Vào cái thời cây cảnh sôi sùng sục, cả chục tỉ cũng không đủ sức bứng chân được "cụ cây" độc nhất, vô nhị của tỉnh Thái Bình ra khỏi làng. Giờ đây cơn sốt cây cảnh đã xẹp lép tựa như bánh mì gặp nước mưa, “cụ cây” nổi tiếng vẫn ở bờ ao.
Thời sôi động nhất của thị trường cây cảnh, lắm kẻ lái ô tô chở cả bao tải tiền nhét chật trong cốp về làng trả giá hàng chục tỉ nhưng vẫn không mua nổi cái gật đầu của mấy chị em nông dân sở hữu nó dù hoàn cảnh của họ còn khó khăn, kiếm cơm còn mướt mải mồ hôi.
Trăm năm có lẻ
Thời ấy, giới buôn trên đường chở cây về còn có lắm khách lẽo đẽo bám theo gạ mua. Chỉ một cú sang tay là có ngay vài chục đến cả trăm triệu đồng tiền lãi.
Thời ấy có những cây cảnh từ lúc bỏ chủ mà đi, qua vài ba chủ mới trong vòng đôi ba tháng giá cả đã nhảy múa lên đến cả chục lần. Tiền chảy vào túi nhiều đến mức có kẻ phải cấu véo vào tay kẻo tưởng rằng mình nằm mơ giữa ban ngày...
Thế mà cả chục tỉ cũng không đủ sức bứng chân được cái cây cảnh độc nhất, vô nhị của tỉnh Thái Bình ra khỏi làng.
Ông Hồng bên cây sanh quý |
“Cụ cây” vẫn tại vị bên bờ ao vô tư hóng gió đồng nội trong cơn thèm thuồng vô tận của nhiều thợ săn, trong nỗi lo sợ mất của cứ nhoi nhói của năm người con hiếu đễ.
Giờ đây cơn sốt cây cảnh đã xẹp lép tựa như bánh mì gặp nước mưa, “cụ cây” nổi tiếng vẫn ở bờ ao trong sự thanh thản của năm anh em nhà nọ.
Câu chuyện bắt đầu từ hơn 60 năm trước, ông Nguyễn Văn Triệu - nông dân của xã Hòa Bình (huyện Vũ Thư, Thái Bình) cùng mấy người bạn hăm hở kéo cái xe bò trên đó nghễu nghện một cây sanh cảnh từ xã Song An về làng.
Vẻ mặt của ông Triệu lúc đó còn viên mãn hơn cả ông nghè, ông cử võng giá vinh quy. Bà Nguyễn Thị Liễu - một trong năm người con của ông Triệu còn nhớ thời điểm đó trước cả cuộc cải cách ruộng đất, số tiền mua lên đến mấy trăm đồng Đông Dương.
Gom góp bao năm làm đậu phụ, cuối cùng bà Liễu cũng xây được cho mình một cái nhà đường hoàng. Hôm đào móng, bà mượn 15 trai tráng trong thôn luồn gỗ, luồn ván bên dưới chậu để khiêng cái cây quý nhưng vì cái chậu đã quá già cỗi nê bị vỡ rạn, lộ ra những viên gạch thất cổ, mạch gắn lại với nhau bằng vôi với mật mía.
Cái cây khi đó còn chưa to lớn như bây giờ, rễ bám đá chứ không hề có tí đất nào trong chậu đựng. Trên hòn non bộ tự tạo đó một nghệ nhân đã khéo léo dựng một cái tích gồm ông lão câu cá bên chiếc cầu cong cong, con trâu nằm thảnh thơi vừa nhai cỏ vừa ngắm mây trời. Về sau cái cây cứ lớn dần, lớn dần, rễ của nó ăn trùm lên cả con trâu, cái cầu và ông cụ câu cá.
Ông Triệu vẫn ở nhà tranh vách đất đến tận năm 1973 mới xây được ngôi nhà nhỏ bằng gạch xỉ. Số là trước đó chiến tranh chống Mỹ leo thang dữ dội ra miền Bắc, bệnh viện huyện sơ tán về làng, bác sĩ, y tá toàn nấu ăn bằng bếp than chứ không dùng rơm như dân quê.
Thấy xỉ than đổ ra nhiều, ông nảy sinh ra ý nghĩ đóng gạch xỉ để xây nhà. Quy trình làm gạch xỉ rất đơn giản, chỉ việc nhào vôi với xỉ rồi đổ vào khuôn phơi khô là xong nhưng công làm còn to hơn cả quả núi. Ông Triệu phải gom từng yến vôi, vét từng cân xỉ một ròng rã ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác mới tích lũy đủ số gạch dựng nhà.
Chậu cây vỡ lộ ra những viên gạch cổ |
Dù nó vô cùng nhỏ bé nếu so với ngôi nhà gạch của ông Chủ nhiệm HTX hay anh kế toán Ủy ban xã nhưng vẫn hơn đứt căn nhà tranh, vách đất khi xưa. Ông Triệu còn cố mua được trăm viên gạch thất (một loại gạch cổ) để lát một cái sân chỉ rộng bằng hai manh chiếu, trên đó để cái cây cảnh con cưng của mình.
Những buổi chiều mùa hạ oi nồng, ngồi trong nhà bức như cái hỏa lò, ông lại cùng mấy người bạn trải chiếu ngoài hiên uống trà, thưởng cây, hóng gió, bàn thế sự. Nhiều tối nghe nói có chiếu chèo tổ chức ở tận Cổ Lễ (Nam Định) nhưng mấy ông vẫn rủ nhau luộc khoai nhét cho đầy bị rồi đi bộ hơn 20 km xem cho bằng được…
Khi ông Triệu ốm nặng, thấy người con gái của mình tất tả thuốc thang ông mới vẫy lại dặn rằng: “Từ trước đến nay thầy vẫn giữ cái cây này như một vật quý nhưng nay ốm yếu mà không có tiền thuốc men thì con hãy bán nó đi mà lo chuyện”.
Chị Liễu không đành lòng bán mà chạy vạy chạy chữa cho bố bằng tất cả số tiền tích lũy của cả đời thanh tân làm thuê cho HTX thủ công mỹ nghệ. Năm đầu tiên ông Triệu còn nhúc nhích chân tay được về sau chỉ ngồi trên chiếc giường nhìn qua cửa ngắm trời đất, ngắm cái cây yêu quý.
Mấy người con báo hiếu được ba năm như vậy thì người bố về với tổ tiên ông bà. Trước lúc mất, ông di chúc miệng rằng: “Sau này các con có việc gì cần thiết thì bán cái cây của thầy đi mà lo công chuyện”. Ông Triệu mất năm 1994, thọ đúng 77 tuổi.
Trăm tuổi có lẻ, cái cây vượt qua bão giông, nắng lửa của thế kỷ 20 rồi sang 21.
Cận cảnh gốc sanh |
Tiền tỉ vẫn không lay chuyển
Cốt cũ của “cụ” đã già lắm, mốc trắng, xù xì những vẩy là vẩy hệt như một con mãng xà. Người thì bảo cái cây dáng làng người lại bảo dáng quần long như một con rồng đang đùa vờn cùng mây gió. Đẹp một cách tự nhiên, cụ trở thành của hiếm giữa những rừng cây đẹp vì nhân tạo.
Chính vì thế, kể từ lúc ông Liệu nhà ở khu đông lạnh thị xã Thái Bình (giờ là thành phố Thái Bình) gạ mua đầu tiên cách đây đã 30 năm đến nay đã có cả trăm, cả ngàn lượt người tìm đến.
Thời điểm 2009-2011 khi cơn sốt sanh lên tới đỉnh điểm từng đoàn, từng đoàn người lũ lượt kéo nhau đến ngắm vuốt. Bã chè đổ thành đống, khói thuốc lào, thuốc lá vẩn cả một góc ao.
Có ông tên là Kim ở Bình Dương mua hẳn cặp vé máy bay ra để cả chiều chỉ ngồi ngắm nghía rồi tấm tắc: “Cái cây quý thế này thì xin đừng động dao kéo gì cả mà hỏng dáng!”. Có ông tên là Chắn ở xã Trung An cùng huyện đến chỉ nói một câu gắn gọn cho nhanh: “Nếu bán, tôi trả tròn 10 tỉ”.
Ông Hồng bên con bò giống |
Năm con người trước tiền tỉ không nổi lòng tham, trước tiền tỉ vẫn không ai mắc mâu thuẫn. Tôi hỏi nhưng ông Nguyễn Văn Hồng - con trai cụ Triệu chỉ thủng thẳng: “Di sản của bố nên chúng tôi sẽ không bán mà chỉ để chơi.
Xã hội ngày trước nghèo khó, thời HTX, ngày công chỉ có 6-7 lạng thóc, đói ăn cả cháo cám, củ chuối. Ngày ba, tháng tám củ khoai dỡ non chỉ nhỏ bằng ngón tay, ngón chân cũng luộc ăn cả vỏ mà bố tôi vẫn không bán, vẫn còn biết đến cái thú tao nhã là chơi cây. Giờ đây, chị em chúng tôi không biết vận động kiếm ăn mà dựa dẫm vào di sản của bố thì nhục. Đồng tiền thì ai mà chẳng cần nhưng cũng có thứ không thể mua được…”.
Vừa nói chuyện với tôi, ông vừa lo đi vun một cây rơm có ngọn làm thức ăn dự trữ cho dăm con bò cả lớn lẫn nhỏ của nhà. Nguồn thu chính là từ việc lấy giống của con bò đực. Mỗi lần nó “nhảy” ông được trả công 150.000đ nhưng tháng cũng chỉ được đôi ba lần.
Chị ông, bà Liễu sống cuộc đời đơn thân, toàn bộ thu nhập trông vào mấy mẻ đậu phụ bán rong. Hàng ngày, bà lê đôi chân tập tễnh của tuổi già bán đậu khắp vùng, lúc chạy cũng lãi được dăm ba chục ngàn. Các người con còn lại toàn nông dân, nghèo khó như thế cả thế nhưng chưa bao giờ họ mảy may ý nghĩ bán cái cây đi để đổi đời.
Mỗi lần giỗ cha, nén hương, thỏi vàng họ hóa cũng gần gốc cây. Hễ trông thấy cây lại nhớ đến người, nhớ đến lời dặn: “Đói cho sạch, rách cho thơm, chị em phải đoàn kết nhau mà sống".
Theo Nông Nghiệp Việt Nam