Dòng nước mát chảy về nông thôn...

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho biết, ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, ngân hàng còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Với chính sách tín dụng đa mục tiêu, như tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm bao gồm: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm,...; tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt như cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở… đã và đang góp phần hiệu quả vào quá trình xây dựng nông thôn mới của cả nước.

Đối với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các chi nhánh tỉnh, thành phố và các tổ chức tín dụng triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng để triển khai Chương trình. 

Tính đến tháng 12/2022, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của các địa phương cho thấy, cả nước huy động được khoảng 621.324 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện Chương trình, tăng 30% so với năm 2021. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí trực tiếp cho chương trình khoảng 77.397,8 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 11.000 tỷ đồng, chiếm 1,8%; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương đã bố trí thực hiện Chương trình khoảng 66.397,8 tỷ đồng, chiếm 10,7%; vốn lồng ghép từ các Chương trình, dự án khác 49.967 tỷ đồng, chiếm 8%; vốn từ tín dụng 436.738 tỷ đồng, chiếm 70,3%; vốn của doanh nghiệp 35.503 tỷ đồng, chiếm 5,7%; nguồn vốn từ cộng đồng và người dân tự nguyện đóng góp là 21.848 tỷ đồng, chiếm 3,5%. 

Như vậy, tính đến nay, tín dụng cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt trên 3 triệu tỷ đồng, chiếm 24,6% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã trên toàn quốc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt 1,7 triệu tỷ đồng.

Từ nguồn vốn vay, một số địa phương đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch... góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2023, cả nước có hơn 6.000/8.211 xã (73,24%) đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã.

Vì thế, nhiều người ví nguồn tín dụng chính sách xã hội như dòng nước mát chảy về vùng quê, không chỉ giải quyết cho nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo, mà còn thúc đẩy xây dựng chương trình nông thôn mới ở các địa phương thiết thực, hiệu quả.

W-nong-thon-moi-quynh-doi-2.jpg
Xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) là xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022. 

Nhiều địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới 

Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã đang thực hiện xây dựng nông thôn mới..., 

Nhờ nguồn vốn này mà hơn 271.600 hộ gia đình trong tỉnh đã thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 52.000 lao động; xây dựng hơn 257.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; gần 11.600 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách được xây dựng;... 

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội ở Thanh Hoá đạt 13.010 tỷ đồng; tổng số tiền đã giải ngân đạt 29.616 tỷ đồng cho gần 851 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. 

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 20,37% xuống 13,51%; giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 10,97% xuống 2,2%; và giai đoạn 2021 - 2022 giảm từ 6,74% xuống còn 4,99% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều).

Tại Bắc Giang, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang Dương Văn Thái cho hay, từ 1 tỉnh có xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu, dựa vào nông nghiệp là chủ yếu, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã tạo bước phát triển đột phá và đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. 

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2022 của Bắc Giang đạt 19,3% (cao nhất từ trước tới nay) và đứng thứ 2 cả nước; 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,94%, đứng thứ 2 cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh lần đầu tiên vươn lên đứng thứ 12 cả nước và đứng đầu khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Có được kết quả đó, theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, nguồn tín dụng chính sách xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách xã hội, với tổng dư nợ đạt 6.317 tỷ đồng, tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm gần 19%, với 109.741 khách hàng còn dư nợ. 

Vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn, trong đó được ưu tiên tập trung vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đã giúp cho trên 752 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng số tiền 17,4 nghìn tỷ đồng để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống; giúp cho gần 184 nghìn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và trên 90 nghìn hộ thoát cận nghèo, tạo việc làm mới cho trên 72 nghìn lao động. 

Nguồn vốn này đã từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30,67% (năm 2005) xuống còn 3,81% (năm 2022), theo chuẩn nghèo đa chiều mới. 

Toàn tỉnh hiện đã có 148/182 xã (81,3%) đạt chuẩn nông thôn mới; 6/10 đơn vị cấp huyện (60%) đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 240 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với tỉnh Long An, Bí Thư Tỉnh uỷ Long An Nguyễn Văn Được chia sẻ: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh và thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, người nghèo và các đối tượng chính sách tập trung đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm,…. Qua đó, từng bước nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và đối tượng chính sách khác.

Thông qua tín dụng chính sách xã hội đã giúp cho 104 nghìn hộ gia đình ở Long An thoát nghèo. Cụ thể, trong giai đoạn 2001-2005, tỷ lệ hộ nghèo trong tỉnh đã giảm từ 9,8% xuống còn 2,88% vào cuối năm 2005; nhưng đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh (theo chuẩn giai đoạn 2022-2025) đã giảm xuống còn 0,99%; và đến tháng 6/2023 đã giảm xuống chỉ còn 0,97%.

Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ 119 xã, 04/15 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại khu vực nông thôn, đời sống người dân được nâng lên, góp phần thu hẹp khoảng cách với khu vực đô thị; an sinh xã hội, ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc phòng được đảm bảo; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được củng cố và tăng cường.

Kim Duyên và nhóm PV, BTV