Theo nhiều dự báo kinh tế, dịch Covid-19 đã làm giảm các hoạt động trong chuỗi cung ứng toàn cầu lên tới 35,4%, khiến kinh tế thế giới rơi vào nguy cơ suy thoái trầm trọng.
Sản xuất tại Cty CP Cơ điện Tomeco vẫn được duy trì |
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa đề duy trì sản xuất, vừa để đón nhận một xu hướng dịch chuyển tìm kiếm các nhà cung cấp tại Việt Nam của các Tập đoàn đa quốc gia.
Khá nhiều đơn vị doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã nhận được lượng đơn hàng tăng lên ngay từ đầu năm nay, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành dệt may, linh kiện điện tử, cơ khí.
Đại diện Công ty Cổ phần Công nghiệp EuroCast nhận định, rất nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã quay trở về tìm các nhà sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm phụ trợ trong nước, bởi đây không chỉ là sự lựa chọn tiết kiệm chi phí, chủ động thời gian mà còn thỏa mãn điều kiện chất lượng.
Khi dịch bệnh xảy ra, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện trở nên khó khăn hơn và thậm chí, không giám sát được hết về mặt chất lượng. Đặc biệt, với các sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường lớn có tiêu chuẩn khắt khe thì yếu tố này phải được đặt lên hàng đầu để giữ được dơn hàng,
Chính sách mở cơ hội cho doanh nghiệp
Ngày 6/8/2020, với sự tham mưu của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Tín hiệu tích cực cho công nghiệp hỗ trợ phát triển đột phá |
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025 doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.
Năm 2030 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Những mục tiêu này được hiện thực hóa thông qua 7 nhóm giải pháp chính mà Nghị quyết đề ra, kỳ vọng sẽ tạo nên những bước phát triển đột phá cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, tiêu biểu là tăng khả năng tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp. Dự kiến năm 2021 sẽ là năm đẩy mạnh các giải pháp này đi vào thực tế.
Bên cạnh soạn thảo chính sách, Bộ Công Thương cũng tiếp tục dự kiến triển khai một loạt sự kiện hỗ trợ doanh nghiệp như minh bạch cung cấp thông tin qua hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, tổ chức chuỗi sự kiện kết nối B2B giữa doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp cung cấp linh kiên phụ tùng.
Đặc biệt, Bộ Công Thương tiếp tục hợp tác với các Tập đoàn lớn như Samsung với 4 chương trình quan trọng: Hợp tác đào tạo nhân lực ngành khuôn mẫu; Đào tạo các tư vấn viên về công nghiệp hỗ trợ, cải tiến nâng cao năng suất sản xuất; Tư vấn cải tiến sản xuất cho doanh nghiệp và chương trình kết nối tìm kiếm nhà cung cấp.
Samsung đã tăng số lượng vệ tinh cấp 1 từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp năm 2020, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp. Đến nay, cũng có thêm 3 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.
Dự kiến tháng tới, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng sẽ ký hợp tác với Toyota triển khai các chương trình hỗ trợ tương tự cho doanh nghiệp Việt Nam.
Văn Thành