Visith Teppaalth là một nhà báo trẻ đến từ Thời báo Vientiane, tham gia khóa đào tạo kỹ năng sử dụng điện thoại thông minh trong làm báo điện tử và truyền hình, cùng hơn 50 nhà báo Lào, trong một khóa học nghiệp vụ diễn ra hồi tháng 4/2020 do phía Việt Nam phối hợp tổ chức.

"Khóa đào tạo đã mang lại cho tôi nhiều bài học bổ ích cũng như các kỹ năng thiết thực để sản xuất tin tức trên nền tảng điện thoại thông minh. Chúng tôi được học các ứng dụng cụ thể để sản xuất các video, tạo nguồn sản phẩm không chỉ cho tờ báo mình làm việc mà còn có thể phát hành trên những nền tảng mạng xã hội khác", anh nhớ lại lần đầu tiên được học một cách bài bản về các kỹ năng này.

Khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí “Kỹ năng viết về gương người tốt, việc tốt” cho các nhà báo Lào do Bộ TT-TT phối hợp với Bộ TT-VH & DL Lào tổ chức tháng 3/2020.

Hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực báo chí thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tốt đẹp. Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Việt Nam cùng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đã ký nhiều biên bản thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực thông tin. Từ những thỏa thuận hợp tác này, nhiều chương trình, hoạt động đã được thực hiện nhằm cụ thể hóa cam kết giữa hai nước. 

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tính từ tháng 2/2012 đến tháng 5/2015, Cục Báo chí (Bộ TT&TT Việt Nam) đã phối hợp với Viện Thông tin, Văn hóa và Du lịch (Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào) tổ chức 10 khóa bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ báo chí cho hơn 300 nhà báo Lào. 

Những năm 2016 - 2020, công tác phối hợp đào tạo giữa hai nước đã được tăng cường với tổng cộng 17 khóa đào tạo báo chí. Trong đó, 4 khóa được tổ chức tại Việt Nam và 13 khóa được tổ chức ở nước bạn Lào. 

Mỗi năm, trung bình có 3 khóa đào tạo được triển khai, riêng năm 2015 và 2018 tổ chức 4 khóa. Giai đoạn này, có tổng cộng 695 nhà báo Lào được đào tạo, bồi dưỡng.

Việc Bộ TT&TT Việt Nam tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các nhà báo Lào đã góp phần giúp nước bạn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ báo chí hiện đại với nhiều chủ đề khác nhau, ở cả 4 loại hình báo chí. 

Giảng viên Việt Nam tham gia khóa đào tạo đều là những nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí lớn, giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm tốt hoặc là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực truyền thông. Vì lẽ đó, không chỉ học viên mà lãnh đạo ngành báo chí cũng như lãnh đạo Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào đều đánh giá cao chất lượng và hiệu quả các khóa học. 

Từ năm 2011 - 2017, Cục Báo chí đã tổ chức thành công 6 triển lãm sách, ảnh báo chí tại Lào. Các sự kiện đều diễn ra thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp với các bộ ngành, cơ quan báo chí, nhân dân Lào và kiều bào Việt Nam tại Lào. 

Cục Báo chí cũng duy trì hoạt động trao đổi đoàn thường niên trên cơ sở mỗi năm đón một đoàn nhà báo Lào sang thăm và làm việc tại Việt Nam, đồng thời tổ chức một đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm và làm việc tại Lào. 

Khóa đào tạo về làm báo trên thiết bị điện thoại thông minh do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức với các nhà báo Lào. 

Trong khoảng thời gian từ 2015 - 2019, Việt Nam và Lào đã liên tục tổ chức 9 chuyến thăm và làm việc, gồm 5 đoàn nhà báo Lào sang làm việc tại Việt Nam (mỗi đoàn 10 nhà báo) và 4 đoàn nhà báo Việt Nam sang thăm Lào (mỗi đoàn 7 nhà báo và cán bộ quản lý báo chí).

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hỗ trợ các cơ quan thông tin truyền thông, phóng viên Lào đưa tin bài quảng bá về đất nước và con người Việt Nam cùng những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được. 

Sau mỗi chuyến thăm và làm việc, các nhà báo Lào đều cảm động và đánh giá cao sự đón tiếp nhiệt tình, trọng thị và chu đáo của các cơ quan, đoàn thể, cán bộ hướng dẫn và tổ chức đón đoàn. 

Thông qua hoạt động trao đổi, chúng ta đã giúp các nhà báo nước bạn hiểu đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các nhà báo Việt Nam cũng có dịp đi thực tế, tìm hiểu và thu thập tư liệu viết bài về nước bạn.

Kết quả mỗi chuyến đi là tư liệu quý báu phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, đồng thời giúp củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cùng Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Suanesavanh Vignaket ký bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: TTXVN

Tiếp theo những thành công đã đạt được, trong năm 2021, Bộ TT&TT Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2025 với Bộ Thông tin, Văn hoá và Du lịch Lào. 

Theo đó, trong lĩnh vực thông tin, Việt Nam và Lào sẽ tiếp tục tổ chức trao đổi đoàn các cấp và đoàn phóng viên báo chí hai nước. 

Việt Nam sẽ hỗ trợ đào tạo cho Lào về báo chí, xuất bản, trao đổi chương trình phát thanh truyền hình, xuất bản phẩm. Song song đó là những chương trình thúc đẩy cơ quan báo chí hai nước hợp tác đưa tin, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật. 

 TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam, giảng viên báo chí khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí tại Lào:

Trong chuyến dẫn đoàn nhà báo Lào thăm và làm việc tại Việt Nam cuối 2018, tôi ngồi cạnh nhà báo Xa-vẳn-khôn Ra-mun-tì, Thứ trưởng Bộ VH-TT &DL Lào, Chủ tịch Hội Nha báo Lào. Là người từng làm Tổng biên tập báo Vientiane Times, ông hỏi nhiều chuyện về cách bồi dưỡng nghiệp vụ cho nhà báo Việt Nam. Sau khi nghe tôi  giới thiệu các bài giảng, ông chọn ngay chủ đề "Bồi dưỡng kĩ năng làm báo qua smart phone". 4 tháng sau, chúng tôi có khóa bồi dưỡng này cho các nhà báo từ khắp nước Lào về Viên Chăn tham dự. Thầy trò say sưa thảo luận, kẻ, vẽ, trình bày ý tưởng, thao tác thực hành trên điện thoại di động, trên flycam, ở Thủ đô và đi ngoại tỉnh. Tôi đánh giá cao sự nắm bắt nhu cầu của đội ngũ nhà báo của ông Chủ tịch HNB Lào và tinh thần học hỏi của đồng nghiệp Lào. Và ngay sau đó, chúng tôi đã tham mưu tổ chức thành công Hội thảo quốc tế báo chí Việt Nam – Lào tại Nghệ An, với sự tham dự của đại diện các cơ quan báo chí của Lào và Việt Nam, khẳng định thêm thành tựu và phương hướng hợp tác báo chí giữa hai nước. Tôi luôn trân trọng tinh thần học hỏi và làm việc, hợp tác của các bạn nhà báo Lào.