DN kêu thiếu xăng, đại lý than lỗ nặng
3 ngày hôm nay, ông Nguyễn Văn Tùng, đại diện một công ty chuyên về vật liệu xây dựng ở Lương Sơn, Hòa Bình đứng ngồi không yên. Lý do nguồn dầu diesel dùng cho ô tô tải, máy xúc đã cạn. Mỗi tháng, 3 pháp nhân của đơn vị này dùng 40-50 khối dầu diesel.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Tùng bức xúc: “Là đơn vị sản xuất, chúng tôi cần đến nhiên liệu. Thông thường, trước khi hết dầu diesel 2-3 ngày là chúng tôi phải gọi cho công ty xăng dầu để vận chuyển tới. Nhưng lần này chúng tôi gọi 3 ngày rồi vẫn nhận được câu trả lời không có”.
Cách làm việc này, theo ông Tùng, gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp. Bởi, công ty ông đã ký hợp đồng mua dầu lâu dài với công ty xăng dầu, nay họ không lại cung cấp đủ. "Giờ không có dầu là chúng tôi phải ngừng sản xuất, không có cách nào cả", ông nói.
“Họ kêu xăng dầu cung cấp cho cửa hàng của họ còn không đủ thì doanh nghiệp như chúng tôi vẫn phải chờ. Nhưng tôi không biết phải chờ đến bao giờ”, ông Tùng lo lắng. "Chúng tôi có tiền mà không mua được dầu. Các công ty khác của chúng tôi cũng lâm cảnh tương tự”, ông nói.
Để có dầu chạy ô tô, máy xúc, ngày 10/6 công ty phải mang thùng phuy 200 lít ra mua lẻ ở các cây xăng bên ngoài. Thế nhưng cây xăng không bán vì có lệnh “cấm không cho mua xăng mang về”. Cho nên, công ty lại phải tính chuyện đánh xe ra tận cửa hàng xăng dầu để đổ. “Từ nơi sản xuất đến cây xăng là mấy cây số. Làm sao chúng tôi có thể đánh hết xe ra đó. Việc này làm ảnh hưởng đến sản xuất, khoán công việc, đội chi phí”, ông Tùng than thở.
Nhiều doanh nghiệp vận tải cũng đang gặp khó khăn trong việc mua xăng dầu để hoạt động.
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, vận tải, nhiều cây xăng cũng không có hàng để bán.
Chia sẻ với phóng viên, bà H.T.D., chủ một cây xăng ở Đăk Lăk, cho biết cây xăng của gia đình bà đang trong cảnh ‘ăn đong’ - điều mà 33 năm trong ngành xăng dầu bà chưa từng đối mặt.
“Sau kỳ điều chỉnh tăng giá xăng dầu ngày 28/5, hai ngày sau chúng tôi gọi điện lấy hàng thì doanh nghiệp đầu mối nói chúng tôi phải mua với giá âm 200 đồng/lít. Sáng 10/6 chúng tôi lại gọi hàng thì vẫn phải chịu giá dầu âm 100 đồng/lít, xăng âm 200 đồng/lít”, bà D. kể. “Giá âm có nghĩa giá nhập vào cao hơn giá bán ra”.
Trong khi đó, mua với giá âm thì cửa hàng bán hàng làm gì. Bởi, bán không được bao nhiêu lại còn bán lỗ. Bà D. lo lắng: “Nếu phải bán lỗ một vài ngày có thể chấp nhận. Nhưng phải bán lỗ hết chu kỳ điều chỉnh giá này đến chu kỳ khác thì chúng tôi không chịu được. Hiện chúng tôi chỉ bán lai rai cầm chừng vì càng bán nhiều càng lỗ”.
Bà D. cho hay: "Trước đây có tình trạng chúng tôi phải chịu lỗ khi mua xăng, nhưng việc này chỉ xảy ra vào sát ngày điều chỉnh giá 1-2 ngày. Hôm nay họ cấp xăng dầu bằng giá chúng tôi bán ra, hoặc âm 50-100 đồng/lít, nhưng ngày mai xăng dầu lên giá thì chúng tôi vẫn có lời. Còn bây giờ, hôm nay giá xăng dầu điều chỉnh tăng, thì ngay ngày hôm sau chúng tôi gọi nhập hàng họ cũng bắt mua với giá bằng giá bán ra hoặc thấp hơn giá bán ra 100-200 đồng/lít.
“Chúng tôi phải chịu 4 cái lỗ. Một là lỗ do giá đầu vào cao hơn giá đầu ra. Hai là chúng tôi phải mất tiền thuê nhân công với giá 300 ngàn đồng/ngày. Ba là mất tiền điện. Bốn là mất tiền do hao hụt xăng dầu”, bà D. tính toán.
Không rõ xăng dầu đi đâu, chỉ biết nhiều nơi thiếu xăng |
Đáng ngờ, ai đó găm hàng?
Thiếu xăng dầu bán, nhiều cây xăng bị mang tiếng là “găm hàng” trục lợi. Tuy nhiên, bà D. phản bác: "Thiếu xăng dầu là do có lợi ích nhóm. Những người găm hàng là người có khả năng kinh tế lớn, có quyền lực mới găm được hàng. Còn các cây xăng đâu có nhiều chỗ chứa để găm hàng. Mặt khác, nếu quản lý thị trường phát hiện bồn chứa còn xăng mà không bán cho dân thì sẽ bị phạt".
Bà D. đặt vấn đề: Giữa tháng 4, khi giá xăng dầu thế giới rẻ, nhiều doanh nghiệp đề nghị hạn chế nhập xăng dầu, còn cơ quan quản lý đề nghị tăng cường tiêu thụ xăng dầu của lọc dầu trong nước vì tồn cao. Từ đầu tháng 5, hết hạn cách ly xã hội thì không có xăng dầu bán nữa. Sao bất ngờ hết nhanh quá?
Trong khi đó, đại diện Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị vận hành lọc dầu Dung Quất - khẳng định: Trước nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng cao, các khách hàng cũng tăng nhập hàng nên BSR đang tăng công suất lên tối ưu để đẩy mạnh xuất bán các sản phẩm theo đúng cam kết trong hợp đồng. Đồng thời, công ty cũng tìm cơ hội mua dầu thô với phụ phí thấp, chủ động triển khai các giải pháp sản xuất và giao hàng để cân đối tồn kho hợp lý nhằm tận dụng cơ hội thị trường.
Theo kế hoạch, quý II/2020, BSR sẽ sản xuất hơn 1,5 triệu tấn sản phẩm xăng dầu các loại. Cùng với đó, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng sản xuất lượng xăng dầu tương đương trong quý II/2020. Tổng sản lượng hai nhà máy cao hơn quý I/2020 khoảng 200.000 tấn.
Gửi câu hỏi tới các DN đầu mối về thực tế này, đại diện Petrolimex cho biết DN này vẫn "đảm bảo cung cấp xăng dầu theo các hợp đồng đã ký". Đơn vị cũng yêu cầu hệ thống cung cấp xăng dầu đúng theo quy định, cấm hiện tượng găm hàng. Tuy nhiện, phản ánh từ thực tế, nhiều khách hàng đang có tâm lý muốn tăng mua xăng dầu.
Đại diện Tổng công ty dầu Việt Nam (PVoil) cho biết có việc nguồn cung xăng đầu khan hàng do nhiều doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng dầu nhỏ giọt ra thị trường.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV VietNamNet, nguồn cung dầu diesel đang thiếu hụt do một số vấn đề tại nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Vậy vì sao doanh nghiệp và các cây xăng vẫn kêu thiếu hàng?.
Một chuyên gia xăng dầu nhận xét, thị trường xăng dầu đang trong tình trạng doanh nghiệp có hàng không muốn bán ra, còn đơn vị tiêu thụ lại muốn mua nhiều. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở trong nước. Nguồn cung xăng dầu trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng trong tâm lý đầu cơ chờ tăng giá, hạn chế bán ra. Cộng với việc các nhà máy lọc dầu tranh thủ bảo dưỡng nên cần thời gian nhất định để có nguồn cung.
Lương Bằng
Bất thường, hàng loạt cây xăng treo biển hết hàng, đóng cửa dừng bán
Nhiều cây xăng ở Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh thành khác đồng loạt treo biển hết xăng. Thực tế có tình trạng khan hiếm hàng hóa bán cho đại lý xăng dầu và thị trường đang trong cảnh "mua tranh bán cướp".