mạnh phần mềm Pegasus chỉ dùng để chống khủng bố và các loại hình tội phạm khác.
Theo Vietnam+
Mỹ đưa công ty của Israel vào 'danh sách đen', CEO Facebook thách thức Apple
Mỹ đưa công ty của Israel vào 'danh sách đen'; Nga và Mỹ bí mật đàm phán về an ninh mạng; CEO Facebook thách thức Apple;... là những thông tin nổi bật trong bản tin Công nghệ thứ 7 tuần này.