Sụt giảm mạnh

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một phiên giảm điểm mạnh hiếm có, phố Wall rực lửa. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất gần 560 điểm, các cổ phiếu big tech lao dốc rất mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch 25/2 (rạng sáng 26/2 giờ Việt Nam) chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 559,85 điểm, tương đương 1,8%, xuống 31.402,01 điểm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 mất 2,5%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite chứng kiến đợt bán tháo chưa từng có kể từ cuối tháng 10/2020 tới nay.

Hầu hết các cổ phiếu công nghệ lớn đều lao dốc như Tesla mất 8,1%; Facebook, Apple, Google đều mất trên 3%...

Không chỉ chứng khoán, thị trường vàng Mỹ và thế giới cũng chao đảo. Giá vàng thế giới tiếp tục tụt giảm mạnh và rời xa ngưỡng 1.800 USD/ounce. Tính tới đầu giờ sáng 26/2, vàng xuống còn 1.768 USD/ounce.

Thị trường tài chính Mỹ chao đảo trong bối cảnh lợi suất trái phiếu Mỹ bất ngờ tăng đột biến khiến giới đầu tư lo ngại. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng vọt lên đỉnh cao mới trong hơn một năm: gần 1,6% (so với mức lãi suất cơ bản sát 0% hiện tại).

{keywords}
Chứng khoán Mỹ lao dốc.

Đây là diễn biến bất ngờ bởi trong cuộc họp diễn ra một ngày trước đó, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đưa ra tín hiệu chính sách theo hướng tiếp tục kích thích nền kinh tế Mỹ cùng với những lời trấn an cho rằng triển vọng kinh tế Mỹ đã được cải thiện.

Việc không đưa ra bất kỳ chỉ báo nào về việc rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế đáng ra sẽ là một yếu tố tích cực đối với thị trường tài chính Mỹ. Hoạt động bơm tiền sẽ giúp dòng tiền đổ thêm vào kinh tế và chứng khoán.

Tuy nhiên, thực tế dường như cho thấy thị trường tài chính Mỹ nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung đang đối mặt với những nguy cơ chưa từng có, dù tiền giá rẻ vẫn ngập tràn nhưng trái phiếu Mỹ ế. Tiền thậm chí còn bị rút ra khỏi chứng khoán, vàng và cả Bitcoin.

Trong phiên đêm qua, giá vàng giảm thêm 20-30 USD, xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua. Tính từ đầu năm 2021 tới nay, giá vàng đã giảm khoảng 7%.

Đồng tiền số Bitcoin đêm qua (giờ Việt Nam) tiếp tục giảm thêm hơn 2.000 USD xuống ngưỡng 47.000 USD/1 Bitcoin và rời xa đỉnh cao 58.000 USD ghi nhận trước đó. Sự sụt giảm giá của đồng Bitcoin cũng kéo theo sự lao dốc của loạt tiền vốn hóa lớn. Đồng Ethereum giảm 7,3%, Binace Coin giảm 4,5%, Ripple giảm 6,2%, Bitcoin Cash giảm 3,6%...

Hiện tại xu hướng giá của các đồng tiền số vẫn chưa rõ ràng trong bối cảnh thị trường tài chính Mỹ biến động lớn.

Nước Mỹ giằng co, thế giới bất định

Thực tế cho thấy, thị trường chứng khoán Mỹ không phản ứng tích cực đối với nỗ lực trấn an và gói các giải pháp vực dậy nền kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng như chính quyền ông Joe Biden.

Trong phiên điều trần vừa qua, Chủ tịch Fed Powell dự báo từ nay đến cuối năm tình hình sẽ được cải thiện để gần với trạng thái bình thường hơn. Ông Powell cũng bác bỏ những lo ngại về việc lạm phát có thể bùng nổ do các chính sách tiền tệ nới lỏng, do các gói kích thích tài khóa lớn hay nhu cầu chi tiêu tăng mạnh sau khi nhiều người được tiêm vaccine ngừa Covid-19.

{keywords}
Thị trường tài chính Mỹ biến động khó lường.

Trong một tuyên bố cuối buổi điều trần, ông Powell cho rằng, hiện tượng lợi suất trái phiếu tăng vọt, vốn gây cho TTCK sự bất an, là "dấu hiệu của sự tự tin" vào viễn cảnh kinh tế sáng sủa và ông chủ Fed dường như chưa tới chuyện thay đổi các chính sách tiền tệ hiện tại.

Dù vậy, hàng loạt diễn biến trên thị trường tài chính và hàng hóa lại cho thấy một điều ngược lại, một sự bất an từ hiện tượng lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt (trái tức cố định, giá trái phiếu giảm mạnh).

Sự gia tăng dữ dội của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ là một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư lo ngại về sự trở lại của lạm phát sau một thời gian dài các loại tài sản tăng mạnh mẽ nhờ chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và những gói kích cầu khổng lồ.

Khi trái phiếu thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư thì giá trái phiếu sẽ tăng. Với trái tức cố định, thì lợi tức trái phiếu sẽ giảm và ngược lại. Trong một môi trường tiền rẻ và dư dả như hiện nay, thông thường, giá trái phiếu sẽ tăng. Nhưng thực tế lại hoàn toàn không như vậy.

Tình trạng rút tiền ra còn xảy ra cả đối với chứng khoán, vàng, tiền ảo,... cho dù nỗi lo về lạm phát đang lớn dần. Đây được xem là một nghịch lý hiếm có trên thị trường tài chính và hàng hóa của Mỹ.

Dù vậy, diễn biến này cũng phần nào phản ánh kỳ vọng về sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu trong bối cảnh việc triển khai vaccine ngừa Covid-19 được đẩy nhanh trên diện rộng. Hàng loạt các quốc gia đã phê chuẩn các loại vaccine và đưa vào sử dụng. Đại dịch thậm chí còn được kỳ vọng sẽ được khống chế ngay trong tháng 4 tới.

Kỳ vọng này có thể là yếu tố khiến thị trường đánh cược vào khả năng Fed sớm tăng lãi suất từ mức thấp kỷ lục 0-0,25%/năm như hiện nay, trái với những phát biểu của ông Chủ tịch Powell vừa đưa ra trong cuộc điều trần với quốc hội.

Không chỉ tại Mỹ, tại châu Âu, tình hình cũng khá phức tạp. Các quốc gia tại khu vực này đang đấu tranh gay gắt về việc có nên chủ động kiềm chế sớm lạm phát hay không. Trong khi Đức muốn chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ về lạm phát cao thì nhiều nước vẫn muốn bơm thêm tiền để vực dậy nền kinh tế yếu ớt của mình.

Tất cả đều chưa rõ ràng. Ở vào thời điểm này, chưa thể biết các nước sẽ phải trả giá như thế nào cho những chính sách tiền tệ và tài khóa chưa từng có, siêu nới lỏng và bơm tiền lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, thị trường có lối đi cho riêng mình, phát đi những tín hiệu thận trọng hiếm có.

M. Hà