Mối tình trong trẻo
Ông Nguyễn Ngọc Thành (72 tuổi, Quận 7, TP.HCM) gặp bà Trương Thị Lan (64 tuổi) khi đang làm việc ở xưởng cơ khí nhà máy dệt Nam Định. Ngay lần gặp đầu tiên, ông đã có cảm tình đặc biệt với cô gái có nụ cười tỏa nắng.
Sau đó, ông nhiều lần mượn dụng cụ đựng cơm của bà Lan để có cớ trò chuyện, làm quen. Ông quyết tâm theo đuổi bằng cách đạp xe đưa đón bà Lan đi làm. Ông xếp hàng cả giờ đồng hồ để mua vé, đưa bà Lan đi xem phim.
Dẫu vậy, ông vẫn không dám nắm tay, tỏ tình. Mãi đến khi có dịp đạp xe đèo bà Lan qua đê Sông Hồng, ông mới dám nắm tay người yêu, nói lời hẹn ước.
Tại chương trình Tình trăm năm, bà Lan kể: “Ông ấy nắm tay tôi, nói: 'Các cụ đang mong. Từ đây đến cuối năm, chúng mình cưới nhau Lan nhé...'”.
Trước tấm chân tình của chàng thợ cơ khí, bà Lan gật đầu. Cả hai có một đám cưới ấm cúng trong tình thân gia đình.
Nhà nghèo, đôi vợ chồng mới cưới không có phòng tân hôn. Ông bà chỉ có chiếc giường được che tạm bằng tấm ri-đô kê sát vách trong căn nhà bé xíu. Vì thế, ông bà cũng không có đêm động phòng.
Ông Thành hài hước kể: “Đêm đầu tiên, chúng tôi không biết làm gì, đến quần áo cưới cũng không thay mà cứ thế mặc ngủ. Cưới nhau cả tuần mà chúng tôi chưa biết động phòng. Sau đó, vợ tôi phải hỏi bạn thân đã lập gia đình mới biết đến chuyện vợ chồng, chăn gối”.
Cưới gần một năm, ông bà có đứa con đầu lòng. Bốn tháng sau, bà Lan lại mang thai khiến cuộc sống càng thêm thắt ngặt. Để thay đổi, ông bà rời quê vào TP.HCM mưu sinh.
Ông Thành nói: “Thời điểm nuôi 2 đứa con đầu, gia đình tôi khổ lắm. Lúc đó, vợ tôi mất sữa. Y tế phường cấp cho gia đình 4 hộp sữa/tháng nhưng các con cũng không được uống vì phải đem bán lấy tiền trang trải. Các con chỉ được uống nước cơm pha với đường, muối”.
Giúp chồng vượt cửa tử
Tuy vậy, vợ chồng ông vẫn cố gắng mưu sinh. Năm 1986, ông bà nghe tin có người bán nhà để xuất ngoại nên vay mượn, “bán luôn cái chậu giặt đồ cho con” lấy tiền mua nhà.
Thoát cảnh ở trọ, ông bà kinh doanh nước giải khát, điện thoại công cộng, cho thuê máy chiếu phim, nhà đất… nên cuộc sống dần ổn định, khá giả. Cứ thế, ông bà sống với nhau trong cuộc hôn nhân hạnh phúc, chưa một lần cãi vã.
Mãi đến năm 2021, ông bà mới phải đối mặt với biến cố gia đình. Năm ấy, bà Lan gặp tai nạn nằm liệt giường nhiều tháng. Một tay ông Thành chăm sóc vợ mà không một lời than vãn.
Khi bà Lan hồi phục, ông Thành lại lâm bạo bệnh tưởng không qua khỏi. Bà Lan kể: “Lúc ấy, ông bệnh nặng, chỉ nằm một chỗ. Gia đình đưa đi khắp các bệnh viện nhưng ở đâu cũng trả về”.
Thậm chí, ông đã dặn dò con cái, tôi cũng lén đi hỏi trại hòm… Ai đến thăm cũng nói: 'Chị đã chuẩn bị chưa, anh không qua được đâu'".
Nhưng bà Lan không từ bỏ hy vọng. Bà chăm chồng bằng tất cả tình yêu thương. Mỗi ngày, bà thủ thỉ vào tai chồng: “Anh ơi, anh đừng bỏ em. Em sẽ chăm anh đến hơi thở cuối cùng nhưng anh phải sống…”.
Bà bí mật nhờ những người bạn của chồng thường xuyên gọi điện trò chuyện, động viên ông. Cuối cùng, phép màu đã xảy ra.
Từ chỗ được tiên lượng sẽ không qua khỏi, ông Thành vượt qua bạo bệnh, đi lại và sinh hoạt bình thường. Cuối chương trình, ông khẳng định chính tình yêu của vợ đã giúp mình vượt cửa tử.
Ông nhờ chương trình gửi đến vợ bức thư cùng bài thơ tự sáng tác chất chứa những lời yêu thương chân thành. Trước tình cảm của chồng, bà Lan không giấu nổi xúc động. Bà mỉm cười trong những giọt nước mắt hạnh phúc.