Theo đó, nhiều doanh nghiệp tự tin phát hành và lên kế hoạch huy động trái phiếu trở lại. Đồng thời, lãi suất trái phiếu được phát hành đã giảm, trong khi kỳ hạn được nới dài hơn.
Dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đang đón thêm những tín hiệu tích cực về kết quả phát hành mới.
Đến ngày công bố thông tin 22/9/2023, trên thị trường TPDN riêng lẻ đã có thêm 6 đợt phát hành trong tháng 9 với tổng giá trị 7.265 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 149.495 tỷ đồng, với 20 đợt phát hành ra công chúng trị giá 18.289 tỷ đồng (chiếm 12,23% tổng giá trị phát hành) và 119 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 131.205 tỷ đồng (chiếm 87,77% tổng số).
Với kết quả trên, thị trường TPDN Việt Nam tiếp tục cho thấy xu hướng trở lại của hoạt động phát hành mới, những doanh nghiệp - nhà phát hành tự tin hơn với sức khỏe nội tại và triển vọng hoạt động, có phương án kinh doanh tốt đang tiếp tục giữ nhịp thị trường và huy động thành công.
Mặc dù vậy, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm, tính đến ngày 15/9/2023, có 51 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 123 nghìn tỷ đồng (giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% (56,9 nghìn tỷ đồng); 53,7% khối lượng trái phiếu phát hành có tài sản đảm bảo; khối lượng mua lại trái phiếu trước hạn là 168,9 nghìn tỷ đồng (gấp 1,39 lần so với cùng kỳ năm 2022).
Cơ cấu nhà đầu tư mua TPDN chủ yếu là tổ chức trong nước (92%), nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng thấp (5,18%).
Chỉ trong thời gian ngắn, khuôn khổ pháp lý cho thị trường TPDN đã thay đổi liên tục. Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Đến ngày 05/3/2023, Chính phủ lại ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2023, khối lượng phát hành là 122,1 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay thị trường có 455 mã trái phiếu (cả TPDN và TPCP) niêm yết; quy mô giao dịch bình quân tháng 9 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước; bình quân 9 tháng đạt 5,8 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 24,1% so với bình quân năm 2022.
Sau khi thị trường trái phiếu bùng nổ năm 2021, thị trường này đã có những dư chấn và Chính phủ đã nỗ lực ban hành các văn bản pháp lý và nỗ lực để hỗ trợ thị trường.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một trong các giải pháp để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp từ nay đến cuối năm. Các ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu nếu đủ điều kiện đảm bảo an toàn và sẽ tham gia với tư cách là nhà đầu tư vào các trái phiếu của doanh nghiệp. Hiện nay, có 4 tổ chức tín dụng phát hành số trái phiếu trên 231 nghìn tỷ đồng.
Vì vậy, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chủ động ứng phó với các diễn biến, yếu tố rủi ro có thể phát sinh; phát huy hiệu quả sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch bất động sản...