Trong suốt kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, lưu lượng phương tiện trên cao tốc thường tăng cao, làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn. Làn khẩn cấp là nơi dành riêng cho các tình huống đặc biệt như xe bị hư hỏng hoặc người điều khiển gặp vấn đề sức khỏe không thể tiếp tục lái xe.
Trong những tình huống này, việc sử dụng làn khẩn cấp giúp đảm bảo an toàn cho người lái và hành khách, đồng thời không gây cản trở cho các phương tiện khác đang di chuyển với tốc độ cao. Tuy nhiên, cần nhớ rằng nếu không thực sự cần thiết, việc đi vào hoặc dừng lại ở làn khẩn cấp có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí bị xử phạt theo quy định pháp luật.
Chỉ dành cho các phương tiện ưu tiên trong tình huống cấp bách
Làn khẩn cấp trên cao tốc cũng là lối đi ưu tiên cho các phương tiện như xe cấp cứu, xe cứu hỏa và xe công an trong những tình huống cần can thiệp khẩn cấp. Vào những ngày lễ lớn như ngày 2/9, việc giữ làn khẩn cấp luôn thông thoáng là cực kỳ quan trọng để các phương tiện này có thể tiếp cận hiện trường một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Việc sử dụng sai mục đích làn khẩn cấp, đặc biệt là trong thời gian cao điểm, không chỉ gây cản trở cho các phương tiện ưu tiên mà còn có thể làm chậm trễ công tác cứu hộ, cứu nạn, dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Không sử dụng làn khẩn cấp để tránh tắc đường, làm việc cá nhân
Một trong những sai lầm phổ biến của nhiều tài xế là sử dụng làn khẩn cấp như một nơi tạm dừng khi gặp tắc đường hoặc để giải quyết các công việc cá nhân như nghe điện thoại, kiểm tra bản đồ hoặc thậm chí là trải chiếu ngồi ăn.
Khi lái xe trong dịp lễ, việc này có thể dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng, do các phương tiện khác di chuyển với tốc độ cao khó tránh kịp. Làn khẩn cấp không phải là nơi để dừng đỗ tùy tiện, và các hành vi này không chỉ gây nguy hiểm mà còn vi phạm quy định pháp luật, có thể bị xử phạt nghiêm ngặt.
Đặt vật cảnh báo khi gặp sự cố cần dừng đỗ tại làn khẩn cấp
Khi sử dụng làn khẩn cấp trên đường cao tốc, việc tuân thủ các quy định và thực hiện các biện pháp an toàn là rất quan trọng. Đầu tiên, khi gặp sự cố và cần dừng đỗ tại làn khẩn cấp, hãy bật ngay đèn cảnh báo khẩn cấp để thông báo cho các phương tiện khác về tình trạng hiện tại.
Sau khi xe đã dừng an toàn, cần đặt các vật cảnh báo nguy hiểm phía sau xe. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT, khoảng cách từ nơi đặt biển báo đến chỗ định báo phụ thuộc vào tốc độ vận hành của xe, cụ thể bên dưới:
Tốc độ di chuyển (km/h) | Khoảng cách đặt vật cảnh báo (m) |
---|---|
Dưới 20 | Dưới 50 |
Từ 20-35 | 50-100 |
Từ 35-50 | 100-150 |
Từ 50 trở lên | 150-250 |
Cao tốc tại Việt Nam quy định tốc độ di chuyển tối thiểu 60km nên khi dừng, đỗ trên cao tốc ở làn khẩn cấp, người dùng cần đặt vật cảnh báo ở khoảng cách từ 150-200m cách vị trí đỗ xe.
Nếu xe không thể di chuyển xa hơn để tìm điểm dừng an toàn, cần cố gắng dọn dẹp hiện trường và di tản hành khách đến vị trí an toàn ngoài làn khẩn cấp. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn cho chính bản thân và các phương tiện khác. Trong trường hợp tình trạng xe nghiêm trọng và không thể tự sửa, liên hệ với đội cứu hộ ngay lập tức để xử lý tình huống một cách an toàn và hiệu quả.
Trong mọi trường hợp khác, việc đi vào hoặc dừng lại ở làn khẩn cấp đều bị coi là vi phạm Luật Giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Theo quy định tại Điều 26 Luật Giao thông đường bộ 2008 và các nghị định liên quan, việc sử dụng làn khẩn cấp không đúng quy định có thể bị phạt tiền từ 4-6 triệu đồng, kèm theo việc tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Bạn đã từng gặp tình huống thót tim khi lái xe? Hãy chia sẻ video, thông tin tới Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!