Báo VietNamNet đã trở thành nạn nhân mới nhất của tin giả khi một bức ảnh được chế từ một title bài của báo được lan truyền trên mạng.

Từ bệnh nhân nhiễm Covid-19 cho đến báo chí đều là nạn nhân của tin giả

Báo Vietnamnet trở thành nạn nhân mới nhất của nạn tin giả khi ngày 12/3/2020, Tổng biên tập VietNamNet Phạm Anh Tuấn đã chia sẻ lên trang cá nhân việc bị chế ảnh từ một title bài của báo. Theo đó, từ tựa đề title: Quyến luyến chia tay khu cách ly 'cơm ngon, thoải mái nhớ mãi không quên' đã bị chế thành: Quyến luyến chia tay khu cách ly 'cơm ngon, thoải mái nhớ mãi không quên, hẹn sớm được quay lại'.

Trước đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều tin giả xoay quanh những tin đồn về khu vực lây nhiễm hay bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cá biệt, có những tin đồn tưởng chừng “không tưởng” về việc “Hà Nội cho máy bay khử trùng toàn thành phố” cũng được cư dân mạng chia sẻ khắp nơi.

Dù cơ quan chức năng đã xử phạt rất nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thực, trong đó có cả những người nổi tiếng như nghệ sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng hay Facebook đã đưa ra cảnh báo về tin giả, hướng người dùng đến những trang chính thống của Bộ Y tế nhưng tin tức giả mạo vẫn tiếp tục được lan truyền không ngừng trên các mạng xã hội.

Chuyên gia Truyền thông Lê Tiên Long cho biết, tin giả đã lan truyền từ hồi con người biết giao tiếp với nhau. Nhưng sự phát triển của truyền thông càng mạnh, tin giả lây lan càng nhanh và sức ảnh hưởng càng lớn. Hiện nay, một tin giả chỉ cần vừa phát ra, do hiệu ứng truyền thông xã hội, vài phút sau đã có thể gây ảnh hưởng. “Tuy nhiên, tôi cho rằng chưa phải đến mức báo động, vì từ chính quyền đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân đều biết cách để phản ứng với tin giả”, ông Long cho biết thêm.

Mặc dù vậy, ông Long cũng khẳng định, tin giả sẽ gây nhiều khó khăn cho xã hội, đồng thời gây hoang mang dư luận khiến người đọc mất niềm tin, khiến chính quyền và các cơ quan chức năng khó khăn trong việc điều hành, xử lý công việc.

“Tin giả làm cho tin thật khó khăn hơn trong việc tiếp cận đến đúng đối tượng, khiến các công việc chung gặp cản trở. Đặc biệt, nhiều tin giả còn làm cho người dân thiệt hại về kinh tế như tin khan hiếm hàng hóa khiến mọi người đổ xô đi mua, tích trữ với giá cao để rồi không dùng đến, hàng mua bị hết hạn, hư hỏng. Nguy hiểm nhất là tin giả về các biện pháp phòng và chữa bệnh, có thể khiến người nhẹ dạ tin và làm theo gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng”, ông Long nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, nhà báo Trương Anh Ngọc khẳng định, tin giả xuất hiện từ rất lâu, ngày xưa tồn tại dưới dạng tin đồn và không đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng hiện nay do sự phát triển của mạng xã hội đã khiến tin giả lan toả cực kì nguy hiểm. “Tin giả hiện nay cũng giống như một con virus nguy hiểm, nó khiến cho hệ miễn dịch về tinh thần và tâm hồn bị tàn phá, khiến mọi người lo lắng và sợ hãi. Virus tin giả còn lây lan nhanh hơn cả virus thật, lây lan từ người này sang người khác, gieo rắc nỗi hoang mang, bức xúc”, ông Ngọc nói.

Nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ vấn nạn fake news và cách đối phó.

 

Ông Nguyễn Việt Phú - Chủ nhiệm CLB Nhà báo CNTT Việt Nam cho biết, người đọc đang bị các công cụ Internet dẫn dắt, điều hướng khá nặng. Hiện nay, tin giả chưa đến mức độ “báo động” mà mới chỉ dừng lại ở mức “cảnh báo”. Các tin giả thường liên quan đến Chính trị, Kinh tế vĩ mô vì chỉ có các lĩnh vực này thì mới được nhiều độc giả quan tâm, chú ý đến.

“Các bất ổn xã hội do hệ lụy của tin giả sẽ gây tác hại cho người tiếp nhận thông tin, nhẹ thì nghi ngờ, tâm lý xấu, nặng thì gây ra các hành vi sai, phát ngôn theo và suy diễn xấu”, ông Phú nói.

Trong cuộc chiến chống tin giả, Facebook đã đưa ra thông báo đến những người dùng ở Việt Nam truy cập để xem những thông tin mới nhất từ Cổng thông tin chuyên biệt về Covid-19.

 

Để tránh tin giả, độc giả cần trang bị kỹ năng tìm kiếm thông tin

Ông Phú cho rằng, để đối phó với nạn tin giả, người tiếp nhận thông tin phải có đủ kiến thức và trình độ để phân biệt tin thật - giả. Thậm chí, nhiều khi kể cả tin thật có nguồn tin cậy cũng cần bình tĩnh suy xét và tính đến mục đích của việc đưa tin. “Trong cuộc cạnh tranh đưa tin nhanh để thu hút độc giả, nhiều tờ báo lớn dễ mắc lỗi. Khi việc đưa tin trên báo chí, mạng xã hội có tính “chính danh” và xác thực được người đưa tin một cách chính xác thì sẽ hạn chế được việc bịa đặt thông tin”, ông Phú nói.

Về vấn đề này, nhà báo Anh Ngọc khẳng định, người đọc không nên tin ngay và cẩn kiểm tra chéo trên các báo chính thống cũng như nguồn thông tin chia sẻ thông tin này vì hiện nay có nhiều nguồn không có căn cứ. “Người đọc hãy suy nghĩ thật kỹ, hỏi các chuyên gia y tế, an ninh mạng… trước khi chia sẻ vì nó có thể giết chết cả một con người. Thậm chí, khi thấy ai chia sẻ tin giả thì hãy báo cho họ rằng thông tin đó sẽ gây ra tác hại với người khác như thế nào, cần đính chính”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Chưa kể đến, ông Ngọc còn cho rằng việc phạt hành chính đối với những người chia sẻ tin giả hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe và phải có những hình phạt nặng hơn để làm gương cho người khác.

Còn theo ông Long, tin giả ngày càng tinh vi nên để phòng tránh, phân biệt nó, độc giả cần có kinh nghiệm, có kỹ năng. Tiêu biểu có thể kể đến một số biện pháp, truy nguồn thông tin, xem tin đó đăng tải ở đâu, tên hiển thị là gì, tên miền là gì, đuôi “chấm” gì. (như .com sẽ khác .info). Tiếp theo, cần làm rõ là người chia sẻ là ai, nhất là tìm được người chia sẻ đầu tiên. “Nếu đó là một tài khoản không rõ danh tính, hoặc tài khoản bán hàng, ta sẽ phải xem xét tiếp”, ông Long nói.

Bước tiếp theo, độc giả cần những biện pháp mang tính kỹ thuật hơn, như xem thông tin có khách quan, đa chiều không hay chỉ một chiều, viết theo chủ quan của người viết? Các thông tin đưa ra có bằng chứng không, được đơn vị nào có thẩm quyền thẩm định không? Nếu tin cũng có vẻ giống tin thật rồi thì vẫn nên đọc kỹ xem nhân vật, người phát ngôn có đầy đủ tên tuổi, chức danh, địa chỉ hay nặc danh? “Các bước trên tương đối phức tạp, cần kỹ năng của người chuyên làm về thông tin, hoặc thạo về lĩnh vực đó. Để dễ dàng hơn, chúng ta nên chịu khó sử dụng các công cụ tìm kiếm như Google. Nếu nghi ngờ thông tin gì, hãy gõ nó ra và đưa vào Google, sẽ có được những thông tin tương tự để so sánh, đối chiếu. Google xong rồi mà vẫn chưa tin, chúng ta có thể tìm kiếm hoặc phân tích ảnh, video đi cùng tin đó. Các thông tin hiển thị trên ảnh, video sẽ nói được nhiều hơn là văn bản”, ông Long chia sẻ.

Ông Long cũng cho rằng, nếu độc giả chưa đủ khả năng đọc nhưng thông tin đó thì đừng ngại hỏi các chuyên gia về lĩnh vực, về địa phương đó.

Cuối cùng, ông Long kết luận, để phòng tránh tin giả thì chúng ta nên tập tư duy phản biện và đừng tin vào bất cứ thông tin gì ngay lần đầu đọc nó. Đặc biệt khi gặp một thông tin trái với dòng chảy thông tin thông thường đang diễn ra thì chúng ta nên bình tâm đọc kỹ, suy xét cẩn thận và cuối cùng, khi chia sẻ (share) thông tin gì, hãy nghĩ đến trách nhiệm với cộng đồng, nghĩ đến hậu quả nếu đó là tin giả để cẩn thận hơn.

Thế Phương