Hôn nhân sắp đặt
Ông Nguyễn Văn Nam (66 tuổi) và vợ là bà Đàm Thị Hữu (65 tuổi) gặp nhau vào một sáng đẹp trời cách đây hơn 43 năm. Ngày ấy, ông Nam là bộ đội đang nghỉ phép về thăm gia đình.
Vô tình gặp người bạn cùng xóm trên đường, bà Hữu cất lời chào, mời ông đến nhà chơi. Sự thay đổi ngoại hình của bà Hữu khiến ông Nam bất ngờ, chú ý.
Tối cùng ngày, ông đến nhà, đưa bà Hữu đi chơi. Cả hai có buổi hẹn hò đầu tiên. Dù vậy, lúc này ông bà vẫn chưa có tình cảm đặc biệt với nhau. Cả hai chỉ xem nhau như bạn.
Thế nhưng trước đó, gia đình ông Nam đã nuôi ý định cưới bà Hữu về làm dâu. Tại chương trình Tình trăm năm tập 159, ông Nam kể: “Trước đó, gia đình tôi đã để ý và muốn cưới bà ấy cho tôi.
Lúc đó, mẹ tôi đã mất, anh trai cũng đi lính nên bố muốn tôi về nhà lập gia đình để có người phụ giúp việc đồng áng. Bố tôi quen biết bố bà Hữu nên hai bên gia đình dàn xếp, muốn chúng tôi đến với nhau”.
Sau khi đã thống nhất, hai bên gia đình không đợi tình cảm đôi trẻ nảy nở. Bố ông Nam và bố bà Hữu quyết định tổ chức đám hỏi trong lúc ông Nam vẫn đang trong quân ngũ, không có mặt ở nhà.
Bà Hữu nhớ lại: “Lúc đó, chúng tôi còn chưa một lần nói chuyện tình cảm đôi lứa dù biết bố mẹ muốn cả hai cưới nhau. Rồi một hôm, bố tôi nói: Thôi con ơi, bộ đội là người nhà nước, người ta không có thời gian, mình phải thông cảm, cho ông bà bên ấy làm đám hỏi trước.
Nghe vậy, tôi đành nói: Bố đặt đâu con xin ngồi đấy. Lúc ấy, tôi cũng chưa có tình cảm với chồng tôi bây giờ. Chúng tôi vẫn chỉ xem nhau như bạn bè cùng xóm. Nhưng lễ ăn hỏi vẫn diễn ra dù khi đó, ông ấy vẫn đang trong đơn vị".
Sau đám hỏi 1 tháng, ông Nam được đơn vị cho nghỉ phép về quê cưới vợ. Cuối cùng, ông bà có đám cưới tập thể đáng nhớ cùng với nhiều cặp đôi khác tại trụ sở ủy ban xã.
Cưới xong đôi ngày, ông Nam trở lại đơn vị. Cũng năm ấy, ông không được về đón Tết cùng gia đình. Thế nên sau Tết, bà Hữu đạp xe vượt hơn 100km đến nơi ông Nam đóng quân thăm chồng.
Bất ngờ được gặp vợ tại đơn vị, ông Nam vỡ òa hạnh phúc. Cuộc gặp khiến ông thương yêu vợ hơn. Ông yêu bà đến độ bắt đầu biết ghen. Khi bà Hữu ra về, ông sợ vợ đi một mình sẽ bị những người đàn ông khác tán tỉnh.
Thế là ông buộc chiếc chăn bông mà bà vừa chở từ nhà lên cho mình vào yên sau xe đạp của vợ. Ông bắt bà chở ngược chiếc chăn về nhà với suy nghĩ "nếu thấy yên sau có chở hàng, cánh đàn ông sẽ không xin quá giang".
Sau 7 năm phục vụ quân đội, ông Nam xin xuất ngũ. Ông trở về đúng lúc vợ mang thai đứa con đầu lòng. Lúc này, ông chưa có việc làm ổn định nên cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khó khăn.
Vượt khó
Ông Nam quyết định làm trang trại, nuôi cá. Tuy vậy, việc làm ăn không thuận lợi, liên tục thua lỗ. Thương chồng, ngoài việc cày ruộng, cấy lúa, bà Hữu tranh thủ cắt chuối, đổi mật lấy thóc về cho ông Nam đem bán kiếm thêm thu nhập.
Sau 1 năm lao lực, ông Nam cảm thấy cơ thể có biểu hiện lạ. Đến bệnh viện kiểm tra, ông được các bác sĩ thông báo mình có bệnh về tim, phải nhập viện điều trị.
Không còn cách nào khác, ông đành nhập viện. Thế nhưng, dù ông đã kiên trì chạy chữa trong nhiều tháng, bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Sau đó, ông được người bạn là bác sĩ thăm khám, chẩn đoán. Người này cho biết, ông mắc bệnh rối loạn thần kinh thực vật và phải liên tục điều trị trong nhiều năm.
Chồng đau bệnh, không thể lao động, gánh nặng kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai bà Hữu. Suốt thời gian ông Nam điều trị, một mình bà làm đủ mọi việc để trang trải cuộc sống, nuôi con.
Bà kể: “Lúc đó, mọi kế hoạch của gia đình đã được dự tính trước đều phải dừng lại. Ở nhà, ngoài việc làm ruộng, cấy lúa, tôi phải ngược xuôi đi đổi mật, đổi thóc về bán. Năm 2001, thấy người ta nói vào Nam làm được lương cao, tôi bàn với chồng rời quê vào Nam làm ăn.
Chúng tôi gửi lại 3 con nhỏ ở quê để cùng nhau vào TP.HCM lập nghiệp. Những năm đầu, chúng tôi đi bán bánh giò, bán trái cây dạo, giác hơi… Vợ chồng phải sống chật vật trong căn nhà trọ chật hẹp…”.
Dẫu vậy, ông bà vẫn nỗ lực vươn lên và dần ổn định cuộc sống. Đến nay, ông bà cùng 3 người con đã đoàn tụ tại TP.HCM và quyết định sinh sống tại thành phố nghĩa tình này.
Kể lại những năm tháng khó khăn, ông Nam cho biết, thời điểm ấy, đời sống vợ chồng của ông bà cũng đôi lần cơm không lành canh không ngọt. Thế nhưng, ông bà chưa bao giờ có ý định rời xa nhau.
Để đời sống vợ chồng bền chặt, ông bà tự thỏa thuận với nhau là người sai phải làm lành trước. Đặc biệt, cả hai đặt ra quy tắc là bất luận trong hoàn cảnh nào, vợ chồng cũng không được ngủ riêng.
Ông Nam tâm sự: “Chúng tôi cưới nhau tính đến nay đã 43 năm. Trừ thời gian tôi đi công tác, làm ăn xa nhà, đến bây giờ, chúng tôi dù giận nhau cũng ngủ chung một giường.
Có như vậy, vợ chồng mới gần gũi, dễ làm lành và thấu hiểu nhau hơn. Tình cảm vợ chồng cũng từ đó mà bền chặt đến bây giờ”.
Cuối chương trình, ông Nam gửi đến vợ bức thư tay đầy cảm xúc. Trong thư, ông gợi nhắc khoảng thời gian bà Hữu khổ cực mưu sinh, chèo lái gia đình trong lúc mình đau bệnh.
Lời thư tha thiết khiến bà Hữu rưng rưng hạnh phúc. Bà nói: “Tôi rất xúc động. Tôi luôn hy sinh tất cả cho chồng con. Chồng tôi cũng hiểu nên anh thường dặn: Các con phải thương mẹ bởi mẹ đã hy sinh rất nhiều cho bố và cho các con”.