Vắc xin - yếu tố quyết định
Các đại biểu sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội ở Hà Nội. Điều đó có nghĩa Quốc hội đưa các hoạt động trở về “trạng thái cũ”, điều không diễn ra trong các kỳ họp năm 2021 do Covid-19.
Kết quả đó của Quốc hội, cũng như cả nền kinh tế và xã hội nói chung hiện nay, là nhờ vào việc tiếp cận và phủ vắc xin, một nỗ lực tuyệt vời của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đặt mua vắc xin chậm và dịch đã bùng năm ngoái.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, đến hết năm 2021, cả nước tiêm được hơn 152 triệu liều, trong đó đã tiêm 132 triệu liều cho người từ 18 tuổi trở lên (99,5% tiêm ít nhất 1 liều và 90,7% tiêm đủ số liều cơ bản). Từ nước tiếp cận vắc-xin chậm, Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng hàng đầu trên thế giới, về đích trước 6 tháng so với mục tiêu trên 70% dân số được tiêm đủ liều cơ bản do WHO khuyến cáo.
Trên nền tảng đó, chính sách chống dịch đã chuyển sang “thích ứng, an toàn”, giúp các hoạt động kinh tế, xã hội quay trở lại quỹ đạo cũ. Quá trình phục hồi kinh tế được kích hoạt qua hàng loạt chỉ số như tiêu dùng, công nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký, tăng trưởng...
Tuy nhiên, có nhiều vấn đề, đòi hỏi đang đặt ra gay gắt sau đại dịch, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới xuất hiện những đám mây đen mù mịt với lạm phát tăng cao kỷ lục, cung cấp lương thực gián đoạn, nạn đói đe dọa nhiều nơi.
Bức tranh kinh tế màu gì?
Bức tranh kinh tế màu gì cần phải được xác định rõ mới đề ra được giải pháp phù hợp.
Vì sao ngân sách nhà nước tăng rất cao trong khi nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân còn rất khó khăn sau đại dịch?
Báo cáo của Chính phủ cho biết, tổng thu ngân sách năm ngoái vượt rất cao so với dự toán (tăng 16,8%), tăng gần 203 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội (chỉ tăng 22,2 nghìn tỷ so với dự toán) vào tháng 10/2021. Thu ngân sách trong 4 tháng đầu năm nay ước đạt gần 47% dự toán, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là điều cực kỳ bất thường trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ do tác động của Covid-19. Cho đến quý 1 năm nay, cả nước có tới hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên mất việc làm, giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, giảm thu nhập do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Chỉ riêng năm ngoái có gần 120 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động và phá sản, giải thể. Các ngành du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách, giáo dục mầm non gặp khó khăn nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp phá sản.
Khó khăn của doanh nghiệp là không thể bàn cãi do nền kinh tế rơi vào phong tỏa cả quý 3 năm 2021. Tuy nhiên, Chính phủ báo cáo với Quốc hội là tỷ trọng đầu tư của khu vực ngoài nhà nước đã chiếm tới 59,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng vọt so với các tỷ lệ trước đây là chỉ hơn 40%.
Đây là điều bất thường không lý giải được trong bối cảnh 23 tỉnh, thành phong tỏa theo Chỉ thị 16 suốt cả quý 3 năm 2021, quý có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm 6,02% - thấp nhất kể từ khi có thống kê quý. Làm sao mà người dân và doanh nghiệp có thể tăng đầu tư trong bối cảnh đó!
Trong khi nền kinh tế khó khăn, thiếu vốn, khát vốn thì Nhà nước có tiền trong kho bạc lại không tiêu được, ví dụ giải ngân đầu tư công rất kém. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 4 chỉ đạt hơn 18,5% kế hoạch năm. Có tới 43/51 bộ và 28/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 17%; thậm chí có 17 bộ, cơ quan trung ương giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức 0%. Tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài chưa có cải thiện nào đáng kể khi mới đạt 3% kế hoạch.
Trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đang rất khó khăn, đối diện với rất nhiều thách thức về việc làm, đơn hàng, tiếp cận vốn… thì việc thu ngân sách bất thường thể hiện điều gì? Do làm dự toán thấp, hay lạm thu? Những điều này cần kiến giải rõ ràng.
Cần quyết sách mạnh
Nhu cầu về vốn, về dòng tiền của doanh nghiệp là rất lớn khi nền kinh tế mở ra hiện nay. Trước câu hỏi còn dư địa để giảm lãi suất tiếp hay không, cuối năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng dự báo, trong năm 2022 “rủi ro lạm phát đang có một áp lực rất lớn”.
Sau mấy tháng cả nước đóng băng chống dịch, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng chắc chắn gia tăng. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 6,31%, ở mức cao so với tổng dư nợ.
Trong khi đó, chỉ mấy ngày trước phiên khai mạc kỳ họp hôm nay, Chính phủ mới có hướng dẫn về việc hỗ trợ lãi suất 2%. Có vẻ, Chính phủ cần thận trọng trong việc triển khai gói này từ việc rút kinh nghiệm của gói hỗ trợ lãi suất 4% trị giá 1 tỷ USD năm 2009. Gói hỗ trợ đó đã dẫn đến nhiều hệ lụy về lạm phát, về rủi ro đạo đức, làm không ít người trong ngành ngân hàng lâm cảnh tù tội.
Như vậy, lạm phát đang có rủi ro tăng cao, lãi suất vì thế không thể giảm được như kỳ vọng. Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp đôi so với cùng kỳ các năm 2018-2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022.
Trong khi đó, trên thế giới, tình hình kinh tế - chính trị diễn biến phức tạp. Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine; giá dầu và lạm phát tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây; một số nền kinh tế lớn triển khai thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ; Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2018; tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại...
Những thách thức trên là rất lớn. Quốc hội sẽ giám sát, kiểm tra như thế nào để cùng Chính phủ đưa ra các chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vẫn đang ngụp lặn trong khó khăn sau đại dịch?
Quốc hội cần làm rõ vì sao các chỉ tiêu chính không đạt Chính phủ thừa nhận, có 5/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 2,58% so với mục tiêu khoảng 6% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 3-3,5%); GDP bình quân đầu người ước đạt 3.680 USD, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 3.700 USD (số đã báo cáo Quốc hội: khoảng 3.660-3.680); Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng ước đạt khoảng 37,13%, thấp hơn so với mục tiêu khoảng 44-47% (số đã báo cáo Quốc hội: khoảng 32%); Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ước giảm 0,52 điểm phần trăm, thấp hơn so với mục tiêu 1 - 1,5 điểm phần trăm (số đã báo cáo Quốc hội: khoảng 0,5-1 điểm phần trăm); Tốc độ tăng năng suất lao động đạt 4,71%, thấp hơn mục tiêu khoảng 4,8% (số đã báo cáo Quốc hội: khoảng 4,8%). |
Tư Giang