Văn phòng Chính phủ hôm 9/5 phát đi thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ GTVT nghiên cứu chu kỳ kiểm định hợp lý đối với xe không kinh doanh vận tải, xe cá nhân và xe kinh doanh. Trong đó, Phó Thủ tướng lưu ý nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số kilomet (km) sử dụng.
Anh Ngô Thành Văn (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, tháng 3 vừa qua phải chạy khắp nơi mới có thể kiểm định được ô tô của gia đình. Sử dụng xe đi làm hàng ngày đã chục năm nay, anh Văn rất ủng hộ việc tính chu kỳ đăng kiểm theo km.
Tuy nhiên, người đàn ông này băn khoăn nếu tính theo km thì sẽ xác định như thế nào? Có cá biệt hóa đến từng xe hay chỉ quy định chung chung theo năm sản xuất?
“Ví dụ đều là xe 4 chỗ, sản xuất cùng năm nhưng rõ ràng chất lượng xe của các hãng khác nhau. Thậm chí ngay cả cùng hãng, cùng năm sản xuất, mỗi xe cũng có số km lăn bánh khác nhau. Như thế xác định mỗi chu kỳ sẽ là bao nhiêu km?”, anh Văn băn khoăn.
Trong khi đó, anh Trần Ngọc Hải (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại cho rằng, phương án tốt nhất là Bộ GTVT nên nghiên cứu cả tiêu chí về km lẫn thời gian. Điều kiện nào đến trước thì xe sẽ phải đi đăng kiểm.
“Cách làm này giống như các hãng sản xuất xe đang áp dụng bảo hành cho khách hàng. Ví dụ, ô tô dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải có thời gian đăng kiểm lần đầu là 3 năm hoặc 40.000 km. Tiêu chí nào đến trước thì chủ xe đưa ô tô đi bảo hành thời điểm đó”, anh Hải kiến nghị.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, ông Trần Nguyên Sinh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 29.08D (cụm CN Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, thực tiễn cho thấy chỉ cần 200 - 300 nghìn đồng, chủ xe có thể tua được số km trên đồng hồ công tơ mét.
“Khi đồng hồ công tơ mét không chạy nữa, dựa vào ý thức của người dân hiện nay, liệu bao lâu sẽ chủ động đưa xe đi đăng kiểm? Hay sẽ không bao giờ?. Cơ quan nào sẽ kiểm soát số km của xe và bằng cách nào? Hiện nay, không có bên nào làm được điều này”, ông Sinh nêu.
Chung quan điểm này, một đăng kiểm viên cho biết, hiện trên thế giới chưa có quốc gia nào quy định thời hạn đăng kiểm tính theo km di chuyển của xe cơ giới.
Một cách hiểu đơn giản thì chu kỳ đăng kiểm là một khoảng thời gian để người có chuyên môn kỹ thuật kiểm tra lại tình trạng hoạt động của xe ô tô, để xác định xe đó có đảm bảo an toàn, có thể lưu hành được hay không. Khoảng thời gian này chỉ mang tính chất tương đối và mỗi quốc gia quy định khác nhau.
“Thông thường xe cá nhân sẽ di chuyển ít hơn là xe kinh doanh. Ví dụ, với ô tô cá nhân thì một năm di chuyển trung bình khoảng 1,5 vạn km nhưng với xe kinh doanh thì một tháng đã có thể di chuyển chừng ấy đường.
Vì vậy, nếu tính theo số km để đăng kiểm thì có khi xe kinh doanh 2 tháng phải đăng kiểm lại một lần”, đăng kiểm viên này cho hay.
Vị này phân tích, thông số kỹ thuật xuất xưởng của mỗi chiếc xe cùng loại là giống nhau, tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, có thể độ bền sẽ khác nhau, phụ thuộc vào kỹ thuật sử dụng, mức độ bảo dưỡng, bảo trì, bảo quản của từng chủ xe.
“Thực tế có xe hỏng thứ này, có xe lại hỏng thứ khác. Việc sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng xe ô tô sẽ quyết định đến độ bền và các yếu tố an toàn.
Những người sử dụng xe cẩn thận sẽ ít hư hỏng, những người sử dụng thường xuyên, bảo quản tốt, bảo dưỡng thường xuyên, mức độ đảm bảo an toàn sẽ cao.
Ngược lại sử dụng xe không đúng kỹ thuật, không bảo dưỡng thì dù chạy ít km hoặc ít thời gian, chiếc xe vẫn có thể bị hư hỏng không đảm bảo an toàn”, đăng kiểm viên này cho hay.
Bởi vậy, các yếu tố kỹ thuật đảm bảo an toàn của một chiếc xe ô tô không chỉ phụ thuộc vào số quãng đường lăn bánh, phụ thuộc vào thời gian sử dụng mà còn phụ thuộc vào kỹ năng sử dụng xe, trách nhiệm trong việc bảo quản, bảo dưỡng của chủ phương tiện.
Do đó, các chuyên gia đều nhìn nhận nếu quy định chu kỳ đăng kiểm tính theo km, có thể rất dễ xảy ra gian lận và khó kiểm soát.
Lý giải trước báo giới về nguyên nhân chỉ kiểm định xe theo thời gian sử dụng thay vì số km xe chạy thực tế, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GTVT cho rằng, ô tô là sản phẩm đặc thù có nhiều vật liệu, chi tiết cấu thành.
Các vật liệu có lý tính, hóa tính khác nhau nên dù không sử dụng thì xe cũng suy hao theo thời gian. Đặc biệt, các chi tiết cao su, lốp, dầu máy... dù để không cũng nhanh hỏng hơn sử dụng thường xuyên và chăm sóc định kỳ.
Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết, các nước trên thế giới hiện chỉ áp dụng cách tính số km vận hành trong bảo hành, bảo dưỡng phương tiện mà không áp dụng trong chu kỳ kiểm định.
Tuy nhiên, sau khi có chỉ đạo nghiên cứu quy định chu kỳ kiểm định theo số km sử dụng, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục nghiên cứu các mô hình tính chu kỳ kiểm định phương tiện tại các nước trên thế giới và chọn lọc để áp dụng thực tiễn ở Việt Nam sao cho phù hợp với điều kiện trong nước.
Cục Đăng kiểm Việt Nam đã và tiếp tục nghiên cứu tính chu kỳ dựa trên số km trước khi có báo cáo cuối cùng.