Ngày 5/4/1951, một thẩm phán liên bang Mỹ đã kết án tử hình Julius và Ethel Rosenberg vì tội phản quốc, tiết lộ các bí mật bom nguyên tử cho Liên Xô. Bản án được coi là phần kịch tính nhất của vụ xét xử gián điệp chấn động lịch sử Mỹ.
Vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg. Ảnh: New York Daily News |
Vụ Rosenberg cũng là vụ án gây nhiều tranh cãi nhất thời Chiến tranh Lạnh, với sự góp mặt của nhiều tình tiết ly kỳ, từ hoạt động bí mật của các điệp viên, sự phản bội của người thân cho đến việc khăng khăng chối tội tới tận khi bị hành hình của đôi vợ chồng nhà khoa học Do Thái, cũng như những bí mật được tiết lộ hàng chục năm sau đó.
Kỳ án gián điệp
Tháng 8/1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Sự kiện khiến Washington vô cùng kinh ngạc và tức tối, vì nó đánh dấu việc Mỹ không còn độc quyền thứ vũ khí mạnh nhất lúc bấy giờ. Washington tin rằng, các nhà khoa học bên kia đại dương không thể đạt được tiến bộ nhanh chóng đến như vậy nếu không có sự tiếp tay của chính người Mỹ.
Một chiến dịch truy lùng gắt gao sau đó đã dẫn tới việc Mỹ bắt giữ nhiều người, kể cả các học giả và nhà nghiên cứu, tình nghi làm gián điệp cho Liên Xô. Trong số này có Klaus Fuchs, một nhà khoa học gốc Đức đã chuyển nhiều tài liệu bí mật về cách thức chế tạo bom nguyên tử cho Liên Xô và Harry Gold, người liên lạc của Fuchs.
Khi bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ, Harry Gold thú nhận, ông ta không chỉ giữ vai trò đưa thư cho Fuchs, mà còn làm việc cho cả vợ chồng David và Ruth Greenglass. Khi đó, David Greenglass đang là chuyên gia kỹ thuật tại Phòng thí nghiệm nguyên tử của Mỹ ở Los Alamos.
Ảnh lưu hồ sơ cảnh sát khi vợ chồng Rosenberg bị bắt giam năm 1950. Ảnh: The National Security Archive |
Lúc bị FBI bắt vào tháng 6/1950, David tố cáo em rể, Julius Rosenberg, đã lôi kéo ông ta làm việc cho tình báo Liên Xô. Theo David, em gái ông ta - Ethel Rosenberg, khuyến khích anh trai đánh cắp thông tin về các dự án phòng thí nghiệm Los Alamos đang theo đuổi. Cũng theo lời khai của David, sau khi Fuchs sa lưới FBI, Julius đã đưa cho vợ chồng ông ta 4.000USD và bảo trốn sang Mexico.
Ngày 17/7/1950, nhà khoa học gốc Do Thái Julius Rosenberg bị bắt. Ba tuần sau, vợ ông, Ethel Rosenberg, cũng bị tống giam.
ợ chồng Rosenberg khi bị dẫn giải ra tòa. Ảnh: New York Times |
Vụ xét xử gây nhiều tranh cãi
Washington đưa vợ chồng Rosenberg ra xét xử đúng vào giai đoạn căng thẳng của Chiến tranh Lạnh, quan hệ Liên Xô - Mỹ rơi vào thế đối địch. Trong khi đó, ở bên trong nước Mỹ, chủ nghĩa bài Do Thái ngày càng trở nên lớn mạnh.
Vụ án là tâm điểm chú ý của dư luận lúc bấy giờ. Các bằng chứng chống lại Julius và Ethel Rosenberg chủ yếu là do vợ chồng David Greenglass và Harry Gold cung cấp. Phe ủng hộ gia đình Rosenberg cáo buộc, việc xét xử là âm mưu của Washington nhằm biện hộ cho chính sách đối ngoại gây tranh cãi cũng như nhằm biến vợ chồng họ trở thành mục tiêu trút giận của công chúng Mỹ. Ngược lại, phe phản đối tin vợ chồng Rosenberg cần phải bị xử phạt nặng để răn đe những kẻ âm mưu phản quốc.
Hai cậu con trai bé bỏng Michael, 10 tuổi và Robert, 6 tuổi đọc tin về vụ xét xử cha mẹ mình trên báo tại nhà riêng ở New Jersey. Ảnh: New York Daily News |
Ngày 5/4/1951, Thẩm phán liên bang Irving Kaufman tuyên án tử hình vợ chồng Rosenberg vì tội hoạt động gián điệp và phản bội tổ quốc. Bản án ngay lập tức làm dậy sóng dư luận. Lí do vì, vợ chồng Rosenberg lúc đó đang nuôi hai con nhỏ là Michael, 10 tuổi và Robert, 6 tuổi. Ngoài ra, Klaus Fuchs, điệp viên bị xử tại Anh với tội nghiêm trọng hơn nhiều so với nhà Rosenberg, chỉ phải lĩnh án 14 năm tù giam.
Những người biểu tình ủng hộ vợ chồng Rosenberg tại một nhà ga ở New York. Ảnh: New York Daily News |
Trong suốt 2 năm sau đó, nhà Rosenberg liên tục kháng án. Tại Mỹ và châu Âu cũng xuất hiện nhiều tổ chức đứng lên bảo vệ vợ chồng họ. Trong số các nhân vật nổi tiếng tham gia phong trào đòi lại công bằng cho Julius và Ethel Rosenberg có cả thiên tài vật lý Albert Einstein, danh họa Picasso và nhà khoa học đoạt giải Nobel Harold Urey. Giáo hoàng Pière XII cũng gửi kiến nghị ân xá tới Chính phủ Mỹ, nhưng bị Tổng thống Eisenhower từ chối.
Ảnh chụp phòng tử hình bằng ghế điện tại nhà tù Sing Sing ở Ossining, New York 6 ngày trước khi vợ chồng Rosenberg bị xử tử. Ảnh: New York Daily News |
Ngày 19/6/1953, vợ chồng Rosenberg bị tử hình bằng ghế điện tại nhà tù Sing Sing ở Ossining, New York. Cho tới phút chót, họ vẫn khẳng định mình vô tội và không cung khai về hoạt động tình báo đã làm cho Liên Xô.
Julius và Ethel Rosenberg là những công dân Mỹ đầu tiên và cũng là cuối cùng bị chính phủ nước này xử tử vì tội hoạt động gián điệp kể từ năm 1953 tới nay.
Thi hài của Julius (1917 - 1953) và Ethel Rosenberg (1916 - 1953) được đặt trong quan tài sau khi bị xử tử ngày 19/6/1953. Họ được chôn cất tại nghĩa trang Wellwood ở Long Island, New York. Ảnh: Word Press |
Những bí mật được hé lộ
Các góc khuất của vụ Rosenberg lần đầu tiên được hé lộ vào năm 1995, khi CIA giải mật hồ sơ lưu trữ từ năm 1939. Theo đó, Julius và Ethel Rosenberg không trực tiếp chuyển những bí mật vũ khí nguyên tử cho tình báo Liên Xô, dù làm rò rỉ nhiều tài liệu quan trọng về công nghệ hàng không.
Bốn năm sau, vào năm 1999, bí ẩn về vụ Rosenberg được làm sáng tỏ một lần nữa qua lời kể của cựu điệp viên người Nga Alexandre Feliksov. Theo cuốn hồi ký của Feliksov, tình báo Liên Xô chiêu mộ Julius Rosenberg đúng vào ngày Quốc tế lao động, 1/5/1942.
Thông qua Feliksov, Julius và vợ đã cung cấp cho Liên Xô hàng ngàn tài liệu thu thập được, có giá trị quân sự quan trọng, chẳng hạn như mẫu thiết kế hoàn chỉnh chiếc phản lực P-80 Shooting Star của hãng Lockheed. Song, tài liệu giá trị nhất là các thông tin về dự án nguyên tử Manhattan tối mật, do vợ chồng Rosenberg khai thác được từ David Greenglass.
Ngoài ra, theo cựu điệp viên Feklisov, ông cũng hướng dẫn Julius chiêu dụ được nhiều cá nhân làm việc cho tình báo Liên Xô.
Tuấn Anh
Ngày này năm xưa: Tai nạn thảm khốc của máy bay Mỹ chở trẻ em Việt
Ngày 4/4/1975 chứng kiến một trong tai nạn máy bay thảm khốc nhất trong lịch sử Không lực Mỹ.
Vụ đánh bom đẫm máu khiến cả nước Nga hoảng loạn
Một quả bom bất ngờ phát nổ trong hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố St. Petersburg của Nga, khiến hàng chục người thương vong.
Ám ảnh vụ máy bay đột ngột thủng lỗ trên cao hàng nghìn mét
Bốn người, trong đó có một em bé 8 tháng tuổi, đã bị hút khỏi máy bay chở khách TWA sau khi một vụ nổ làm toác một lỗ lớn trên thân máy bay.
Thảm họa động đất bất ngờ khiến ngàn người thiệt mạng
Đêm 28/3/2005, một trận động đất mạnh 8,7 độ Richter làm rung chuyển miền bắc Sumatra, Indonesia khiến gần 1.000 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.
Lật lại vụ phi công lao máy bay tự sát chấn động thế giới
Kết quả điều tra tiết lộ một sự thật kinh hoàng: thủ phạm gây ra vụ tai nạn chấn động lịch sử hàng không thế giới ngày 24/3/2015 chính là cơ phó điều khiển máy bay.
John Lennon và bộ ảnh chống chiến tranh Việt Nam để đời
Ngày 25/3/1969, ca sĩ huyền thoại của nước Anh John Lennon và vợ Yoko Ono tiến hành "biểu tình trên giường" ở Amsterdam, Hà Lan để phản đối chiến tranh Việt Nam.
Ám ảnh vụ thảm sát lột tả sự man rợ của phát xít Đức
Ngày 23/3/1944, quân du kích Italia tại Rome đã tấn công một đơn vị phát xít Đức, giết chết 33 cảnh sát. Một ngày sau, quân Đức đã thảm sát 335 dân thường Italia để trả thù.