Theo báo Nikkei Asian, khi thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dường như sắp kí kết, các nhà đàm phán chợt nhận ra họ đã quay về xuất phát điểm ban đầu. Lý do của việc này chính là phía Trung Quốc khăng khăng viết lại bản thỏa thuận, mà theo giải thích của Tổng thống Mỹ Donald Trump là từ bỏ các điều khoản đã được thỏa thuận trước đó.

Thế nhưng nguyên do thật sự đằng sau việc Trung Quốc muốn thay đổi, lý do khiến phía Trung Quốc ngại ngần không chịu đáp ứng yêu cầu từ phía Mỹ, lại nằm ở tính toán sai lầm căn bản của chính quyền Tổng thống Trump.

Nói đơn giản, phía Mỹ đã tự đề cao mình. Thỏa thuận mà phía Trung Quốc viết lại chắc chắn sẽ buộc phía Bắc Kinh phải sửa một số điều luật để có được một số thay đổi như phía Mỹ mong muốn, thế nhưng phía Trung Quốc đã phải đàm phán trong bối cảnh của một chiến dịch tấn công của phía Mỹ triển khai nhằm vào Tập đoàn công nghệ Huawei.

{keywords}
Đàm phán thương mại Mỹ-Trung diễn ra khi Huawei bị chính phủ Mỹ áp đặt trừng phạt. Ảnh: marketprimenews

Chiến dịch này đã đưa Huawei vào danh sách đen của Mỹ, vì vậy công ty này bị mất các nguồn cung cấp công nghệ quan trọng, đồng thời cũng buộc nhiều đồng minh của Mỹ phải cô lập Huawei.

Và dù các lệnh cấm từ phía Mỹ sẽ gây tổn hại đến Huawei, công ty này cuối cùng sẽ có thể bù lại những tổn thất bằng cách củng cố quan hệ với một số công ty công nghệ Trung Quốc phát triển nhanh khác. Đối với phần còn lại của thế giới, việc chính quyền Washington tấn công Huawei nói riêng và Bắc Kinh nói chung sẽ tạo ra những hậu quả lâu dài.

Trung Quốc có vị thế cực kỳ quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vì thế việc cô lập một cường quốc sản xuất công nghiệp hàng đầu thế giới với thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ người, chắc chắn sẽ gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra bóng đen phủ lên toàn bộ nền kinh tế thế giới.

Tính toán sai lầm của chính quyền Tổng thống Trump có thể là kết quả của việc vội vàng hành động với hy vọng nước này sẽ giành được chiến thắng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020. Rõ ràng phía Mỹ dường như tin chắc chắn rằng, Trung Quốc nằm ở vị trí yếu thế hơn Mỹ bởi Bắc Kinh lo ngại về rủi ro “hạ cánh cứng” với nền kinh tế. Đáng tiếc, phía Washington đã nhầm.

{keywords}
Những tính toán sai lầm đã khiến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang. Ảnh: detik.com

Dù Trung Quốc không nhập khẩu nhiều từ Mỹ, nhưng nước này có nhiều vũ khí hơn Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại. Ngoài việc trả đũa trực tiếp thông qua các mức thuế đánh vào các sản phẩm nông nghiệp cũng như máy bay thương mại, Bắc Kinh cũng có thể tăng cường việc kiểm soát vốn, bán mạnh trái phiếu chính phủ Mỹ, hoặc để cho đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá mạnh. Việc đồng NDT hạ giá chắc chắn sẽ khiến cho USD trở nên bất ổn cũng như gây rối loạn cho nhiều tổ chức tiền tệ quốc tế.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như khá kiềm chế. Mặc dù đồng NDT gần đây hạ giá so với USD, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc vẫn thể hiện mạnh mẽ quan điểm sẽ giữ đồng tiền này ổn định tỷ giá. Ngay cả khi mà căng thẳng với Mỹ xung quanh vấn đề thương mại và công nghệ buộc Trung Quốc phải có biện pháp trả đũa, Trung Quốc sẽ vẫn giữ thái độ kiềm chế này trong tương lai gần.

Lý do khá đơn giản: Động thái của Trung Quốc phục vụ tốt cho quyền lợi lâu dài của nước này, cả trực tiếp thông qua việc hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội và tính toàn vẹn của nhà nước. Lẫn gián tiếp như tránh sự gián đoạn gây nhiều thiệt hại tài chính đến thị trường toàn cầu. Đáng tiếc, khi làm như vậy, Bắc Kinh cũng không làm trọn vẹn được cam kết mà phía Washington đang mong muốn có được từ phía nước này.

Thương chiến đã cho thấy rủi ro của việc duy trì một nền kinh tế mở. Thế nhưng thay vì đóng cửa với thế giới, Trung Quốc chọn cách đảm bảo cho sự ổn định cho kinh tế toàn cầu. Cụ thể, Trung Quốc sẽ phát triển các công nghệ cốt lõi của riêng mình, để chấm dứt sự phụ thuộc vào Mỹ cũng như xây dựng các ngành chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nước này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc có trụ sở ở Thượng Hải, ông Trương Tuấn cho biết.

Tuấn Trần