Hàng loạt hãng hàng không trên thế giới dừng bay trong bối cảnh hàng loạt quốc gia ban hành lệnh cấm nhập cảnh, hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới.
Nỗi đau lớn
Hãng hàng không Emirates của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), một trong những hãng lớn nhất thế giới, vừa thông báo sẽ dừng mọi chuyến bay chở khách và cắt giảm lương đến 50% do tác động từ đại dịch Covid-19.
Sheikh Ahmed bin Saeed Al Maktoum, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn Emirates, cho biết, trong vòng 6 tuần qua, đại dịch Covid-19 đã chặn đứng tất cả những nỗ lực của hãng một cách đột ngột và đau đớn.
“Đây là một tình cảnh chưa từng thấy đối với hãng nói riêng và ngành hàng không nói chung, nhưng chúng ta sẽ vượt qua. Hoạt động kinh doanh của chúng ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề”, ông cho biết.
Hãng hàng không 5 sao Emirates thông báo ngừng bay |
Là một hãng hàng không có mạng lưới đường bay toàn cầu, Emirates rơi vào tình trạng không thể khai thác dịch vụ vận tải hành khách một cách thông suốt cho đến khi các nước tái mở cửa biên giới và niềm tin của hành khách trở lại.
Hãng tiếp tục duy trì những tuyến vận tải hàng hóa quốc tế thiết yếu đối với nền kinh tế và cộng đồng, khai thác đội máy bay 777 vận chuyển nhu yếu phẩm bao gồm vật tư y tế đi khắp thế giới.
Tương tự, Singapore Airlines (SIA) cũng ra thông báo sẽ giảm tần suất hoạt động 96% và dừng bay với hầu hết các máy bay của hãng. Đây là hành động ứng phó với lệnh hạn chế đi lại ở các quốc gia, và nói rằng đây là “thách thức lớn nhất” mà hãng phải đối mặt từ trước tới nay.
“Chúng tôi sẽ cho dừng bay đối với 138 máy bay của Singapore Airlines và SilkAir, trong 147 chiếc hiện có. Đây là thách thức lớn nhất chúng tôi phải đối mặt từ trước tới nay”, Singapore Airlines cho biết. Việc dừng bay sẽ kéo dài tới cuối tháng 4 này.
Cathay Pacific, hãng hàng không hàng đầu của Hong Kong, là một trong số những hãng bị thiệt hại nặng nề nhất ở châu Á do này phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, với khoảng 1/5 trong tổng số chuyến bay của Cathay Pacific là hướng tới Trung Quốc đại lục. Trong tháng Ba, Cathay Pacific đã hủy bỏ 3/4 số chuyến bay hàng tuần.
Một hãng hãng không khác cũng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn là AirAsia - hãng hàng không giá rẻ hàng đầu của châu Á. AirAsia đã phải tạm ngừng khai thác các chuyến bay tới các thị trường trọng điểm ở khắp khu vực, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, AirAsia đã bị lỗ 384,5 triệu ringgit (92 triệu USD) trong quý IV/2019.
Theo tờ Nikkei Asia Review, các hãng hàng không dễ bị tổn thương nhất là những hãng phụ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc như Cathay Pacific Airways của Hong Kong (Trung Quốc), AirAsia Group của Malaysia, Scoot của Singapore, Philippine Airlines và Garuda Indonesia.
Hàng không là một những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự đoán, thiệt hại của ngành có thể lên tới 113 tỷ USD trong năm nay.
Chính sách thắt lưng buộc bụng
Trước một tương lai không mấy sáng sủa, các hãng hàng không chỉ còn cách thắt lưng buộc bụng để sống qua ngày. Trong xu thế nhiều hãng đồng loạt giảm khai thác các chuyến bay hoặc tạm ngưng các dịch vụ, có hãng giảm thiểu hoạt động, bao gồm tạm thời đóng cửa một số văn phòng trong mạng lưới quốc tế.
Tương lai buồn với nghề tiếp viên hàng không |
Theo lãnh đạo của Emirates, tập đoàn này có bảng cân đối kế toán ổn định và điều kiện thanh khoản tốt. Do đó, nếu hành động phù hợp và kịp thời, họ có khả năng và sẽ sống sót qua giai đoạn cắt giảm tần suất bay kéo dài này, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn quay trở lại hoạt động bình thường.
Họ đã triển khai một loạt biện pháp kiểm soát chi phí trước viễn cảnh có phần bi quan về nhu cầu đi lại trên nhiều thị trường trong ngắn hạn và trung hạn, như hoãn hoặc hủy các khoản chi không cố định, đóng băng tất cả các hoạt động tuyển dụng và tư vấn không cần thiết.
Về nhân sự, hãng khuyến khích nhân viên nghỉ có lương hoặc không lương trước tình hình giảm khai thác bay. Tạm thời cắt giảm từ 25% đến 50% lương cơ bản của đa số nhân viên trong thời gian ba tháng.
Philippine Airlines đang chuẩn bị cho cú sốc lớn về tài chính do các lệnh hạn chế về đi lại để đối phó với Covid-19. Hãng hàng không hàng đầu của Philippines đã rơi vào tình trạng thua lỗ kể từ năm 2017, với mức lỗ trong năm ngoái lên tới 208 triệu USD. Cuối tuần trước, hãng đã sa thải 300 nhân viên mặt đất.
“Chính phủ và ngành hàng không các nước cần phải phối hợp và hành động ngay bây giờ nếu muốn không muốn thảm họa này xảy ra. Nếu không ngành hàng không sẽ bị thiêu rụi, khốc liệt và đầy thảm thương”, Trung tâm nghiên cứu và phân tích hàng không CAPA cảnh báo.
Theo CAPA, nhiều hãng hàng không thế giới có thể bị buộc phải phá sản kỹ thuật hoặc vi phạm các thỏa thuận nợ nếu chính phủ và ngành này không kịp thời phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ.
Mặc dù khó khăn trước mắt, song nhiều hãng vẫn kỳ vọng vào tương lai tươi sáng hơn. “Chúng tôi muốn tránh cắt giảm việc làm. Khi nào nhu cầu đi lại hồi phục, chúng tôi muốn có thể bứt tốc và nhanh chóng khôi phục dịch vụ để phục vụ khách hàng”, đại diện hãng hàng không nhận định.
Bảo An