Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội. Gia đình có tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt”. Với các gia đình có thành viên là người khiếm thị, họ có cách giữ gìn tổ ấm khác nhau nhưng tất cả đều có điểm chung là các thành viên luôn thấu cảm, chia sẻ với nhau từ những việc nhỏ, không ngừng động viên nhau cùng cố gắng.
Mới đây, tại Tọa đàm với chủ đề: “Tổ ấm yêu thương - Nâng bước người khiếm thị” do Hội Người mù thành phố Hà Nội lần đầu tiên tổ chức, đại diện các gia đình có thành viên là người khiếm thị đã cùng chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm giữ lửa yêu thương, dựng xây hạnh phúc. 28 gia đình với 28 câu chuyện cảm động về ý chí và nghị lực phi thường đã cùng nhau vượt qua khó khăn, giông bão của cuộc đời để đồng hành xây dựng tổ ấm bé nhỏ đầy ắp tiếng cười và đong đầy những yêu thương.
Đến tham dự và chúc mừng chương trình, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực phấn đấu vươn lên của các gia đình tiêu biểu, đồng thời biểu dương Hội Người mù thành phố với những hoạt động rất ý nghĩa và thiết thực trong Ngày Gia đình Việt Nam.
Bền bỉ vun trồng hạnh phúc, không ít gia đình người khiếm thị đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, các thành viên thành công trên nhiều lĩnh vực. Đơn cử như gia đình anh Đỗ Như Tuấn và chị Nguyễn Thị Nga (Hội Người mù quận Ba Đình) gồm 5 thành viên. Dù cả anh Tuấn và chị Nga đều không nhìn thấy ánh sáng, song anh chị luôn chăm chỉ làm việc, có nguồn thu nhập đều đặn, có điều kiện nuôi dạy ba người con ngoan ngoãn, học tập tốt.
Trường hợp khác là gia đình anh Nguyễn Văn Đức (Hội Người mù quận Cầu Giấy), với nghị lực vươn lên phi thường khi bản thân anh vừa mất đi ánh sáng từ đôi mắt, vừa không có đôi bàn tay, mà có thể sử dụng tốt máy tính, điện thoại thông minh, tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh của một trường đại học. Gia đình gồm 4 thành viên của anh Nguyễn Văn Đức luôn sống vui vẻ, hạnh phúc, các con chăm chỉ học hành.
Ấn tượng không kém là gia đình anh Đinh Tuấn Sơn (Hội Người mù quận Đống Đa). Nhờ có vợ và con động viên, tiếp thêm sức mạnh, anh Sơn chăm chỉ tập luyện, tham gia nhiều giải thi đấu cờ vua trong nước, quốc tế dành cho người khuyết tật, mang về nhiều huy chương danh giá. Với chuỗi thành tích ấn tượng trong lĩnh vực thể thao, năm 2023, anh Đinh Tuấn Sơn vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…
Với vai trò là Ban Giám khảo và tổ tư vấn cho phần trò chơi "Chúng mình là một gia đình" có sự tham gia của 03 gia đình trong số 28 gia đình được biểu dương tại sự kiện, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người mù Việt Nam nhận xét: Chương trình có tính sáng tạo, mang lại cho các gia đình và khán giả không khí sôi nổi, vui tươi và những kỷ niệm đẹp.
Ông Hoàng Mạnh Cường, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Người mù thành phố Hà Nội chia sẻ: "Tôi rất xúc động và đồng cảm với các gia đình khi tham gia chương trình bởi tôi hiểu rằng, một gia đình có người khiếm thị sẽ phải trải qua rất nhiều định kiến của gia đình và xã hội để đến bên nhau, vậy mà các gia đình không chỉ giữ gìn được hạnh phúc mà còn nuôi dạy các con khôn lớn và trưởng thành".
Nhân dịp này, Hội Người mù thành phố Hà Nội đã biểu dương, khen thưởng 28 gia đình người khiếm thị tiêu biểu, đại diện cho hàng nghìn gia đình người khiếm thị trên địa bàn Thủ đô.