Ngày 19/3, buổi tọa đàm văn hóa với chủ đề Tinh thần Duy Tân hào kiệt diễn ra tại Đường sách TP.HCM.
Sự kiện có sự tham gia của TS. Nguyễn Thị Hải Phượng –Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM, các thành viên gia đình cụ Phan Châu Trinh, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cùng tập thể thành viên Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam bộ.
Chương trình tập trung vào ý nghĩa của tinh thần Duy Tân trong ba khía cạnh chính: cải cách xã hội, nâng cao dân trí và giáo dục, cùng với phương pháp bất bạo động để khôi phục đất nước.
Qua buổi tọa đàm, giao lưu giữa các đại biểu và hoạt động văn nghệ, chương trình phần nào khái quát về tinh thần Duy Tân và những ý nghĩa sâu sắc, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân.
Theo BTC, đây không chỉ là một sự kiện kỷ niệm mà còn là cơ hội để mỗi người cùng tìm hiểu, lan tỏa và gìn giữ di sản văn hóa của những nhân vật vĩ đại. Đồng thời, tiếp nguồn ánh sáng để cùng nhau tôn vinh tinh thần Duy Tân, xây dựng một tương lai tươi sáng cho đất nước.
“Đó không chỉ là một cuộc vận động lịch sử, mà còn là một nguồn cảm hứng vô tận, động lực để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước với tình yêu thương, niềm tự hào và sự tự tin về nền tảng của cha ông đã dày công kiến tạo”, đại diện BTC chia sẻ.
Phần văn nghệ với 2 tiết mục bài ca cổ, cải lương giúp khán giả hòa mình vào không gian của những năm đầu thế kỷ 20, khi phong trào Duy Tân nổ lên như một ngọn lửa hy vọng, đánh thức lòng tự hào dân tộc và khát vọng giành lại độc lập.
Trong khuôn khổ sự kiện, những người cháu của cụ Phan Châu Trinh cùng kể lại câu chuyện ôn cố tri tân về các tấm gương kiên cường, dũng cảm, giúp khán giả cảm nhận rõ ràng ý nghĩa của tinh thần Duy Tân.
Chia sẻ với VietNamNet, bà Nguyễn Châu Loan - cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh - bày tỏ mong muốn các hoạt động văn hóa thế này sẽ lan tỏa tới thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh.
“Nhiều cháu học sinh cấp 2, 3 ngày nay không biết cụ Phan là ai, vai trò của cụ thế nào trong lịch sử. Tôi nghĩ các em không có lịch sử - văn hóa thì không thể nói là yêu nước được. Chúng ta phải biết, phải nắm vững mới có thể đấu tranh và phát triển đất nước”, bà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đông Hòa - cháu cố ngoại của cụ Phan Châu Trinh - kể gia đình luôn lưu giữ nhiều kỷ vật của cụ tại khu tưởng niệm số 9, đường Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM. Nơi đây cũng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, tiếp đón các lãnh đạo và nhiều du khách ghé thăm.
Thế hệ con cháu cũng tiếp nối truyền thống của cụ Phan. Họ thành lập nguồn quỹ khai dân trí, cấp học bổng dành cho học sinh trên địa bàn quận Tân Bình, học bổng dành cho con cháu họ Phan ở Quảng Nam, học bổng của Hội Khuyến học Thành phố Hồ Chí Minh…
“Gia đình có kế hoạch xây dựng vườn tượng với các mô hình chí sĩ yêu nước, là bạn cụ Phan Châu Trinh trong phong trào Duy Tân. Đây được xem là sự tri ân của thế hệ sau này với các bậc tiền nhân. Mỗi người khi đến đây có thể tìm hiểu về những nhân vật lịch sử của dân tộc, lan tỏa và gìn giữ di sản văn hóa của những nhân vật vĩ đại”, ông Đông Hòa cho biết thêm.