UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND TP thông qua các biện pháp, cơ chế chính sách đối với dự thảo Đề án tổng thể nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo tờ trình, Hà Nội hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý PCCC. Trong đó có 8.261 cơ sở nguy hiểm về cháy, 1 cảng hàng không quốc tế, 8 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao.

pccc dinh hieu.jpeg
Lực lượng chức năng của TP Hà Nội kiểm tra công tác PCCC tại khu dân cư. 

Trong khi đó, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Thủ đô không ngừng gia tăng; nhu cầu sử dụng nguyên liệu phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất lớn, khó kiểm soát; các công trình chung cư, cao tầng, trung tâm thương mại, các cơ sở vui chơi giải trí tập trung đông người… tiềm ẩn cao nguy cơ về cháy, nổ.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Thống kê cho thấy, từ năm 2013-2023, Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ; ngoài ra có khoảng trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác (cháy rác, phế liệu; chập dây dẫn điện; chập điện, sơ xuất trong đun nấu trong nhà).

Trong 10 năm qua, trên địa bàn thành phố xảy ra 44 vụ cháy lớn, 68 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng tập trung nhiều là nhà hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, số ít vụ tại các nhà kho, xưởng, địa điểm dịch vụ tập trung đông người.

Thiệt hại về người và tài sản qua các vụ cháy vẫn ở mức cao (202 người chết, 271 người bị thương). Số vụ cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng chiếm số lượng không nhiều (3,2%) nhưng gây mức độ thiệt hại rất lớn, cả về người và tài sản.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng phòng chống cháy nổ trên địa bàn thành phố còn bộc lộ nhiều hạn chế chủ yếu do cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy, chưa chủ động tích cực nghiên cứu, học tập các quy định trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy.

Mặt khác, do cơ sở hạ tầng ở những giai đoạn trước chưa được quy hoạch đồng bộ, đến nay khó khắc phục dẫn đến điều kiện cơ sở hạ tầng tại Hà Nội hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Bên cạch đó, số bể chứa nước ngầm của Thành phố Hà Nội còn rất hạn chế. Các điểm có nguồn nước tự nhiên lại chưa có bến lấy nước, nguồn nước không đảm bảo để  phục vụ máy bơm chữa cháy hoạt động ổn định.

Do vậy, theo UBND TP Hà Nội, việc xây dựng và triển khai Đề án tổng thể nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.

Thế Mỹ và nhóm PV, BTV