Đến Pháp dịp cuối năm, duyên hạnh ngộ dẫn dắt tôi gặp những người con đất Việt bình dị, sống lặng thầm theo dòng chảy thời gian, nhưng đằng sau những bình dị của đời thường thân thương ấy là trọn một khung trời hoài niệm. Đó là hoài niệm một thời kỳ bần khổ của những người lính thợ rời quê nghèo đi phu cho Pháp; hoài niệm một thời sôi động của phong trào Việt kiều hướng lòng về quê hương; và ấn tượng hơn cả là hoài niệm về chuyện tình xuyên thế kỷ của những cụ ông, cụ bà đã gần đất xa trời nhưng tình yêu vẫn nồng nàn như thuở ban sơ.
Gia đình cụ bà Renée Tôn Văn và ông Tôn Văn Minh khi còn sống. |
Tình yêu lính thợ
Lính thợ Đào Khiết, sinh năm 1910, đang sống trong ngôi nhà ấm cúng ở ngoại ô Paris, kể lại: “Tôi quê ở Tiền Hải, Thái Bình, năm 1939 xảy ra chiến tranh Đức – Pháp nên bị lý trưởng bắt đăng lính. Sau 45 ngày lênh đênh trên biển cùng 2.000 người Việt khác, tôi đến Pháp ngày 22.10.1939, tham gia lực lượng pháo binh”.
Đến tháng 5.1944 ông Đào Khiết bị thương, chuyển hết viện này đến viện khác, sau có quyết định được hồi hương trong lúc vết thương nhiễm trùng nặng. Ông may mắn được bà mẹ nuôi người Pháp giữ lại vì biết trên đường về thế nào ông cũng chết, và xin cho ông xuất ngũ. Mất một năm dưỡng thương, ông ra lính, đi học nghề, học tiếng Pháp, làm thuê cho Pháp. Đến 1954, một tiệm sách Việt ở Paris cần sang lại, ông gom vốn ra làm chủ, đặt tên tiệm là Thái Bình.
Bà Berta Nguyễn đang kể về người chồng quê Quảng Nam của mình. |
Cụ bà Võ Hảo khi ấy mới 21 tuổi, vừa ở Việt Nam sang. Bà kể: “Tôi quê Thủ Đức, sang Pháp buồn, đi kiếm tiệm sách, ông thấy tôi ông mê luôn”. Còn ông thì chữa lại: “Bà nhà tôi dân miền Nam, khoái nghe ca cổ, cải lương, tiệm tôi cũng bán đĩa hát, nên thấy bà đến là tôi mở đĩa cho nghe. Vậy là yêu nhau”. Nói rồi ông ngâm thơ: “Paris đi dễ khó về, trai đi có vợ gái về có con”. Hai ông bà cưới nhau năm 1956, hai năm sau sinh con gái đầu lòng, và có thêm với nhau ba người con nữa. Ông tả cuộc sống hạnh phúc bên gia đình rằng: “Cõi trần như thể khác gì chiêm bao!”.
Bên cạnh công việc kinh doanh và xây dựng tổ ấm cho gia đình, cụ ông Đào Khiết cũng là người tích cực trong việc xây dựng hội Người Việt tại Pháp, là người sáng lập hội Thương gia Việt Nam tại Pháp.
Tiệm sách Thái Bình, nơi nảy sinh tình yêu của ông Đào Khiết và bà Võ Hảo. |
Tình không biên giới
Dịp ghé thăm những người đồng hương Quảng Nam ở Paris, tôi gặp cụ bà người Đức là Berta Nguyễn – vợ người lính thợ quê ở Quảng Nam. Cụ ông mới mất, ký ức về người chồng được kể lại: “Chiến tranh thế giới thứ hai chuẩn bị diễn ra, chính phủ Pháp tuyển mộ lính tại các nước thuộc địa. Chồng tôi 17 tuổi, nhưng khai man thêm ba tuổi để đăng lính thợ, đến cảng Marseille ngày 8.3.1940, nhồi thuốc súng trong nhà máy đến tháng 6.1940, chuyển đến Sort làm đến tháng 8.1944. Sau đó Pháp lập đội quân người Việt đi đấu tranh cho xứ Pháp, chồng tôi tham gia chiến đấu, hành quân đến vùng Alsace giáp Đức. Khi Đức thất trận, chồng tôi theo quân đội giải phóng sang Đức để tiếp quản, chúng tôi gặp nhau năm 1945 tại Đức, năm 1948 ông theo quân đội về Pháp, và đến 1949 ông trở lại Đức cưới tôi làm vợ”.
Tôi cảm nhận rõ nét hứng khởi trên gương mặt cụ bà Berta Nguyễn khi kể về khung trời tình yêu của mình: “Ông nhà tôi là người rất đàng hoàng và quyến rũ, ở mọi khía cạnh. Dù tham gia nhiều hoạt động trong hội người Việt như hội Những người công nhân lao động, hội Đồng hương Quảng Nam, hội Dâu rể Pháp – Việt, nhưng ông không bao giờ quên chăm sóc gia đình, luôn là một người cha tốt của những đứa con. Và cho đến giờ, khi ông mất đi rồi, tôi vẫn yêu ông”.
Tình yêu không biên giới ấy được củng cố vững bền dù gặp không ít những mối truân chuyên của thời cuộc. Bà Berta Nguyễn kể thêm: “Pháp là xứ thắng trận, Đức là người thua, khi chúng tôi quyết định lấy nhau cũng lo vì không biết có về sống được với nhau không. Nhưng may mắn là mọi chuyện ổn định, chúng tôi làm đám cưới ở Đức rồi theo chồng về Pháp. Chồng tôi ra lính đi học nghề, tôi ở nhà sanh được ba người con, cuộc sống gia đình chúng tôi giản dị mà hạnh phúc. Tôi quen ông năm 18 tuổi, cưới nhau năm 21 tuổi, giờ tôi đã 86”.
Câu chuyện quyết định lấy chồng Việt còn một lý do khác: “Khi chứng kiến chiến tranh thế giới, tôi suy nghĩ nếu con người ở nhiều quốc gia, chủng tộc kết hợp với nhau, chắc có thể làm vơi đi chiến tranh và đem lại hoà bình”.
Tấm ảnh người xưa
Nhân viên người Pháp duy nhất làm việc ở văn phòng hội Người Việt Nam tại Pháp là cụ bà Renée Tôn Văn. Không gian Việt được thể hiện rất rõ với hình ảnh cụ Hồ, hình ảnh các cuộc míttinh, biểu tình đòi tự do cho dân tộc Việt Nam… gợi lại cho bà Renée Tôn Văn một kỷ niệm mãi không phai với người chồng quá cố. Bởi hội Người Việt ngày xưa chính là nơi cụ ông Tôn Văn Minh, chồng bà, thường đưa bà đến tham gia hoạt động.
Khi cụ ông qua đời, bà bị sốc nặng, rơi vào trầm cảm và muốn tự tử, trại dưỡng lão cùng những bạn cao niên không làm vơi đi nỗi đau mất mát. Bà đến xin làm việc trong hội để được gặp người Việt, để nhìn những hình ảnh thời xưa hai vợ chồng bà từng gắn bó, để vơi đi cảm giác trống vắng. Công việc của bà là dọn dẹp, đón tiếp khách, phụ làm sổ sách, kiểm tra giấy tờ với kế toán.
Nói về người chồng của mình, bà tâm sự: “Tôi lập gia đình năm 1956. Chồng tôi là người kín đáo, hiền lành, dễ thương, là mẫu người đàn ông điển hình mà tôi chọn. Khi chúng tôi lấy nhau, gia đình tôi thì không vấn đề, nhưng láng giềng rất khó chịu, bởi vậy phần lớn bạn bè của chúng tôi là Pháp – Việt, hoặc là người Việt”.
Trước lúc chia tay, bà đưa chúng tôi xem tấm ảnh chụp chung với chồng vào tháng 12.1988 mà bà luôn giữ bên mình, đây là tấm hình hiếm hoi vì bà cho biết ông rất ít khi chụp hình. Tấm hình như minh chứng cho tình yêu vượt không gian, thời gian, vượt qua tất cả những rào cản hiện hữu nơi thế giới con người để đạt đến vẻ đẹp vĩnh cửu, ngay cả khi một nửa của họ đã đi sang bên kia thế giới...
Bài và ảnh: Nguyễn Đình
Theo Sài Gòn Tiếp thị