Kết thúc cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2024 vừa diễn ra, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam giành 7 giải thưởng: 1 giải Nhất cho tiết mục đạp trống Tiếng vọng miền sơn cước; 2 giải Nhì cho tiết mục đu quăng lưới bật đạp người Đối lập và dây lụa Nỗi oan Thị Kính; 1 giải Diễn viên triển vọng cho tiết mục tạo hình trên đu Vọng Nguyệt; 1 giải Diễn viên trẻ xuất sắc cho tiết mục đứng tay trên đài cao Lãng tử và 1 giải của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho tiết mục dạy thú tổng hợp Phiên chợ Ba Tư.

thang12 838.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông (trái) trao giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" cho NSƯT Ngô Lê Thắng.

NSƯT Ngô Lê Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam - giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất.

NSƯT vui mừng vì nỗ lực của thầy trò đã được đền đáp, vượt qua đối thủ nặng ký từ các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp với tổng cộng 7 giải thưởng. Ông cho biết đào tạo nghệ thuật xiếc cần sự thông cảm và thấu hiểu từ xã hội, vì thuyết phục phụ huynh cho con theo đuổi nghề xiếc rất khó.

“Đối tượng tuyển sinh ở lứa tuổi 11 nên trường có chế độ bảo mẫu 24/7, thầy quản sinh phải ngủ đêm tại ký túc xá. Nhiều năm nay, trường luôn phải tuyển sinh ở vùng sâu, vùng xa. Dù nhiều em hứng thú với xiếc nhưng phụ huynh lo lắng vì quá nguy hiểm”, NSƯT Ngô Lê Thắng cho biết.

Ông Thắng vui vì năm nay số học sinh từ nội thành đăng ký học xiếc tăng cao, nhiều em từ gia đình cán bộ, viên chức.

“Đây là tín hiệu vui, cộng đồng có cách nhìn nghề cởi mở hơn, coi xiếc là một nghề”, ông Thắng bày tỏ.

xiec2.jpg
Tiết mục đạp trống "Tiếng vọng miền sơn cước". 

Khó khăn trong tuyển sinh nhưng bất cập liên quan tới việc đào tạo nghề xiếc được nhắc nhiều tại các cuộc tọa đàm, hội thảo chuyên ngành vẫn chưa được giải quyết. Đó là việc diễn viên được đào tạo dài (5 năm so với 18 tháng như nhiều trường trung cấp) nhưng tuổi nghề lại ngắn.

"Giáo viên ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp thường dạy 30-40 em/lớp, nhưng trường xiếc đa phần dạy 1-1, một thầy dạy một học sinh trong suốt 5 năm cho một thể loại, tiết mục. Nghề xiếc rất nguy hiểm, không đào tạo kỹ và sâu sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.  

Tấm bằng trung cấp hiện tại chỉ cho phép các em ra trường được xét là diễn viên hạng 4. Để trở thành diễn viên xiếc, ngoài rèn luyện gian khổ, các em còn phải có năng khiếu, tài năng... Thời kỳ đỉnh cao của nghệ sĩ xiếc rất ngắn, lương diễn viên hạng 4 lại quá thấp”, NSƯT Ngô Lê Thắng nêu khó khăn.

NSƯT Ngô Lê Thắng mong các bộ, ban, ngành cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu và quan tâm đến điều kiện của các cơ sở đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù để có những quy định phù hợp.

xiec3.jpg
Nghệ thuật xiếc rất cần sự quan tâm và động viên từ cơ quan chức năng và cộng đồng.

“Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là trường duy nhất ở Việt Nam đào tạo diễn viên biểu diễn nghệ thuật xiếc và tạp kỹ. Trên 90% diễn viên diễn ở các đoàn nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp đều được đào tạo từ ngôi trường này. Hiện nay, không chỉ các đoàn chuyên nghiệp mà ngoài công lập cũng có nhu cầu lớn về nghệ sĩ biểu diễn xiếc. Cả nước có duy nhất một trường xiếc, nếu việc đào tạo không được quan tâm sẽ ảnh hưởng tới cả ngành.

Vì thế, cần có đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung một số quy định phù hợp với tính đặc thù trong đào tạo các lĩnh vực nghệ thuật đặc biệt. Tôi rất mong trường được nâng cấp thành đào tạo hệ cao đẳng”, ông Thắng nêu ý kiến.

Tiết mục đạp trống "Tiếng vọng miền sơn cước"

Ảnh: NVCC