- Cầm bất cứ cuốn sách nào trên tay tôi thường phải xác định nó thuộc lĩnh vực nào: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, khoa học, văn chương, nghệ thuật…để tìm ra cự ly thích hợp cho việc tiếp cận…
Cầm Tình thương, theo thói quen đó, tôi không biết xếp nó vào ô nào. Nhìn vào tên tác giả Hà Huy Thanh thì đó là một tên lạ. Nhưng đọc vào mục lục sách lại thấy đây là những câu chuyện không xa lạ, không chỉ với riêng tôi và với nhiều người. Vậy thì cũng chẳng nên băn khoăn về thể loại. Một mục lục gồm 13 chương, gắn bó với tên sách và thích hợp cho việc triển khai các ý tưởng, để hướng tới chủ đề tình thương như là một cột trụ lớn của cuộc sống con người, và cũng là cái đang thiếu ở thời điểm bây giờ.
Tình thương cùng với tình yêu có một lịch sử dài gắn với sự tồn tại của con người, loài người. Thiếu nó không chỉ là sự bất hạnh mà còn là sự hủy diệt. Hãy cùng tác giả thực hiện một hành trình tìm hiểu tình thương là gì, làm gì để có tình thương; và vai trò của tình thương trong kiến tạo nên hạnh phúc cho mỗi con người nói riêng và các cộng đồng người, từ gia đình ra xã hội, nói chung.
Một triển khai các ý tưởng thật lôgich và biện chứng, và có sức thuyết phục đối với tôi – một người từng có nhiều trải nghiệm bản thân về câu chuyện đó, và tôi tin cũng sẽ có nhiều người quan tâm, trong đó có các bạn trẻ.
Theo tác giả, nguyên lý của tình thương, là một bộ ba, gồm sự thấu hiểu (bản thân, người khác và hoàn cảnh), sự chia sẻ, và kiến tạo giải pháp. Một bộ ba hoàn chỉnh cần được hiểu như là một hành thuyết, chứ không phải là học thuyết mà là hành thuyết.
Mối quan tâm tiếp theo là quan hệ giữa tình thương với sự giàu có hạnh phúc, qua hai khu vực cơ bản là gia đình và nơi làm việc. Sau hai nội dung trên là sự chứng nghiệm bài học đó qua lịch sử dân tộc Việt, và từ đó tìm ra chìa khóa cho vấn đề toàn cầu…
Trở lên là sự lược kể nội dung gồm 13 chương của cuốn sách chỉ với 150 trang cỡ nhỏ mang tên Tình thương của một tác giả thuộc lớp doanh nhân trẻ ở thế hệ đầu 8X, như sau này tôi được biết. Một bạn trẻ rất tự tin ở chính kiến của mình, bởi đó vừa là trải nghiệm vừa là tri thức của anh; những trải nghiệm và tri thức của lứa tuổi đã qua “tam thập nhi lập” và đang hướng tới “tứ thập nhi bất hoặc”.
Qua cuốn sách, không phải là hồi ký nhưng vẫn cho tôi thoáng biết tuổi thơ và tuổi vào đời của tác giả gắn với một miền quê Hà Tĩnh (đồng hương với tôi), cùng gia đình lớn với ông bố từ cựu chiến binh thành doanh nhân, mẹ là nhà giáo, có hai anh trai và gia đình nhỏ cùng vợ và hai con gái; và những cộng sự của anh nơi làm việc. Thêm một vài chi tiết: anh từng hai lần trượt đại học (nhờ vào đó mà có hai năm đọc sách) và vừa mới đây anh dùng điện thoại thông minh để viết sách này trên máy bay, trong phòng ngủ, và quán café…
Tất cả đó góp phần phác thảo một chân dung lập nghiệp thành công ở thời điểm hôm nay; và qua những gì được diễn giải và đúc kết nơi cuốn sách, anh đang muốn gửi đến thế hệ trẻ những thông điệp quan trọng, theo cách của anh, cho sự thành đạt của cá nhân và sự thịnh vượng chung của đất nước.
Như vậy, với tôi – Tình thương là một cuốn sách dễ đọc và có ích, bởi những trình bày ngắn gọn như công thức, các nội dung hoặc điểm nhấn: Sau 3 nguyên lý của tình thương (đã nói trên) là 4 nền móng quyền lực: thân thể khỏe mạnh, tình cảm cân bằng, trí tuệ sáng suốt, tâm linh mạnh mẽ; là 2 mục tiêu: ban tặng và biết ơn; là 8 nhu cầu của con người (theo Maslow); là quy trình 5 bước: suy nghĩ, hành động, thói quen, tính cách, số phận; là 6 phẩm chất của dân tộc Việt: khả năng thích ứng, tôn trọng quy luật, đạo trung dung, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần hy sinh, đoàn kết…
Tôi đồng tình với cách nghĩ sáng rõ và tự tin ở tác giả; còn nội dung nghĩ với tỷ lệ đúng đắn của nó, hoặc được sự đồng thuận đến đâu, tôi tin là Hà Huy Thanh sẽ có cách điều chỉnh và bổ sung trên đường đời còn rất rộng dài của mình. Đọc Tình thương tôi còn có hạnh phúc được nghĩ cùng anh – để đồng tình, bổ sung, hoặc phản đối, qua đó mở rộng các đường biên cho sự thấu hiểu. Chẳng hạn: Tôi rất thích một ý tưởng về sự phân biệt Đông – Tây (của một học giả nào đó, tôi quên): một bên là sự nỗ lực, một bên là năng lực. Phương Đông (trong đó có Việt Nam) lâu dài trong nghèo đói và chiến tranh, ai cũng phải nỗ lực hết mình (lấy cần cù bù thông minh), có thế mới có thể tồn tại (sống – chết) và thoát nghèo (no - đói). Và đó là câu chuyện của thế hệ tôi từ 1945 cho đến hết thế kỷ XX, sau 3 cuộc chiến tranh, và sau 3 trận đói lớn!.
Còn Phương Tây, nơi là quê hương của khẩu hiệu: Tự do – Bình đẳng – Bác ái; nơi cá nhân con người được giải phóng rất sớm cùng với các cuộc cách mạng tư sản và sự kiến lập xã hội tư bản qua nhiều thế kỷ, thì năng lực con người mới là mối quan tâm hàng đầu. Và với năng lực, thì không còn là chuyện thoát nghèo mà là chuyện làm giàu. Giàu - mới là mục tiêu cho sự sống; chứ không còn là sự chia đều cái đói cho mọi người. Và đó là câu chuyện của các thế hệ từ sau 8X trong bối cảnh Toàn cầu hóa, Kỷ nguyên thông tin và Cách mạng 4.0 hôm nay.
Đọc Tình thương, tôi tin tưởng ở một thế hệ trẻ am hiểu lịch sử để không bao giờ cắt đứt với lịch sử; có cái nhìn tỉnh táo trong mọi so sánh, từ vi mô đến vĩ mô, cả hai đều là vô cùng, cũng vô cùng như chính Con người - một sản phẩm vĩ đại của Tự nhiên, hoặc Tạo hóa. Đọc Tình thương, tôi có được niềm an ủi, hoặc bù đắp cho những bi quan về thực trạng hôm nay với các suy thoái và băng hoại thế đạo nhân tâm gần như trước đây ít có hoặc chưa có. Thời chiến tranh (những 30 năm, hoặc 40 năm) ta từng có Mãi mãi tuổi 20 của Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm. Thời bình - nếu tính từ 1975 (cũng hơn 40 năm) ta rất cần nhân rộng những tình thương, như là khởi động và cũng là mục tiêu cho các thế hệ tuổi 30 lập nghiệp.
Cuối cùng, là người của Hội Kiều học Việt Nam, với Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh - như là một Bách khoa thư lớn nhất của tình thương, tôi mong Nguyễn Du - người con vĩ đại của Việt Nam và quê hương Hà Tĩnh cũng là một ngọn nguồn vô tận cho tri thức và trải nghiệm của mọi người, trong đó có thế hệ của tác giả.
Hà Nội, 28/8/2017 Nhân tiết Vu Lan
Giáo sư Phong Lê