Những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, coi trọng đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT. Lĩnh vực CNTT của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Công nghiệp CNTT đã trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tốc độ phát triển hàng năm cao so với các khu vực khác, có tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng GDP của cả nước ngày càng tăng. Việt Nam đã hình thành nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông lớn. Các sản phẩm và dịch vụ CNTT Việt Nam đã chiếm lĩnh thị trường trong nước và từng bước tiến ra thị trường quốc tế.
Bắt đầu từ năm 2011, nhằm hưởng ứng và thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức triển khai Chương trình Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt. Thông qua nội dung, hoạt động của Chương trình này, các doanh nghiệp CNTT có cơ hội để giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ ưu việt nhất của mình tới người sử dụng; các cơ quan nhà nước tham khảo lựa chọn các dịch vụ CNTT thương hiệu Việt để phục vụ hoạt động ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu quản lý điều hành.
Ngày 30/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg quy định thí điểm việc thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước. nhằm góp phần thúc đẩy thị trường dịch vụ CNTT trong nước phát triển lành mạnh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT phát huy tính chủ động, chuyên nghiệp, sáng tạo và tăng sức cạnh tranh để dịch vụ CNTT trở thành nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế tri thức tại Việt Nam.
Tình hình triển khai cung cấp dịch vụ CNTT của doanh nghiệp trong các cơ quan nhà nước
Với việc Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế thuê dịch vụ CNTT tại Quyết định 80, qua ghi nhận từ các ý kiến của doanh nghiệp, đã đáp ứng được mong chờ của cộng đồng doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam từ lâu nay. Cơ chế đã mở thị trường dịch vụ CNTT trong CQNN cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ nhằm tận dụng, phát huy tối đa các nguồn lực đầu tư, nhân lực trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn.
Để tận dụng và bắt kịp với cơ chế này, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã sớm thay đổi tư duy từ hình thức cung cấp giải pháp, sản phẩm cho cơ quan nhà nước theo hình thức dự án mua đứt, bán đoạn sang hình thức cho thuê dịch vụ theo hàng năm. Các doanh nghiệp đã chủ động thăm dò, khảo sát nhu cầu để kịp thời xây dựng các loại dịch vụ CNTT đáp ứng yêu cầu thuê của CQNN. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp công khai các dịch vụ, giá thành và chất lượng dịch vụ vẫn chưa rõ ràng, khiến các CQNN có nhu cầu thuê dịch vụ gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn. Số liệu khảo sát của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, hiện nay một số doanh nghiệp đã xây dựng phương án, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ CNTT mà CQNN có thể thuê như quy định tại Điều 2, Quyết định 80, cụ thể như sau:
Bảng 1. Tổng hợp một số dịch vụ CNTT doanh nghiệp sẵn sàng cung cấp
Ngoài các hoạt động, dịch vụ CNTT cơ bản, phổ biến liên quan đến hạ tầng, bảo hành, bảo trì thì các doanh nghiệp CNTT hiện nay cũng đã cung cấp các các hoạt động, dịch vụ như: phần mềm quản lý chuyên ngành, phần mềm quản lý văn bản, phần mềm nội bộ, trang, cổng thông tin điện tử, dịch vụ công…
Tình hình sử dụng các dịch vụ CNTT thương hiệu Việt của các cơ quan nhà nước
Ngay sau khi Quyết định 80 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành và có hiệu lực thi hành, các Bộ, ngành, địa phương đã sớm tổ chức, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Quyết định 80 đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc; ban hành chỉ thị yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc từng bước xem xét, áp dụng thí điểm hình thức thuê dịch vụ CNTT; đưa nội dung về triển khai Quyết định 80 là một trong những nội dung quan trọng trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo về CNTT của các Bộ, ngành, địa phương; các cơ quan chuyên trách về CNTT đã chủ động tham mưu, đề xuất với Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm một số hoạt động ứng dụng CNTT theo hình thức thuê dịch vụ CNTT.
Một số kết quả đạt được
Quyết định 80 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người đứng đầu các CQNN đối với việc lựa chọn hình thức triển khai ứng dụng CNTT đó là cùng với việc triển khai theo hình thức đầu tư, mua sắm thì có thể lựa chọn hình thức thuê dịch vụ CNTT nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh và mạnh việc ứng dụng CNTT để cung cấp dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp.
Người đứng đầu các CQNN đã xác định cơ chế thuê dịch vụ CNTT tại Quyết định 80 là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, nhằm đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT trong các CQNN, huy động nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu suất sử dụng, hiệu quả đầu tư.
Căn cứ vào số liệu khảo sát đối với cơ quan nhà nước, số liệu hiện trạng về thuê dịch vụ CNTT của các Bộ, ngành, địa phương được tổng hợp theo Bảng 2 như sau:
Bảng 2. Tổng hợp tình hình thuê dịch vụ CNTT của các Bộ, ngành, địa Phương
Số liệu từ Bảng 2 cho thấy, hiện nay các Bộ, ngành, địa phương vẫn đã và đang thực hiện việc triển khai thông qua hình thức thuê dịch vụ đối với một số ứng dụng CNTT cơ bản, phổ biến.
So sánh số liệu giữa Bộ, ngành với địa phương cho thấy:
- Về hoạt động ứng dụng CNTT của CQNN, tỷ lệ các Bộ, ngành thuê phần mềm quản lý chuyên ngành cao hơn các địa phương (46,15% so với 6,9%) cũng như việc thuê dịch vụ hội nghị truyền hình có nhu cầu cao hơn (30,7% so với 9%). Tuy nhiên, tỷ lệ thuê các phần mềm nội bộ của các Bộ, ngành, địa phương là không đáng kể.
- Về hoạt động ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp: các Bộ, ngành chú trọng hơn các địa phương.
- Về hoạt động đảm bảo an toàn thông tin: tỷ lệ các Bộ ngành cũng cao hơn so với các địa phương.
Bảng số liệu cũng cho thấy việc thuê dịch vụ được triển khai nhiều nhất ở các dịch vụ CNTT hạ tầng mang tính phổ biến như thuê đường truyền, thuê hosting, thuê tên miền. Các hoạt động liên quan đến an toàn, bảo mật thông tin đã bước đầu được quan tâm triển khai ở một số ít Bộ, ngành. Tuy nhiên việc thuê các phần mềm quản lý văn bản còn khá ít, các dịch vụ công và dịch vụ một cửa điện tử hiện nay hầu như chưa được triển khai theo hình thức thuê dịch vụ.
Như vậy, nhằm hưởng ứng và thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Bộ Chính trị và chủ trương thuê dịch vụ CNTT tại Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg; Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều hoạt động nhằm quảng bá, xúc tiến việc tiêu dùng dịch vụ CNTT trong nước nhằm xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chính thức trong lĩnh vực CNTT của Bộ để cung cấp thông tin và định hướng nhận thức cho người tiêu dùng trong nước và nước ngoài về khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp CNTT Việt Nam cũng như chất lượng sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam thông qua chủ trương thuê dịch vụ CNTT giúp các CQNN ưu tiên lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt phục vụ hoạt động ứng dụng CNTT; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp CNTT trong nước tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của thị trường cơ quan nhà nước; tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác song phương giữa các đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.