Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch tổ chức ngoại khóa thi tìm hiểu kiến thức về các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho học sinh THPT năm 2018.
Các đối tượng dự thi là học sinh lớp 10 và 11 các trường THPT công lập và tư thục, hoạt động ngoại khóa thi tim hiểu kiến thức các DVCTT được tổ chức tại trường THPT trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động ngoại khóa này sẽ được tổ chức theo 2 cấp gồm cấp trường và cấp Cụm. Mỗi trường sẽ lựa chọn 10 học sinh xuất sắc nhất để tham gia thi cấp Cụm. Với cấp Cụm, Ban tổ chức Sở sẽ trao giải gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích.
Nội dung thi sẽ tập trung vào những kiến thức về DVCTT mức độ 3, 4 lĩnh vực tư pháp như khai sinh, khai tử, kết hôn, các kiến thức về DVCTT mức độ 3, 4 lĩnh vực GD&ĐT như cấp lại bản sao văn bằng chứng chỉ, cấp lại Giấy trúng tuyển vào lớp 10 THPT, chuyển trường cho học sinh; chỉnh sửa nội dung văn bằng, các DVC liên quan đến thi THPT Quốc gia… Đặc biệt, các học sinh có thể thực hành trực tiếp trên máy tính, điện thoại di động để thực hiện thành công 1 DVCTT bất kỳ theo yêu cầu trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố hoặc của Sở GD&ĐT Hà Nội.
Về hình thức, kế hoạch nêu rõ, 100 học sinh của 10 trường THPT tham gia thi tại Cụm (mỗi trường 10 học sinh) và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trực tiếp trên máy chiếu lên màn hình lớn bằng cách lựa chọn và khẳng định 1 phương án đúng của mình trên giấy đã ghi sẵn các phương án A, B, C hoặc D. Phần mềm bộ đề câu hỏi được thiết kế sẵn các phương án tương ứng để học sinh lựa chọn trả lời, với các mức từ dễ đến khó. Thời gian trả lời mỗi câu là 15 giây và số lượng câu hỏi trong mỗi phần là từ 20-30 câu. Với phần thực hành, mỗi Đội sẽ cử 1 đại diện thao tác 1 DVCTT bất kỳ trên máy tính kết nối mạng.
Kế hoạch này nhằm giúp cho học sinh THPT có những kiến thức cơ bản về các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) lĩnh vực tư pháp đang thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Thành phố (hanoi.gov.vn) và các DVCTTT đang được ngành GD&ĐT Thủ đô cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Sở (hanoi.edu.vn). Từ đó, học sinh sẽ hướng dẫn bố, mẹ, anh, chị và người thân thực hiện các thủ tục hành chính bằng DVCTT tại cấp xã, phường, thị trấn và các DVCTTT lĩnh vực GD&ĐT liên quan đến học sinh cấp THPT.
Kế hoạch cũng hướng tới tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, giảm thiểu các chi phí cho người dân, nhất là học sinh khi giao dịch các thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố.
Dự kiến, trong thời gian từ 26/9 đến trước ngày 5/10/2018, sẽ tổ chức thi tìm hiểu kiến thức về các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tại các trường để chọn 10 học sinh xuất sắc tham gia thi Cụm. Các Cụm sẽ tổ chức hội thi từ tuần thứ 3 của tháng 10/2018 đến ngày 15/11/2018.
Trước đó, trong báo cáo đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương năm 2017 được công bố tại hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2018 diễn ra hồi tháng 7, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) đã nêu rõ một trong những tồn tại, hạn chế của công tác ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam là tình trạng nhiều cơ quan, nhất là tại các địa phương tuy đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 nhưng có ít hoặc không phát sinh hồ sơ trực tuyến.
Theo Sở TT&TT Hà Nội, tính đến cuối tháng 7/2018, toàn thành phố đã đưa vào hoạt động 552/1.883 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 30% tổng số dịch vụ công của cơ quan hành chính Thành phố; trong đó có 382 dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 170 dịch vụ công trực tuyến mức 4.
Theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch với mục tiêu xây dựng Thành phố thông minh, triển khai các thành phần cơ bản được ưu tiên xây dựng là Trung tâm điều hành thông minh, Hệ thống giao thông thông minh và Hệ thống du lịch thông minh.