Có khoảng 52% học sinh THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và 7% đi xe máy trái phép. Đó chính là lý do khiến số vụ tai nạn giao thông ở trẻ tăng bất thường, tỷ lệ thiệt mạng cao. Có thể tới đây, người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện sẽ phải học và thi sát hạch, có chứng chỉ mới được đi xe.

Thủ phạm: Xe điện, xe máy điện

Một nghiên cứu về an toàn giao thông (ATGT) với đối tượng học sinh phổ thông Trung học phổ thông (THPT) tại Hà Nội, do Ủy ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) , đã chỉ ra, đây là đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương nhất.

Học sinh THPT chiếm 90% các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan tới trẻ em trong ba năm gần đây. Tỷ lệ thiệt mạng trên 100.000 học sinh do TNGT của học sinh THPT tại Hà Nội vào năm 2016 là 7,39. Con số này còn cao hơn nhiều so với một số nước trong khu vực châu Á: gấp 1,25 lần tỷ lệ trung bình của Campuchia; 2,73 lần của Nhật Bản và 1,84 lần của Hàn Quốc.

{keywords}
Học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, không gương chiếu hậu rất dễ gặp tai nạn (ảnh minh họa)

Có khoảng 52% học sinh THPT sử dụng xe đạp điện, xe máy điện và 7% đi xe máy trái phép. Sự thay đổi từ phương tiện từ đi bộ và xe đạp, sang xe đạp điện và xe máy điện có thể lý giải tại sao học sinh THPT lại chiếm tới 90% các vụ TNGT của trẻ em.

Năm 2016, tỷ lệ TNGT của nhóm đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất (khoảng 0,49-0,5 vụ/học sinh), nghĩa là bình quân cứ 2 học sinh thì có 1 liên quan tới TNGT trong năm 2016.

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện. Nguyên nhân TNGT hàng đầu là chạy xe quá tốc độ (chiếm 20%), qua đường không đúng cách (chiếm 18%) và chuyển hướng không đúng cách (chiếm 16%). Học sinh đi xe không đội mũ bảo hiểm, khi chuyển hướng, không đánh giá đúng vận tốc phương tiện đi tới và không bật tín hiệu xin đường, đi hàng hai, hàng ba, vượt đèn đỏ, phanh gấp,...

Tỷ lệ học sinh đi xe không có gương chiếu hậu rất cao. Với xe máy điện chiếm khoảng 81%, xe đạp điện chiếm khoảng 90%. Điều này tiềm ẩn rủi ro mất ATGT cho học sinh sử dụng xe máy điện và đạp điện khi tham gia giao thông.

Điều khiển xe đạp điện phải có chứng chỉ

Sự gia tăng sở hữu của xe đạp điện và xe máy điện của hộ gia đình tại Hà Nội thời gian qua cũng tăng mạnh. Xét riêng cho hộ gia đình có học sinh cấp 3, tỷ lệ sở hữu xe đạp điện là 0,357 (xe/hộ) và xe máy điện là 0,338 (xe/hộ). Số hộ gia đình có học sinh cấp 3 ước tính chiếm 14,56% tổng số hộ gia đình tại Hà Nội. Tính đến hết năm 2017, chỉ xét riêng hộ gia đình có học sinh cấp 3 thì ước tính có khoảng hơn 200.000 xe đạp điện và máy điện lưu hành tại Hà Nội (trong đó có khoảng 106.440 xe đạp điện và 100.582 xe máy điện).

{keywords}

Cần có chương trình dạy và sát hạch kỹ năng điều khiển xe đạp điện cho học sinh

Kết quả điều tra cho thấy, tại trường học sinh chủ yếu được dạy về luật giao thông và biển báo hiệu đường bộ, chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách. Học sinh chủ yếu học kỹ năng điều khiển phương tiện từ cha mẹ.

Theo ông Yano Takeshi, Tổng giám đốc Công ty Yamaha Việt Nam, Chủ tịch VAMM, sau 3 năm hợp tác với Ủy ban ATGT Quốc gia, VAMM đã liên tục thực hiện các nghiên cứu về những vấn đề nổi cộm trong giao thông Việt Nam.

Quá trình nghiên cứu đã xác định được những nguyên nhân cơ bản trong việc mất ATGT đặc biệt ở trẻ em, từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực hướng tới giảm thiểu số vụ TNGT, tăng cường kỹ năng cho người tham gia giao thông.

Cha mẹ học sinh và các học sinh đều mong muốn được giáo dục về kỹ năng điều khiển phương tiện. Có 86% học sinh và 89% cha mẹ học sinh lựa chọn, coi đây là nội dung được quan tâm nhất. Bên cạnh đó, việc cần làm sau khi xảy ra TNGT và cách đi bộ cũng nhận được sự quan tâm lớn từ học sinh và cha mẹ học sinh.

Ủy Ban ATGT Quốc gia và VAMM đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng cần xây dựng quy định về đào tạo kỹ năng lái xe đạp điện, máy điện và cấp chứng chỉ cơ bản điều khiển phương tiện cho học sinh.

Kiến nghị UBND TP. Hà Nội, Sở GDĐT thành phố phối hợp với các sở ngành có liên quan tổ chức chương trình dạy và sát hạch kỹ năng điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cho học sinh THPT theo lộ trình, năm 2018 thí điểm, từ 2019-2020, triển khai tại các trường THPT của 4 quận nội thành. Sau 2020, xem xét triển khai tất cả các trường trên toàn địa bàn Hà Nội. Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết đã trao đổi với Cục Quản lý Đường Bộ (Bộ GTVT) sẽ có kế hoạch để đào tạo, sát hạch và cấp chứng chỉ điều khiển xe đạp điện, xe máy điện.

Trần Thủy