Ảnh: Lê Hạnh |
Giữ nhân viên bằng việc trao cho họ quyền sở hữu
Thưa ông, Việt Nam nhiều khả năng sẽ gia nhập WTO vào tháng tới, vậy Tinh Vân đã có sự chuẩn bị gì cho sự kiện này?
Tác động của WTO, kể cả tích cực và tiêu cực, trước hết sẽ ảnh hưởng đến những công ty lớn về CNTT như VNPT hay FPT. Về cơ hội, rõ ràng thị trường rộng mở cho mọi doanh nghiệp. Để chuẩn bị cho thị trường đó, Tinh Vân đã thành lập TVO (Tinh Vân Outsourcing) và đang tiến hành thủ tục thành lập Tinh Van America, một công ty pháp nhân Mỹ đặt ở Seatle, với nhiệm vụ đưa các nguồn việc gia công phần mềm và dịch vụ CNTT từ Mỹ về để thực hiện trong nước.
Tinh Vân cũng đang trong quá trình quốc tế hoá các sản phẩm truyền thống của mình, chuyển toàn bộ giao diện trước đây phần nhiều là giao diện tiếng Việt sang tiếng Anh, áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về kiểm thử và đóng gói. Có nhiều công ty nước ngoài cũng đang quan tâm tới các sản phẩm của Tinh Vân như phần mềm thư viện điện tử Libol, phần mềm quản trị đại học Union, giải pháp về e-learning, thi trắc nghiệm…
Việc gia nhập WTO, ngoài những nguy cơ xa hơn như “cá lớn nuốt cá bé”, sự yếu kém về năng lực cạnh tranh của các công ty nội địa..., nguy cơ tiềm ẩn nhất trước mắt đối với các công ty CNTT (khi tài sản chủ yếu là chất xám và con người) chính là nguy cơ mất người giỏi. Do vậy, Tinh Vân đã phải có lộ trình để giữ và cạnh tranh nhằm cuốn hút nhân tài với công ty nước ngoài. Lộ trình làm sao để nhân viên công ty mình không bị cám dỗ bởi thu nhập và môi trường làm việc chuyên nghiệp của những công ty đa quốc gia.
Đối với người làm công ăn lương, điều quan tâm trước hết là lương bổng, phúc lợi. Nếu công ty nước ngoài chào với mức lương cao đột biến so với mức hiện họ được hưởng, làm sao mình có thể giữ được nhân viên?
Đúng là với mỗi cá nhân, thu nhập rất quan trọng. Đầu tiên nên đặt câu hỏi: “Tại sao công ty nước ngoài có thể trả lương cao hơn?”. Nếu mình không trả lương được như họ có nghĩa hệ thống quản trị của mình có vấn đề, hiệu quả kinh doanh kém. Do vậy, bài toán quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng hiệu quả lao động, tăng năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần và tái cơ cấu bộ máy quản trị sao cho tối ưu. Tinh Vân hiện đang tích cực hoàn thiện hoá hệ thống quản trị của mình.
Thứ hai là phải tạo điều kiện cho nhân viên có khả năng sở hữu một phần doanh nghiệp mà mình đang cống hiến thông qua cổ phần hoặc cổ phiếu ưu đãi. Năm 2007, Tinh Vân sẽ tiến hành cổ phần hoá nội bộ và những cán bộ xuất sắc, có đóng góp hiệu quả cho công ty sẽ trở thành những cổ đông của công ty.
Cuối cùng là tạo ra một môi trường văn hoá đặc thù, tạo sự khác biệt và hấp dẫn giữa Tinh Vân và các doanh nghiệp khác. Việc này Tinh Vân đã làm khá tốt và sẽ tiếp tục phát huy.
Sự tham gia của yếu tố nước ngoài tạo sức sống mới
Công ty Tinh Vân có dự định giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán?
Lộ trình là đến năm 2009 hoặc 2010 chúng tôi sẽ tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO). Hiện tại đang cân nhắc giữa việc chào bán Tinh Vân hay chỉ làm trước cho một công ty thành viên của Tinh Vân để lấy kinh nghiệm.
Như vậy có thể hiểu Tinh Vân đã chuẩn bị đón cơ hội Việt Nam gia nhập WTO đem lại là hướng ngoại. Thực tế nhiều công ty phần mềm trong nước đã làm việc này từ lâu, sao bây giờ Tinh Vân mới bắt đầu vươn ra thị trường nước ngoài?
Điều đó còn tuỳ thuộc vào thời điểm. Tinh Vân đến giờ mới thực sự đủ “chín” để vươn ra nước ngoài với sự hội tụ đủ cả ba yếu tố: hệ thống quản trị chuyên nghiệp, lượng vốn đủ lớn và khả năng quan hệ toàn cầu.
Hiện đang có xu hướng doanh nghiệp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc các quỹ đầu tư, ngân hàng nước ngoài mua lại cổ phần. Tinh Vân có tính đến việc thu hút nguồn lực nước ngoài như vậy không?
Chúng tôi đang triển khai nhiều dự án có tiềm năng trong tương lai và hiện giờ một số quỹ đầu tư, các công ty có tên tuổi của Mỹ đã đặt vấn đề đầu tư trực tiếp vào Tinh Vân hoặc một số dự án của Tinh Vân. Chúng tôi sẽ không bỏ qua những cơ hội đó bởi nó đem lại cho Tinh Vân hơi thở mới, sức sống mới, tầm nhìn mới.
Muốn không là người làm thuê trước hết phải chiến thắng bản thân
Sản phẩm của Tinh Vân được cung cấp cho các bộ ngành. Song ông có tự ái không khi thực tế những dự án lớn của nhà nước đầu tư đều rơi vào tay các công ty nước ngoài chứ không phải Tinh Vân hay một công ty Việt Nam nào khác?
Tôi nghĩ những doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chưa đủ tầm quản trị những dự án lớn, hay nếu có cố gắng thực hiện thì khả năng thất bại cũng rất cao. Trên thực tế thường là các tập đoàn có uy tín nước ngoài trúng thầu những dự án lớn của Chính phủ, sau đó thuê lại các công ty trong nước làm các phần việc đơn giản hơn trong gói thầu đó. Đó là hướng đi đúng trong thời điểm hiện tại. Trong vài ba năm tới, tình hình có thể khác đi khi các doanh nghiệp lớn của Việt Nam dần được va chạm và thử sức với những dự án lớn.
Nhưng người Việt Nam được khen là giỏi, nhiều Việt kiều về nước mở công ty phần mềm. Vì sao hầu như họ đều làm gia công cho nước ngoài chứ chưa làm được những dự án lớn của Việt Nam?
Tôi cho rằng người Việt mình có thể thông minh, khôn khéo nhưng tính sáng tạo kém, tính kỷ luật kém, tinh thần tập thể kém. Khắc phục nhược điểm này là nỗ lực của toàn xã hội. Đối với ngành phần mềm, nếu không muốn chỉ là những người làm thuê hay gia công phần mềm chúng ta sẽ phải chiến thắng bản thân, phải thay đổi cung cách làm việc cũng như ứng xử rất nhiều.
Cảm ơn ông!
Lê Hạnh
thực hiện