- Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn yêu cầu Vĩnh Phúc phải sửa sai, đồng thời xử lí cán bộ có liên quan trong kỳ thi tuyển giáo viên 2014 vừa qua.

Ngày 27/1, đoàn công tác của Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc xung quanh những bức xúc của thí sinh trong kỳ thi tuyển giáo viên 2014 vừa qua.

Buổi họp kéo dài gần 3 tiếng với báo cáo và hàng loạt ý kiến từ các thành viên hội đồng tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT 2014 của Vĩnh Phúc cũng như những phân tích, làm rõ những điểm không đúng từ Đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ.

Tỉnh có được làm thay huyện?

Tại buổi làm việc, bà Dương Thị Tuyến - phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc , Chủ tịch Hội đồng thi tuyển viên chức ngành GD-ĐT tỉnh các thành viên trong Hội đồng khẳng định việc kỳ thi vừa qua tại địa phương này là khách quan, nghiêm túc nhằm ngăn chặn chuyện tiêu cực có thể xảy ra ở cấp huyện.

  {keywords}

Công văn báo cáo Bộ Nội vụ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc gửi ngày 22/1/2015 thừa nhận tỉnh còn thiếu sót, hạn chế trong kỳ thi tuyển giáo viên 2014. (Ảnh: Văn Chung)

Tuy nhiên, do thời gian gấp nên UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng thi cấp tỉnh nhưng đã không kịp ra các văn bản theo quy định.

Ông Phạm Quang Tuệ, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc bổ sung ý kiến kỳ thi “được dư luận đánh giá rất cao”. Những vi phạm được xử lí kịp thời.

Lắng nghe báo cáo của các thành viên Hội đồng, ông Nguyễn Xuân Sơn, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đáng ra khi chuyển thi tập trung lên tỉnh thì phải ra Quyết định mới hủy bỏ tất cả những quyết định trước của Hội đồng cấp huyện. Đây là vấn đề cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Chính viện dẫn việc làm này dựa trên Quyết định 02, điều 13 khoản b của tỉnh có đề cập đến việc UBND tỉnh cho ý kiến về thời gian, nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp.

Ông Chính cũng khẳng định, Vĩnh Phúc đã xác định vị trí việc làm theo đúng quy định. Tuy nhiên điều cần rút kinh nghiệm cho những lần tuyển dụng sau đó là cần xác vị trí việc làm từng huyện hay của tỉnh.

Thành viên đoàn công tác của Bộ Nội vụ giải đáp: Ngoài nguyên tắc công bằng, khách quan, còn nguyên tắc khác đó là phải làm đúng pháp luật. Bất kỳ hoạt động nào của cơ quan nhà nước dù có mục đích gì đi chẳng nữa thì phải xuất phát từ một nguyên tắc rất quan trọng đó là mình có quyền làm việc đó hay không.

Căn cứ để xác định một cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức hay không trước hết là căn cứ vào Luật Viên chức, sau đó là các quy định cụ thể, chi tiết của Nghị định 29.

Trong trường hợp này đối tượng viên chức ở các quận, huyện thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện. UBND tỉnh không có thẩm quyền trong việc tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục vừa qua.

Nếu pháp luật không cho thẩm quyền thì không nên bàn thêm chuyện cái này công khai, minh bạch đến đâu. UBND tỉnh Vĩnh phải nên xem xét để có thể kiểm tra, giám sát, thậm chí là tiến hành hoạt động thanh tra đối với Hội đồng của huyện nếu như phát hiện ra các tình tiết sai phạm.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định việc Vĩnh Phúc tổ chức chung lại thành một kì thi cho tất cả các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh, nếu đối chiếu với Luật viên chức và nghị định 29 là không đúng.

Theo ông Tuấn: “Nếu không đề cập đến vấn đề này, khi tỉnh muốn tổ chức chung thì phải ban hành quyết định hủy các văn bản của cấp huyện, quyết định này phải xin ý kiến của Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại không làm việc này”.

Cũng theo Thứ trưởng Tuấn, việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc không xác định trúng tuyển theo địa chỉ (theo từng huyện) là cũng không đúng với quy định hiện hành. Việc Hội đồng tuyển dụng cấp tỉnh có đến 20 thành viên là sai so với Nghị định 29...

Hai hướng sửa sai

Thừa nhận còn thiếu sót, phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Dương Thị Tuyến cho biết: Nếu các đơn vị liên quan nắm được tình hình tiêu cực sớm thì sẽ có thời gian để báo cáo và xin ý kiến Bộ Nội vụ cùng như điều chỉnh quyết định 02 của UBND tỉnh.

Với những thiếu sót đã xảy ra, theo Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Vĩnh Phúc hoàn toàn có thể phải hủy bỏ kì thi này và tổ chức tuyển dụng lại. Tuy nhiên, xét thấy kì thi đảm bảo được sự an toàn, nghiêm túc nên có thể tính đến phương án vẫn sử dụng kết quả kì thi nhưng phải trả kết quả về cho các huyện để xác định việc trúng tuyển theo chỉ tiêu được giao.

Trước băn khoăn về việc làm như vậy sẽ dẫn đến tình trạng người có điểm cao ở huyện khác không trúng tuyển, còn thí sinh có điểm thấp hơn của một huyện khác sẽ trúng tuyển, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh:

“Đây là câu chuyện bình thường bởi việc tuyển dụng viên chức phải đảm bảo tính cạnh tranh theo từng địa chỉ (từng đơn vị, từng huyện). Nếu làm theo cách làm của Vĩnh Phúc thì sẽ xuất hiện tình trạng người trúng tuyển không có nguyện vọng vào làm việc ở đơn vị này nhưng vẫn bị phân công công tác, thí sinh của một huyện trúng tuyển hết cả chỉ tiêu nhưng huyện khác thì không có thí sinh nào trúng tuyển.”

Theo ông Tuấn, trong trường hợp nếu thấy các quy định của pháp luật chưa phù hợp, nếu có cách làm mới, Vĩnh Phúc nên làm đề án thí điểm, nghĩa là được phép làm những cái ngoài luật. Tuy nhiên, đề án phải được cơ quan có thẩm quyết chấp thuận.

Ông cũng đề nghị Vĩnh Phúc xem xét trách nhiệm những người có liên quan để xem xét, xử lí.

Văn Chung