- “Một hình ảnh thiếu văn minh trong nếp sống đô thị, cho thấy thói quen coi tất cả mọi mặt phẳng rộng rãi trên đời là sân đình vẫn còn tồn tại khá phổ biến”, chị Christine Nguyễn chia sẻ.

Từ thủ đô Paris của nước Pháp, chị Christine Nguyễn, một blogger đã phải thốt lên ngỡ ngàng khi nhìn thấy những hình ảnh ăn uống ở hành lang chung cư ngay giữa Hà Nội. Chị Nguyễn không tin rằng, giữa thủ đô hoa lệ, ở thế kỷ 21 vẫn còn những hình ảnh kém văn minh như thế.

Tình làng xóm không còn cần thiết với đời sống đô thị?

Theo chị Nguyễn, văn hóa chiếu hoa rải thức ăn ra ngồi xôm tụ vui vẻ là văn hóa làng xã, chung cư ở thành phố thì không ai làm thế. Những hình ảnh này gợi cho chị liên tưởng đến cung cách của lối sống chung cư thời bao cấp.

“Hành lang chung cư vốn là nơi dành cho đi lại và thoát hiểm, không phải chỗ dành để tụ bạ ăn uống nhếch nhác xô bồ như thế. Một facebooker là Chung Nguyen đã viết rất chính xác như sau: “Bỏ qua màn trưng bầy lông chân, áo ngủ…, nếu xảy ra hoả hoạn, không rõ người dân ở đó sẽ dùng cách nào để vượt qua ma trận bát đĩa và sàn gạch men đẫm dầu mỡ chiên xào? Thói quen coi tất cả mọi mặt phẳng rộng rãi trên đời là sân đình vẫn còn tồn tại khá phổ biến”, nữ blogger chia sẻ.

Nữ Việt kiều đang sống ở thủ đô nước Pháp, một trong những cái nôi của nền văn minh thế giới, cho rằng, sống ở thành phố không nhất thiết phải biết mặt hàng xóm. Bởi nếp sống ở đây là nếp sống công nghiệp hối hả, tất bật. Hàng xóm sang hỏi han, trò chuyện có khi gây thêm phiền phức.

{keywords}
 
Ảnh minh họa

“Một ngày của người đô thị thường trôi qua rất “nhanh” và họ cảm thấy khó dung hòa với một anh/chị hàng xóm rỗi việc đóng bộ đồ trong nhà hoặc quần đùi áo may ô lê la sang đòi uống ly chè rồi vừa ngậm tăm vừa chuyện vãn vừa ê a đọc thơ tra tấn gia chủ theo kiểu “nông nhàn” như thế được. Gia chủ mà “thất lễ” thì sẽ bị đem bài không có “tình làng nghĩa xóm” ra mà gán tội. Nhưng ơ kìa, làng với xóm là thuộc về văn hóa nông thôn đấy chứ, ở đô thị mà vẫn làng với xóm là sao?

Bên cạnh đó, cuộc sống đô thị đòi hỏi sự phát triển các dịch vụ về sức khỏe, đời sống, giáo dục, an ninh, ngân hàng… Như vậy, tại sao người đô thị nhất thiết phải biết mặt hàng xóm càng nhiều càng tốt? để làm gì? Cái câu “Tối lửa tắt đèn có nhau” gì đấy trở thành không còn cần thiết với người sống ở đô thị nữa, họ sẽ chọn bạn mà kết nối, giao du. Một người bạn ở cách xa 10 km sẽ tốt hơn rất nhiều với những anh hàng xóm không hợp tính”, chị Nguyễn chia sẻ.

Với ý kiến cho rằng tiệc chung cư là để mọi người giao lưu, gắn kết tình cảm, con người biết sống yêu thương nhau hơn, chị Christine Nguyễn cho rằng những hoạt động như thế này không những không giúp con người bớt ích kỷ hơn, bớt vô cảm hơn mà sẽ là dịp để “soi” nhau hơn, nghe ngóng chuyện của ông này bà kia hơn?

“Rõ ràng, đây là vấn đề mà cốt lõi nằm ở ý thức giáo dục cho một công dân từ lúc còn trẻ thơ trong nhà trường trong một môi trường xã hội lành mạnh, dân chủ, thượng tôn pháp luật chứ không phải là qua vài cái tiệc với những người ở chung khu vực.

Tình làng nghĩa xóm trong nếp sống đô thị nên được kéo về ở vị trí thích hợp, nghĩa là “bất tương xâm”, gặp nhau trong khu vực thì chào hỏi nhau vui vẻ vài câu, nói với nhau vài lời tốt đẹp, dành cho nhau nụ cười đầy thiện cảm mà không cần biết người đó tên gì, làm gì, con cái nhà ai, lương tháng bao nhiêu, có bỏ chồng, bỏ vợ hay bồ bịch, ế ẩm… Thế là đủ”, chị Nguyễn nói.

Đừng vin vào đói nghèo để sống vô trách nhiệm

Nữ blogger cho biết, cư dân ở các thành phố bên Pháp đa phần ở chung cư, cựu tổng thống Francois Mitterrand cũng là “dân chung cư”, chỉ có ra ngoại ô đất rộng người thưa thì mỗi gia đình mới có một khoảnh sân vườn riêng. Người Pháp cũng vẫn ngồi đất để ăn uống, nhưng không phải cái kiểu bạ đâu ngồi đó như người Việt. Những người thích tụ tập mà không có chỗ tụ tập họ sẽ đến những khu vực được phép cắm trại, nướng thịt ngoài trời.

“Bên này vào mùa xuân dân cư các nơi (từ thành thị đến ngoại ô) thường tổ chức mỗi năm một lần các “hội hàng xóm” vào chiều cuối tuần. Họ luôn tụ tập ở ngoài trời: công viên nhỏ trong khu vực, sân vườn chung của chung cư, bên lề một khúc đường nội bộ nào đó, họ có gì đem nấy góp vào ăn uống nói chuyện nhưng luôn ý thức đem những thức ăn gọn nhẹ, không rườm rà “lênh láng” nặng mùi, dĩ nhiên họ không ngồi mà đứng tụm lại nói chuyện ăn uống vui vẻ, và thức ăn thức uống thì dĩ nhiên bày trên bàn cao. Ai thích tham gia thì tham gia, không thích cũng không bị các hàng xóm khác “lườm nguýt” bình luận bao giờ”, chị Nguyễn kể.

Chị Nguyễn cũng biết rằng, khi nêu lên những quan điểm này của mình có thể bị sẽ bị “ném đá” bởi không ít người khi bị phê bình về vấn đề này đã gán mác “truyền thống” và biến nó thành điều thiêng liêng bất khả xâm phạm. Hễ ai nói khác đi thì lập tức họ vin vào truyền thống để nói người khác là “học đòi phương Tây”.

“Đây không còn là “văn hóa phương Tây” nữa, nó chẳng thuộc về phương nào cả, mà nó là nếp sống đô thị, văn minh đô thị rồi. Sống thì phải phát triển, phải đi lên, cái nào không còn phù hợp với xu thế văn minh tiến bộ nữa thì bỏ. Tại sao ta cứ khư khư vin vào cái gọi là “nghèo” để từ khước tiếp nhận nếp sống văn minh phù hợp với môi trường đô thị nhỉ?”, chị Nguyễn bày tỏ.

Christine Nguyễn

Bài viết thể hiện quan điểm của độc giả

Bạn nghĩ gì về quan điểm này? Mọi ý kiến xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây hoặc email [email protected]!Trân trọng cảm ơn!