Chủ xe tố ngược chủ gara "người bội tín"

Vụ việc tranh chấp vì bỏ quên ô tô 13 năm ở gara giữa ông Huỳnh Trọng Nhân, chủ gara ô tô Trọng Nhân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và ông Tôn Thất Sơn (Giám đốc Công ty Trang trại công nghệ cao Đà Lạt Nam Việt, Lâm Đông) đã lên tới đỉnh điểm.

Như chuyên trang Xe VietNamNet đã phản ánh, chiếc Nissan cũ được ông Sơn mang đến gara Trọng Nhân sửa từ năm 2006 nhưng sửa xong, chủ xe bỏ mặc. Thông tin ban đầu từ ông Nhân, chủ gara cho biết, 13 năm qua, ông không thể liên lạc nổi với khách, đành mang xe cho đi "mổ động cơ" cuối năm 2018. Đến ngày gần đây, ông Tôn Thất Sơn mới xuất hiện, đòi lại xe hoặc đòi gara đền 100 triệu.

Tuy nhiên, ngày hôm qua, 4/4, ông Tôn Thất Sơn trả lời báo VietNamNet đã đưa ra các thông tin hoàn toàn ngược lại.

Mở đầu câu chuyện, ông Sơn bức xúc cho rằng chủ gara đã bẻ sai lệch những gì thực tế diễn ra suốt ngần ấy năm. Vị này nói: “Anh Nhân nói chiếc xe khi đem đến sửa đã mục nát là hoàn toàn vô lý vì nếu vậy nó đã không còn hạn đăng kiểm đến 2008. Thậm chí đã có người trả tôi 100 triệu mua xe nhưng tôi không bán mà quyết định sơn sửa lại cho đẹp để đi chơi Tết”.

{keywords}
Ông Huỳnh Trọng Nhân (áo xanh)- chủ gara và ông Tôn Thất Sơn (áo trắng)- chủ xe đưa ra các thông tin trái ngược nhau (ảnh: Đình Quý)

“Sau khi xe hoàn thiện, tôi có đến xem thì phát hiện ra họ lắp lại thiếu đồ như trần xe không đúng cũ, táp bi cửa hỏng hết. Tôi yêu cầu phải trả lại nguyên trạng, nhưng sau đó anh Nhân cứ lần lữa thoái thác với lý do xe hiếm nên mất thời gian tìm đồ”, ông Sơn nói thêm.

Điều thứ hai mà vị chủ xe Nissan nhấn mạnh là mình không hề biệt tích hay khó liên lạc như lời ông Nhân than phiền. Số điện thoại của ông không thay đổi suốt ngần ấy năm.

Từ 2008 đến 2012 khi vẫn còn ở Hà Nội, trái với những gì ông Nhân chia sẻ, ông Sơn khẳng định với VietNamNet rằng vẫn đến xưởng đòi xe nguyên trạng đủ nội thất như ban đầu nhưng anh Nhân cứ khất lần.

Năm 2013 khi phải ra nước ngoài làm việc, ông Sơn ủy quyền cho bạn mình tên Thành (cũng là người giới thiệu chỗ sửa xe – PV) ở lại Hà Nội đốc thúc việc hoàn trả nguyên trạng chiếc Nissan. “Lúc ấy, anh Nhân có nói hướng giải quyết là tôi đưa giấy tờ xe cho cậu ấy và bồi thường 20 triệu. Điều này là quá vô lý bởi riêng giấy tờ bán không cũng có giá như vậy”.

Khi phóng viên đặt vấn đề, nếu chủ xe đòi bồi thường 100 triệu thì chủ gara có quyền đòi tiền sửa còn nợ và tiền gửi xe suốt 13 năm, ông Sơn phản ứng: “Xe của tôi không hề gửi để gara trông giữ mà là đưa đến sửa chữa, họ sửa không được và không giao xe lại cho tôi thì họ phải chịu chứ. Sao đòi tiền gửi xe vô lý”.

Thậm chí, phản hồi trước việc chủ gara đã phải mất nhiều tiền bạc, công sức trông giữ, gửi xe của mình.., ông Sơn cho rằng, ông không quan tâm và đó là việc của phía gara, nhận sửa xe thì phải vậy.

Lý giải về việc để sự việc kéo dài quá lâu, đặc biệt là sau khi người bạn trung gian được ủy quyền làm việc với gara mất năm 2015 nhưng đến tận năm 2019 mới xuất hiện, ông Sơn viện lý do rằng, vì bản thân bận công việc và chán nản với cách ứng xử của chủ gara.

Nói về con số chính xác muốn chủ gara bồi thường cho mình, ông Sơn nói không đề cập thẳng 100 triệu đồng mà cho biết, đang yêu cầu anh Nhân tự nhẩm tính con số phù hợp.

{keywords}
Chủ gara Trọng Nhân (Hà Nội) khốn khổ vì chiếc ô tô Nisan của khách để 13 năm

“Nếu không tính giá trị xe, chỉ lấy con số 10 triệu đồng đã ứng trước (tiền trả chi phí sửa xe), nếu một tháng có lấy lãi theo ngân hàng 1% thì một năm là 12%. Sau từng ấy năm thì số tiền sẽ là bao nhiêu (đến năm 2019 lãi là khoảng 15,6 triệu – PV nhẩm tính)”, ông Sơn nói.

Ông Sơn khẳng định, nếu không đạt kết quả thương lượng, ông sẽ kiện chủ gara ra tòa.

Tuy nhiên, trao đổi lại với PV Xe VietNamNet,  ônng Huỳnh Trọng Nhân rất ngạc nhiên và khẳng định: “Nếu khách không đồng ý gì thì phải làm việc ngay với gara chứ làm gì có chuyện để quá lâu. Tôi mà làm mất đồ thì chủ xe chả để yên như vậy nhiều năm, nhất là với tài sản trị giá 100 triệu đồng. Ông Sơn nói ngược hoàn toàn những gì đã trao đổi với tôi. Tôi sẵn sàng hầu kiện vì mình không có gì sai”.

Luật sư nói gì về vụ việc hy hữu này?

Đây là vụ việc hi hữu chưa từng có tiền lệ trong thị trường sửa chữa, bảo dưỡng xe. Dưới góc nhìn của luật sư, phân định trách nhiệm và tính đúng sai vụ việc nằm ở hành vi của 2 bên với giao kèo sửa xe.

Trao đổi với PV Xe VietNamNet, luật sư Cao Thị Hòa, công ty luật VietThink cho rằng, trong vụ việc này, chủ xe có cơ sở để yêu cầu chủ gara bồi hoàn giá trị tài sản chiếc xe do tự ý bán xe ô tô. Tuy nhiên, mức bồi hoàn thực tế chỉ tương đương với giá trị còn lại của chiếc xe. Chiếc xe này thực tế đã gần 40 năm, không còn giá trị cao. Vì vậy, giá trị còn lại của chiếc xe không thể lên tới con số 100 triệu.

Ngược lại, chủ gara có thể yêu cầu chủ xe thanh toán các chi phí trông giữ xe trong suốt 13 năm qua. “Theo tính toán sơ bộ, tôi cho rằng số tiền trông giữ mà chủ xe phải trả nhiều hơn nhiều so với giá trị mà chủ gara phải bồi hoàn lại”, luật sư Hòa nói.

{keywords}
Chiếc Nissan chỉ còn lại chi tiết đáng giá nhất là cụm động cơ, thế nhưng theo người phá dỡ là anh Thanh, nó mục nát đến mức chỉ cân sắt vụn.

Bên cạnh đó, luật sư Hòa chia sẻ nếu xảy ra những trường hợp tương tự, các chủ gara nên thực hiện theo quy trình pháp luật cho phép.

Cụ thể, đầu tiên nếu có xe “bỏ quên” lâu gây ảnh hưởng kinh tế, chủ gara cần thông báo ngay lập tức cho chính quyền địa phương để tìm kiếm chủ xe. Xe ô tô là tài sản có đăng ký sở hữu, vì vậy, thông qua chính quyền, việc tìm kiếm chủ sở hữu có thể dễ dàng hơn. 

Sau đó, nếu vẫn không liên lạc được với chủ xe, chủ gara có thể tiến hành thủ tục pháp lý đã được hướng dẫn ở Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015. Điều khoản này hướng dẫn chủ gara có thể giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất tài sản bị bỏ quên để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 1 năm, nếu chủ tài sản vẫn không đến nhận thì người nhặt được tài sản này có thể được sở hữu 50-100% chính tài sản đó

Theo ghi nhận của PV Xe VietNamNet, chiếc ô tô Nisan của ông Tôn Thất Sơn đã được phá dỡ. Bộ phận đáng giá nhất được dân mua lại là động cơ xe với giá 2,8 triệu đồng.


Điều 230 Bộ luật Dân sự 2015:

Sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

 

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

 Đình Quý

Bạn có ý kiến thế nào về vụ việc trên? Xin gửi về email: [email protected], hoặc bình luận dưới bài viết này. Xin cảm ơn!

 

Bỏ quên ô tô 13 năm, ông chủ xuất hiện bắt đền 100 triệu

Bỏ quên ô tô 13 năm, ông chủ xuất hiện bắt đền 100 triệu

 Người chủ chiếc Nissan cũ nát đã bỏ mặc chiếc xe ở gara, biệt tích 13 năm, bỗng xuất hiện và nằng nặc đòi gara trả xe hoặc bắt đền mức phí lên tới... 100 triệu đồng.