Muôn vàn lý do mất liên lạc
Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, mới đây, trên địa bàn có trường hợp thiếu niên bị bố mẹ nhắc nhở về việc học hành nên bỏ đi, cắt liên lạc, thuê nhà trọ để “trốn”.
Cụ thể, ngày 30/3, cháu D.T.N.A. (15 tuổi, đang học lớp 10, sống cùng bố mẹ và hai em ở phường Vạn Phúc), do kết quả học tập ở trường không tốt, cháu bị bố mẹ mắng và yêu cầu cố gắng học hơn. Thế nhưng cháu A. cho rằng bố mẹ không còn quan tâm tới mình nên bỏ nhà ra đi.
Khi đi, cháu A. để lại bức thư nội dung: “Bố mẹ tốt với con quá, con xin lỗi vì đã không được như bố mẹ mong muốn. Đừng tìm con. Hãy thay đổi tất cả để các em không như con. Con yêu bố mẹ!”.
Sau đó, bố mẹ cháu A. trình báo cơ quan công an. Công an đã tìm thấy A. khi cháu thuê nhà trọ ở quận Đống Đa.
Cũng được Công an Hà Nội phát đi thông báo tìm người nhưng số phận của chị L.T.T.L. (21 tuổi, ở quận Từ Liêm) lại không gặp may. Chị L. rời nhà từ chiều 16/2 (tức mùng 7 Tết Nguyên đán), sau đó bị Hoàng Minh Hào sát hại, cướp tài sản.
Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định, vào khoảng 17h30 ngày 16/2, Hào hẹn gặp chị L. tại nhà số 1, hẻm 14, ngách 40 ngõ 79 Cầu Giấy (Hà Nội) để xem phòng trọ, do không đủ tiền đặt cọc nên Hào đi về.
Đến khoảng 20h30 cùng ngày, đối tượng tiếp tục hẹn gặp chị L. tại nhà trọ nêu trên để đặt cọc tiền thuê nhà.
Tại đây, Hào thấy chị L. đi một mình nên nảy sinh ý định cướp tài sản, tiếp đó dùng tay bóp cổ nạn nhân. Sau khi phát hiện chị L. chết, Hào giấu thi thể vào ngăn tủ bếp.
Vụ việc này cho thấy chị L. đi khỏi nhà chưa quá 24 giờ đã bị sát hại.
Người thân mất liên lạc bao lâu thì trình báo công an?
Về ý kiến thắc mắc người thân mất liên lạc bao lâu thì trình báo cơ quan Công an, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng VPLS Tinh Thông Luật nêu quan điểm, nhiều người cho rằng, phải quá 24 giờ mất liên lạc với người thân mới được báo công an là không chính xác.
Luật không có quy định về thời gian một người mất liên lạc bao lâu mới được báo công an. Trong một số tình huống, nếu người nhà trình báo muộn thì có thể làm giảm bớt cơ hội cứu nạn nhân, ví dụ như vụ cô gái 21 tuổi bị sát hại ở quận Cầu Giấy nêu trên.
Thế nhưng, cũng có nhiều trường hợp, cơ quan Công an vào cuộc tìm kiếm người mất liên lạc thì phát hiện họ chỉ là... "đi chơi". Có nhiều lý do khiến một người không xuất hiện trong khoảng 24 giờ, trong đó không phải lý do nào cũng là nguy hiểm.
Qua các tình huống trên, luật sư Diệp Năng Bình khuyến cáo: "Khi nhận thấy việc mất tích của người thân là có dấu hiệu tội phạm, bất thường, có thể báo cơ quan Công an càng sớm càng tốt để cơ quan có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc tìm kiếm, điều tra”.
Cùng phân tích về vấn đề trên, Tiến sĩ, luật sư Hoàng Tám Phi - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tâm Anh cho biết, theo Thông tư 06/2010, cơ quan Công an cấp phường, xã có trách nhiệm tiếp nhận đơn trình báo khi có người mất liên lạc.
Thế nhưng, để cơ quan Công an đánh giá chính xác tính chất vụ việc thì người trình báo phải cung cấp đúng sự thật và nêu căn cứ cho là mất tích. Ví dụ, trường hợp một người mất liên lạc sau khi bị bố mẹ mắng chửi, trước khi đi để lại thư tuyệt mệnh hay gọi về cầu cứu…
Ngoài ra, người trình báo phải cam kết đúng mục đích, không thái quá, nếu trình báo sai phải chịu trách nhiệm. Việc này giúp giảm bớt hoang tin; giúp công dân cân nhắc kỹ trước khi báo cơ quan chức năng.
"Trên thực tế, có quá nửa các vụ việc trình báo, cơ quan chức năng đã tìm thấy người. Có trường hợp tìm thấy người đang đi chơi nhưng cơ quan chức năng không xử lý người trình báo được, vì chuyện không liên lạc được là có thật, họ không bịa chuyện", luật sư Hoàng Tám Phi cho biết.
Theo luật sư Hoàng Tám Phi, để có căn cứ trình báo người thân bị mất liên lạc, người nhà nên tự tìm kiếm trước. Nếu kết quả tìm kiếm không thấy, xuất hiện các nghi vấn người thân gặp nguy hiểm, thì người nhà cần trình báo để cơ quan Công an vào cuộc ngay.
Nói thêm về căn cứ nhận định một người mất tích, luật sư Hoàng Tám Phi cho biết, luật hình sự không quy định thế nào là mất tích, tuy nhiên, Điều 68, Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ việc công bố một người mất tích.
Theo khoản 1 Điều 68, khi một người biệt tích 2 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng. Nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.