Cụ thể, đối tượng được hưởng lợi từ Nghị định 57/2021/NĐ-CP là DN có dự án đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 1/1/2015 đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm CNHT, đã được cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT. DN thuộc trường hợp này sẽ được áp dụng mức ưu đãi thuế cao nhất, đối với thu nhập phát sinh từ dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại, kể từ kỳ tính thuế được cấp giấy xác nhận ưu đãi CNHT.
Trường hợp DN có dự án sản xuất sản phẩm CNHT mà thu nhập từ dự án này đã hưởng hết ưu đãi thuế thu nhập DN theo điều kiện ưu đãi khác thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT cho thời gian còn lại, kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm CNHT.
Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tại cty Kyoyo (ảnh: Băng Dương) |
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, nghị định sẽ giúp DN giảm bớt khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế sự đứt gãy của chuỗi cung ứng sản xuất.
Bà Vũ Thu Ngà - Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, đơn vị đồng hành và tham mưu cho quá trình ban hành 57/2021/NĐ-CP - cho biết: 57/2021/NĐ-CP là tín hiệu tích cực góp phần quan trọng cởi bỏ “nút thắt” vướng mắc chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN mà các DN đã kiến nghị từ nhiều năm nay, kể từ khi Luật số 71/2014/QH13 được ban hành.
Nghị định 57 cũng hướng dẫn nguyên tắc xác định thời gian ưu đãi thu nhập DN cho lĩnh vực CNHT trong một số trường hợp cụ thể. Thứ nhất, thời gian miễn thuế còn lại bằng thời gian miễn thuế theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT trừ đi thời gian miễn thuế đã hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác.
Thứ hai, thời gian giảm thuế còn lại bằng thời gian giảm thuế theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT trừ đi thời gian giảm thuế đã hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác.
Thứ ba, thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi còn lại bằng thời gian ưu đãi thuế suất theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT trừ đi thời gian ưu đãi thuế suất đã hưởng theo điều kiện ưu đãi khác (nếu có).
Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thêm động lực phát triển thì ngành ô tô mới phát triển (ảnh: Băng Dương) |
Trong trường hợp thực hiện theo quy định tại nghị định này dẫn đến giảm số thuế thu nhập DN, tiền chậm nộp (nếu có), kể cả trường hợp cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện thanh tra, kiểm tra thì người nộp thuế có văn bản đề nghị gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp điều chỉnh giảm số thuế thu nhập DN phải nộp đã thực hiện kê khai hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra và tiền chậm nộp tương ứng.
Nhiều chuyên gia cũng có chung nhận định, phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng giúp Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững; tăng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các DN nhỏ và vừa trong nước.
Những sửa đổi chính sách kịp thời như Nghị định định 57/2021/NĐ-CP không chỉ giúp DN CNHT, mà cả cộng đồng DN thêm vững tin vào việc Chính phủ đang thực hiện cam kết đổi mới, tạo chuyển biến hiệu quả thông qua việc tập trung tháo gỡ vướng mắc, hướng đến xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn.
Bà Vũ Thu Ngà cho biết thêm, để thúc đẩy phát triển được ngành CNHT, bên cạnh việc xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản, cơ quan nhà nước, DN cần nỗ lực để đưa chính sách thực sự đi vào cuộc sống. DN cần chủ động nghiên cứu hoặc thông qua đơn vị tư vấn đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định của nghị định để kịp thời triển khai áp dụng ưu đãi.
Văn Thành