Nguồn tin của VietNamNet cho biết, Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Giang đã có văn bản yêu cầu các cán bộ, đảng viên giải trình sự việc liên quan đến việc có con em được nâng điểm trong vụ tiêu cực điểm thi THPT quốc gia 2018.

Ngoài ra, xem xét trách nhiệm của Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018 đối với ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Xem xét trách nhiệm, yêu cầu giải trình đối với nguyên GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang Vũ Văn Sử với vai trò Chủ tịch Hội đồng kỳ thi THPT quốc gia THPT năm 2018 tại Hà Giang, Phó trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2018. Các cán bộ, cá nhân có vai trò tham mưu Ban chỉ đạo – Hội đồng thi cũng phải giải trình đối với Đảng ủy, chi ủy đảng nơi đảng viên đó đang công tác.

Việc giải trình, xem xét trách nhiệm đối với các đảng viên nói trên sẽ được phân cấp theo quy định, quy tắc tổ chức Đảng.

“Đây là chỉ đạo nghiêm túc, sát sao của Ban Thường vụ tỉnh ủy đối với các cán bộ, đảng viên có con em được nâng điểm. Căn cứ trên bản kết luận điều tra của CQĐT, các cá nhân có con em nằm trong danh sách được nâng điểm đã được xác minh làm rõ. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc sẽ có hướng xử lý tiếp theo” – nguồn tin VietNamNet cho hay.

Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2015 – 2020 gồm 13 đồng chí, trong đó, đứng đầu Ban Thường vụ là ông Triệu Tài Vinh – Bí thư tỉnh ủy. Ông Triệu Tài Vinh cũng là phụ huynh của em T.T.M – thí sinh nằm trong danh sách được nâng điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang.

Công an tỉnh Hà Giang vừa có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền có hình thức xử lý phù hợp tùy theo tính chất, mức độ đối với những phụ huynh có con được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018.

Ông Hầu Minh Lợi, Chánh văn phòng tỉnh ủy Hà Giang thông tin với VietNamNet, Tỉnh ủy Hà Giang đã có các văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý vụ việc theo quy định.

Chưa từng có trong tiền lệ!

Dưới góc độ cá nhân, nguyên Chủ nhiệm UBKT tỉnh ủy Hà Giang Lê Quang Triều thẳng thắn, vụ tiêu cực điểm thi tại Hà Giang là “chưa có trong tiền lệ từ trước đến nay”.

Ông Triều cho biết, theo Điều lệ Đảng, theo quy định “19 điều Đảng viên không được làm”, việc xem xét trách nhiệm đối với các cán bộ, Đảng viên có con em liên quan đến vụ việc này là việc nên làm. “Việc xem xét, xử lý vai trò trách nhiệm của các phụ huynh là cán bộ, đảng viên nói trên là việc cần thiết phải làm. Như thế mới đảm bảo tính công bằng, dân chủ và sự nghiêm minh trước pháp luật” – ông Triều nói.

Đặt câu hỏi, người đứng đầu Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Giang đồng thời cũng là phụ huynh có con nằm trong danh sách các thí sinh bị/được nâng điểm, nguyên Chủ nhiệm UBKTTU Hà Giang thẳng thắn: Ở góc độ Đảng viên và phụ huynh có liên quan, tất cả các phụ huynh nói trên đều phải làm bản giải trình. Việc giải trình này tuân theo sự quản lý, chỉ đạo và được phân cấp theo quy định. Đảng viên giữ trọng trách người đứng đầu sẽ phải giải trình với cơ quan, tổ chức Đảng mà mình đang sinh hoạt.

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, Trưởng ban chỉ đạo thi ông Trần Đức Quý, PCT UBND tỉnh. Năm 2019, trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh Hà Giang là ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có 5.180 thí sinh đăng ký dự thi; trong đó, 4.879 thí sinh chính thức; 301 thí sinh tự do; dự kiến tổ chức 20 điểm thi với 224 phòng thi.

Năm nay, Hà Giang có 2 trường ĐH phối hợp cùng Sở GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên), ĐH Điện Lực. Chấm bài thi trắc nghiệm cho Hà Giang là Học viện Kỹ thuật quân sự.

Trong danh sách các thí sinh được nâng điểm có con Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang (đã bị truy tố) có tông điểm trên 28 điểm. Sau khi chấm thẩm định, thí sinh này bị giảm đến hơn chục điểm.

Một thí sinh khác là con của một lãnh đạo Phòng GD-ĐT Vị Xuyên được nâng lên đến 8-9 điểm ở các tổ hợp xét tuyển. Điểm thi công bố trước của thí sinh này là 20,15 - 22,85 điểm theo từng tổ hợp nhưng sau chấm thẩm định chỉ còn 11,95 - 14,25 điểm.

Thí sinh là cháu ruột của vợ ông Vũ Trọng Lương - nguyên phó trưởng phòng khảo thí Sở GD-ĐT Hà Giang - người đã bị khởi tố. Phụ huynh của thí sinh cũng là cán bộ ngành giáo dục tỉnh Hà Giang, từng có điểm thi khối A đứng thứ ba toàn quốc với 28,6 điểm, khối B đạt 28,85, lọt vào tốp đầu toàn quốc của tổ hợp xét tuyển này. Nhưng sau khi chấm thẩm định, điểm số từng môn của thí sinh đều giảm từ 2 - 3 điểm, tổng điểm khối A và B đều giảm 9 - 10 điểm.

Một thí sinh khác là con của một phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cũng được thay đổi điểm số. Con gái của ông Triệu Tài Vinh, bí thư Tỉnh ủy Hà Giang có điểm số 26; khi chấm lại giảm xuống còn hơn 24 điểm.

Kết quả điều tra và chấm thẩm định bài thi ở Hà Giang năm 2018 có 330 bài thi của 114 thí sinh có điểm thấp hơn so với lần chấm trước, trong đó có thí sinh có tổng điểm khi chấm thẩm định thấp hơn 20 - 29,95 điểm.

 

 Thái Bình

Đề nghị truy tố 5 bị can trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang

Đề nghị truy tố 5 bị can trong vụ gian lận thi cử ở Hà Giang

 - Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đề nghị truy tố 5 bị can trong vụ gian lận thi cử.