Ngày 21/04, tại TP.HCM, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo “Phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015” nhằm định hướng cho các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) trong thời gian tới.
Theo bà Lại Việt Anh, Trưởng phòng Pháp chế, Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương) cho biết, trong 5 năm triển khai kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010, đã có 60% DN lớn tiến hành TMĐT B2B. Trong đó, có 70% DN thiết lập website, 95% DN nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử, 96% DN sử dụng thư điện thường xuyên cho mục đích kinh doanh. Đối với DN vừa và nhỏ, có tới 85% DN nhận đơn đặt hàng qua các phương tiện điện tử, 80% sử dụng thư điện tử thường xuyên cho mục đích kinh doanh.
Riêng năm 2010, có tới 95% DN lớn nhận đơn đặt hàng của đối tác qua phương tiện điện tử, sự tham gia của người tiêu dùng cũng rất lớn với 49% hộ gia đình kết nối internet, 18% truy cập Internet vì mục đích giao dịch TMĐT. Các dịch vụ công trực tuyến cũng được tích cực triển khai. Nếu như năm 2008, mới chỉ có 6 địa phương triển khai cung các dịch vụ công cấp độ 3 thì đến năm 2010, đã có tới 38 địa phương triển khai cung cấp 748 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Trong đó, đi đầu triển khai dịch vụ này là tỉnh An Giang và Đà Nẵng. Các lĩnh vực được triển khai nhiều nhất là hải quan điện tử, khai thuế qua mạng và C/O điện tử.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, về cơ bản Việt Nam đã nâng cao được nhận thức của các đối tượng về lợi ích trong việc tham gia ứng dụng TMĐT, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN và quốc gia, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong thời gian tới sẽ là giai đoạn “cất cánh” của TMĐT Việt Nam vì vậy, mục tiêu kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015 là khá tham vọng: Đưa TMĐT Việt Nam đạt mức tiên tiến ở khu vực ASEAN. Theo đó, bước đầu sẽ hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT loại hình B2C. Trong đó, 70% các cơ sở bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi phân phối bán lẻ chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 50% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử; 30% các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng.
Theo lộ trình, đến trước năm 2013, sẽ cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên 80% dịch vụ công liên quan đến xuất nhập khẩu, thực hiện dịch vụ thủ tục hải quan điện tử, các dịch vụ liên quan đến thuế, các thủ tục đăng ký kinh doanh và đầu tư. Tới năm 2014, sẽ cung cấp trực tuyến 50% các dịch vụ công liên quan tới thương mại và sản xuất kinh doanh. Và đến năm 2015, 40% dịch vụ công liên quan đến xuất nhập khẩu đạt mức độ 4 và 20% các dịch vụ công liên quan tới thương mại và sản xuất kinh doanh đạt mức độ 4. 100% các DN phải sử dụng thư điện tử thường xuyên vì mục đích kinh doanh; 80% DN lớn và 45% DN nhỏ và vừa xây dựng website; 70% DN lớn và 30% DN nhỏ và vừa mua bán trên website TMĐT; 20% DN lớn ứng dụng TMĐT trong quản trị DN.
Theo ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, để thực hiện được những mục tiêu này, trước hết cần phải có nguồn nhân lực có tư duy năng động và nghiệp vụ vững vàng. Nội dung, cách làm chi tiết của chương trình phát triển TMĐT cụ thể phải linh động, uyển chuyển theo thực tế và xuất phát từ nhu cầu của DN. Đồng thời, phát triển TMĐT là chương trình “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, do đó các DN hãy chia sẻ khó khăn và tiếp tục gắn bó, cộng tác với cơ quan nhà nước để cùng xây dựng thực hiện các chương trình cụ thể. Quan trọng nhất là, chúng ta phải có bộ máy, thể chế đủ mạnh, kiện toàn và phù hợp để triển khai trong thời gian tới.
Được biết, đến thời điểm này, đã có 35 địa phương phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2011-2015; 17 địa phương đã xây dựng xong kế hoạch và đang chờ phê duyệt; 12 địa phương đang trong quá trình xây dựng. Điều đặc biệt là những địa phương đi đầu trong việc thực hiện kế hoạch này trong giai đoạn tới là những địa phương như: Bắc Kạn, Hòa Bình, Đắc Nông, Bình Thuận, An Giang… chứ không phải là những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.