Theo Tòa liên bang, các dữ liệu trực tuyến cần phải được đối xử tương tự thư tín hay nhật ký cá nhân, và chuyển lại cho các đối tượng thừa kế. Vụ việc có liên quan tới cái chết có một thiếu niên 15 tuổi sau va chạm với tàu hỏa vào năm 2012. Bố mẹ nạn nhân muốn truy cập vào tài khoản Facebook của con gái mình nhằm tìm ra nguyên nhân có phải đây là một vụ tự tử hay không. Bên cạnh khía cạnh tình cảm, hai vị phụ huynh cũng muốn biết lái tàu có phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Facebook đã từ chối truy cập vào tài khoản cá nhân sau cái chết của cô gái này, với các quan ngại về riêng tư cho các mối quan hệ của nạn nhân. Theo chính sách hiện tại, người thân của người đã khuất chỉ có thể truy cập một phần vào tài khoản để chuyển trang đó sang nội dung tưởng niệm hoặc xóa bỏ hoàn toàn.
Một tòa án cấp thấp hơn tại Đức đã đồng thuận với đề nghị từ phía phụ huynh vào năm 2015, nhưng hai năm sau đó tòa phúc thẩm đã hủy bỏ phán quyết này trên cơ sở tuyên bố mọi thỏa thuận giữa nạn nhân và Facebook đã kết thúc với cái chết của cô gái này, và sẽ không được chuyển lại cho phụ huynh.
Vụ kiện được chuyển lên Tòa án tối cao Liên bang Đức, và bố mẹ cô gái đã tiếp quản tài khoản nói trên. Thẩm phán Ulrich Hermann khẳng định việc chuyển giao thư tín và nhật ký cá nhân cho các đối tượng thừa kế hợp pháp sau cái chết là bình thường, và dữ liệu số nên được đối xử tương tự. Bên cạnh đó, tòa cũng bổ sung phụ huynh có quyền được biết trẻ vị thành niên đã nói chuyện trực tuyến với ai.
Trong những năm gần đây, Facebook đã phải đối mặt với làn sóng phản đối mạnh mẽ ở Đức, đặc biệt là các tin tức giả mạo. Các công cụ mới được mạng xã hội này triển khai tại quốc gia này để đối phó với vấn nạn trên, ngay trước khi chính phủ đưa ra kế hoạch thực thi các biện pháp trừng phạt nặng nề cho các mạng xã hội nếu họ không xóa bỏ các bình luận và nội dung không phù hợp nhanh chóng.