Những tín đồ thế hệ đầu tiên của phim Hàn chắc hẳn vẫn còn nhớ những ngày tháng buồn rầu khi nghe tin Bae Yong Joon qua đời vì tai nạn giao thông vào khoảng cuối năm 1998, đầu năm 1999. Tôi vẫn còn nhớ, ngay chính cả một tờ báo tuổi teen khá phổ biến lúc đó cũng đã nhiều lần đề cập và phân tích sự kiện này.

Nhưng Bae Yong Joon vẫn còn sống đến tận ngày hôm nay, và minh chứng rõ ràng nhất cho sự sống của anh là "Bản Tình Ca Mùa Đông" ra mắt vào năm 2002. Ngay chính bản thân tôi khi nghe "Bản Tình Ca Mùa Đông" có Bae Yong Joon đóng cũng đã mắt chữ A mồm chữ O: "Tưởng ổng chết từ sau "Mối Tình Đầu" rồi mà?".

Trước thời đại Internet, tung tin đồn về cái chết của một ngôi sao nước ngoài là cách dễ dàng nhất để khởi đầu một cơn bão tin giả

Như thế, chưa cần phải có Internet, tin giả đã hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta từ rất lâu rồi.

Tin giả là gì?

Nói một cách đơn giản, tin giả là đối lập của tin thật: tin tức sai sự thật thì có thể coi là tin giả. "Bae Yong Joon chết vì tai nạn giao thông", "Samsung trả tiền bồi thường sáng chế cho Apple bằng tiền xu", "Tổng thống Obama là người Hồi Giáo đồng tính"... tất cả đều là tin giả.

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ trong năm vừa qua được coi là thời khắc tin giả (fake news) chính thức trở thành một vấn đề nhức nhối khi ứng viên Donald Trump công khai gọi các nguồn tin phản đối mình là tin giả trong lúc nhân viên của ông vẫn đang... chia sẻ tin giả được cử tri đối lập viết với mục đích trào phúng.

Điều đáng nói là tin giả không hề dễ phân biệt. Có những tin đơn giản là hoàn toàn sai sự thật và bắt nguồn từ những trang làm giả giao diện hoặc làm giả địa chỉ như vn.express-vi.net chẳng hạn. Nhưng cũng có rất nhiều tin giả xuất phát từ kết quả thật của nghiên cứu, nhưng là nghiên cứu bị các nhà khoa học đánh giá là nhiều lỗi và/hoặc lừa đảo.

Ngay trong lĩnh vực báo chí, các trang báo nước ngoài được quyền trích dẫn các nguồn tin giấu tên – và như thế, Facebooker cũng có thể dùng "bà chị mình ở Bạch Mai" để lừa đảo câu like.

Muôn hình vạn trạng và vì sao tin giả lên ngôi?

Tại Việt Nam, "Ebola xuất hiện ở Bệnh viện Bạch Mai", "Máy bay rơi ở Đông Anh" hay "Cường đô la tặng thẻ cào" là 3 trong số những tin giả đình đám đến mức cơ quan chức năng phải vào cuộc và xử phạt trong 2 năm qua.

Nhưng tin giả đã xuất hiện trên bảng tin của Facebooker Việt từ rất lâu và đến bây giờ vẫn tiếp diễn theo cách này hay cách khác. Trong khi một vài tin giả chỉ là bịa đặt để gây bức xúc, tâm lý "tăng tương tác, tăng bán hàng" đã khiến một bộ phận bán hàng online chủ động tạo và lan truyền tin giả với mục đích kinh tế hết sức rõ ràng.

Điều khiến cho tin giả trở nên phức tạp là chính cả các nguồn tin "chính thống" cũng có thể trở thành nạn nhân của tin giả. Bae Yoon Jong là ví dụ của thời đại chưa có Internet, nhưng thực tế là đến cả những hãng truyền thông lớn tại Mỹ như ABC hay Fox cũng đã từng chia sẻ các tin trào phúng với góc độ... tin thật.

Tiếp đến, vấn đề tin giả trở nên đặc biệt lắt léo với các vấn đề gây tranh cãi. Tại Việt Nam, một số trang báo/đài truyền hình đã giật tít khá kêu khi nói về khả năng bột phấn rôm Johnson & Johnson gây ung thư với lời khẳng định "nhiều bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo rằng". Trong khi thực tế, Johnson & Johnson đã thua trong vụ kiện cáo buộc bột phấn rôm từ Talc của hãng này đi sâu vào vùng kín gây ung thư tử cung, sự thật là ngành y vẫn đang tranh cãi về vấn đề này với một phần lớn bác sĩ/nhà khoa học khẳng định liên hệ giữa Talc với ung thư tử cung là không chính xác.

Tin giả lên ngôi vì chúng ta mang tâm lý ngại đọc, ngại tìm hiểu, sẵn sàng "tiêu thụ" những loại tin giả "gọn lỏn" như thế này

Dù muôn hình vạn trạng như vậy, tin giả vẫn có điểm chung: 99% lợi dụng phản ứng rất mạnh mẽ của bạn đến những giá trị cốt lõi (gia đình, đạo đức) hoặc các vấn đề thường trực trong cuộc sống (sức khỏe, giáo dục). Kết quả là từ những biến thể của "ông chú Viettel" như "Tony có anh bạn ở Singapore" hoặc "con bạn tớ đi đâu cũng có chồng" cho đến những tin nguy hại như "chị em ở Bạch Mai" đã đánh vào tâm lý "ngại đọc bài dài", tâm lý cả tin, tâm lý ngại Google cũng như những trở ngại về ngôn ngữ để lừa gạt những Facebooker nhẹ dạ cả tin.

Người đọc cũng có phần lỗi

Tin giả bị lan truyền bằng những câu nói đời thường dạng như "nhưng cái vaccine HPV đấy người ta nghiên cứu ra là gây chết người hay sao mà". Rõ ràng là chính chúng ta, những người đọc tin, cũng có trách nhiệm rất lớn khi like, comment và share để giúp tin giả lan truyền nhanh như virus.

Những mẩu tin giả và tin trào phúng luôn được viết với văn phong khá "giống thật"

Vậy thì làm thế nào để tránh tin giả? Hãy xem qua các bước được Hiệp hội các Liên hiệp Thư viện và Viện nghiên cứu IFLA (một tổ chức có liên hệ mật thiết với UNESCO) đưa ra:

- Kiểm tra nguồn tin. Các nguồn tin giả ở Việt Nam sẽ không bao giờ được cấp phép để sử dụng tên miền có đuôi .vn. Một số trang giả danh các nhà lãnh đạo bằng cách sử dụng tên của họ đi kèm với đuôi ".org" hoặc ".com" hoặc ".net", nhưng không bao giờ dùng .vn và thậm chí còn có liên hệ là... Gmail.

- Đọc nội dung bài chứ không chỉ là đề mục. "Các bác sĩ đã lên tiếng rằng" là một trong rất nhiều lỗ hổng có thể xuất hiện trong tin giả.

- Tác giả là ai? Liệu bạn có nên tin một tín đồ chống vaccine để bán các loại thực phẩm chức năng, các liệu pháp "tự nhiên" – hay nói cách khác là không có ai kiểm tra? Bạn có nên tin bài viết của những người bán hàng xách tay rằng sữa Việt Nam chứa chất nào đó bạn không muốn?

- Xem ngày xuất bản. Trong lĩnh vực khoa học, một nghiên cứu của ngày hôm nay có thể bị phủ nhận trong ngày mai.

 

- Hãy hỏi xem đó có phải tin mỉa mai hay không. Tôi đã từng gặp một vài trang báo game đưa lại tin nước ngoài về việc một game thủ lao vào xe ô tô mà vẫn tin mình vẫn có thể "respawn". Tin trào phúng đã trở thành tin "nghiêm túc".

- Hãy xem lại định kiến của mình. Bạn ngán ngẩm với một vài nhãn hàng Việt nên vội vàng chia sẻ thông tin scandal từ các nguồn tin không chính thống? Bạn dám chắc rằng thông tin này, dù thuận theo những gì bạn đồng ý, là đúng sự thật? Giữ một cái đầu tỉnh táo để nhìn nhận thông tin một cách thực sự khách quan là những gì bạn cần làm.

- Hãy hỏi các chuyên gia. Bạn đã từng nghe hàng Apple và Xiaomi cùng được sản xuất ở Trung Quốc nên có chất lượng tương đồng? Tại sao không thử hỏi một chuyên gia về chuỗi cung ứng xem luận điểm này có bao nhiêu phần là sự thật?

Trên tất cả, hãy "mở" cái đầu của mình

Để hiểu được sự đáng sợ của tin giả, hãy cùng nhìn lại loại tin giả đáng kinh sợ nhất: vaccine gây tự kỷ. Suy nghĩ này bắt đầu từ nghiên cứu của Andrew Wakefield, một bác sĩ/nhà khoa học đã bị Hội đồng Y tế Anh Quốc GMC tước bằng. Sau khi nghiên cứu của ông này bị nhiều nhà khoa học bác bỏ và tờ Sunday Times đặt nghi vấn vì mâu thuẫn quyền lợi, các nguồn tin giả vẫn tiếp tục tìm cách bảo vệ quan điểm của mình bằng cách đưa ra khẳng định vô căn cứ rằng Wakefield là nạn nhân của ngành công nghiệp vaccine.

Đứng trước những cáo buộc "hung hãn" này, tất cả những gì khoa học có thể nói chỉ là "không có bằng chứng cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa vaccine và chứng tự kỷ". Họ không được quyền nói "vaccine chắc chắn không gây tự kỷ", bởi nói như vậy là đi ngược lại nguyên tắc logic sơ đẳng nhất của khoa học: "A đúng => B đúng" không tương đương với "A sai => B sai". "Nếu có bằng chứng cho thấy vaccine gây tự kỷ => chắc chắn vaccine là gây tự kỷ" là mệnh đề luôn luôn đúng, nhưng mệnh đề "không có bằng chứng => vaccine không gây tự kỷ" thì chưa chắc.

Liệu những người chống vaccine có hiểu được điều này?

Socrates: "Tôi biết một điều duy nhất, đó là tôi không biết gì cả"

Câu trả lời có lẽ là không. Nhưng sự thật chỉ có một: tin giả sẽ lan truyền nhanh nhất ở bộ phận độc giả thiếu hiểu biết nhưng lại quá chắc chắn vào những gì mình đang biết. Giữ một cái đầu mở, luôn đặt câu hỏi và luôn mang tâm thế "tôi cần phải biết nhiều hơn" sẽ giúp bạn tạo ra bộ lọc chuẩn nhất trong thời đại "bão" thông tin cả thật lẫn giả như hiện nay.

Theo GenK