Những ngày qua, các chuyên gia chính sách đối ngoại của Bình Nhưỡng đã tập trung lại để chĩa mũi dùi tấn công vào Washington. Ông Kim Jong Un đã có chuyến đi thứ 2 tới Núi Paektu và Đoàn Chủ tịch của Văn phòng Chính trị Đảng Lao động Triều Tiên đã triệu tập phiên họp toàn thể của Ủy ban trung ương vào cuối tháng 12.

Tất cả những hành động đó báo hiệu các quyết định quan trọng đang được ban lãnh đạo Triều Tiên bàn bạc, và ngụ ý sức nặng đang đè lên thời hạn chót cuối năm 2019 cho đàm phán Mỹ - Triều.

{keywords}
Arnnh: KCNA

Bình Nhưỡng nói chung khá cởi mở và thẳng thừng, nếu không muốn nói là mạnh bạo trong các thông điệp. Thông thường, bài phát biểu năm mới của Chủ tịch Kim Jong Un chứa đựng rất nhiều nền tảng. Tuy nhiên, xu hướng ở Washington và Seoul lại thường cắt bỏ, tháo dỡ và chọn lọc sao cho phù hợp với khuynh hướng thay vì đánh giá tổng thể.

Khi đọc bản ghi bằng tiếng Anh bài phát biểu năm 2018 và 2019 của ông Kim Jong Un, phải kết hợp chúng mới nhau mới có thể thấy mức độ trái ngược. Bài phát biểu năm 2018 đều là về đánh bom, đe dọa và tối hậu thư. Ông Kim tuyên bố Triều Tiên đã "hoàn thành các lực lượng hạt nhân quốc gia" và "sở hữu một lá chắn chiến tranh uy lực" có thể "ngăn chặn và chống lại bất kỳ đe dọa hạt nhân nào từ Mỹ", để "không cho nước này khởi xướng một cuộc chiến liều lĩnh".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố "sẵn sàng cho một cuộc phản công hạt nhân ngay tức thì". Ông thậm chí nhắc đến nút hạt nhân và năng lực tấn công của Triều Tiên nhắm đến bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ. Để tăng thêm sức mạnh cho đe dọa, ông Kim còn chỉ đạo lĩnh vực nghiên cứu vũ khí hạt nhân và tên lửa phải sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, những lời đó không được coi trọng, chưa kể còn bị phủ bóng bởi đề nghị mở cửa với Seoul thông qua Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang.

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đầu tiên ở Singapore tháng 6/2018, bài phát biểu năm mới 2019 của Kim Jong Un tập trung vào nền tảng xung quanh ông và hướng ra rìa ngoài nhằm củng cố quan hệ mới với Tổng thống Donald Trump và Washington. Tuy không còn giữ giọng điệu và nội dung của bài phát biểu 2018 nữa nhưng bài phát biểu 2019 được nhiều chuyên gia nhìn nhận là sự tiếp tục chứ không phải thay đổi triệt để. Thế nhưng với âm hưởng của hội nghị ở Singapore, nó thể hiện một điểm xuất phát hoàn toàn khỏi năm trước đó.

Sản xuất hàng loạt ICBM và vũ khí hạt nhân không còn được nhắc tới, thay vào đó là các vấn đề chuyển đổi công nghiệp đạn dược sang sản xuất máy cày chứ không phải xe tăng, thiết bị xây dựng, các sản phẩm và hàng hóa tiêu dùng được đề cập. Ông Kim Jong Un dường như bỏ qua cả các hợp đồng bán vật liệu hạt nhân cho Syria.

Đối với Kim Jong Un, Singapore đã cung cấp một lối tắt cho hòa giải với Washington.

"Nếu Mỹ đáp lại các nỗ lực trước và chủ động của chúng tôi bằng các biện pháp đáng tin cậy và các hành động thực tế tương ứng, quan hệ song phương sẽ phát triển tuyệt vời với tốc độ nhanh chóng thông qua tiến trình thực hiện các biện pháp rõ ràng và mang tính thời đại hơn. Tôi muốn tin các mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ sẽ nở ra trái ngọt trong năm nay".

Tuy nhiên, Kim Jong Un vẫn tuyên bố rằng nếu Mỹ "cứ khăng khăng áp đặt cấp vận và gây sức ép… chúng tôi có thể buộc phải tìm một con đường mới để bảo vệ chủ quyền của đất nước".

Vậy ông Kim muốn gì? Không còn các cuộc tập trận chung trên Bán đảo và các hợp đồng bán vũ khí cho Hàn Quốc, đồng thời đàm phán về một hiệp ước hòa bình. Ông cũng kêu gọi "đàm phán đa phương để thay thế thỏa thuận ngừng bắn hiện thời" trong "sự tiếp xúc chặt chẽ với các bên tham gia ký kết thỏa thuận ngừng bắn" nhằm "tạo dựng cơ chế hòa bình lâu dài và bền vững, thúc đẩy hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn" với Mỹ, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên tại tâm điểm của một tiến trình hòa bình cùng với Hàn Quốc.

Nếu đây là một tính toán mới thì việc Tổng thống Trump bước ra khỏi hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 2 đã thực sự gây nguy hiểm cho tiến trình hòa bình và phi hạt nhân hóa. Ba ngày trên tàu trở về nhà đã cho ông Kim Jong Un thời gian suy nghĩ. Và sau khi trở về nước, ông bắt đầu cho mọi thứ diễn ra. Đến giữa tháng 7, lập trường của Triều Tiên càng kiên quyết sau khi Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung, và Seoul nhận lô đầu tiên trong loạt 40 chiến cơ tàng hình F-35 mua của Mỹ, đồng thời thông báo tăng cường chi tiêu quân sự.

Tất cả những diễn biến đó đi ngược lại với tinh thần và các cam kết đã được nhất trí trong các hội nghị thượng đỉnh liên Triều, rời xa việc tạo dựng hòa bình và dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang tái phát giữa hai miền.

Không có thỏa thuận nào ra đời trong các cuộc gặp cấp làm việc giữa Mỹ và Triều Tiên ở Stockholm, và khi Mỹ - Hàn Quốc thông báo ngừng tập trận chung trên không thì quyết định này được cho là quá ít và quá muộn.

Nếu không có điều gì thay đổi ngoạn mục từ nay đến hết năm 2019, thì trong bài phát biểu năm mới 2020, Kim Jong Un khả năng sẽ thông báo dừng, thậm chí từ bỏ tiến trình phi hạt nhân hóa với Washington. Và Bình Nhưỡng có thể sẽ quay sang tìm kiếm quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh và Moscow. Triều Tiên cảnh báo sẽ dừng lệnh dừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo mà nước này tự áp dụng cho mình, nếu thời hạn chót cuối năm 2019 trôi qua mà phía Mỹ không thay đổi.

Không rõ Triều Tiên có hành động thực sự như đe dọa không, nhưng nếu như vậy thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Cũng chưa rõ Mỹ phản ứng thế nào ở viễn cảnh đó. Thế nhưng, khi đó cơ hội đạt tiến bộ về tạo dựng hòa bình và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ càng khó nắm bắt hơn, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm tới.  

Thanh Hảo