Hướng đến người nghèo
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), với phương châm “Trung ương và địa phương cùng làm”, “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”, hàng năm, NHCSXH đã chủ động, linh hoạt huy động có hiệu quả hàng chục ngàn tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương, phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và huy động của các tổ chức, cá nhân trên thị trường… bảo đảm nguồn vốn cơ bản ổn định để cung cấp tín dụng ưu đãi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Luôn nêu cao khẩu hiệu hành động “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, NHCSXH đã xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn quốc, triển khai kịp thời, trên diện rộng chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ “nơi nào có người nghèo và đối tượng chính sách, nơi đó có NHCSXH”.
Tính đến 31/7/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 305 nghìn tỷ đồng, tăng gần 176 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt khoảng 10%.
Các chương trình tín dụng chính sách đã cung cấp nguồn lực thực hiện quan trọng và thật sự trở thành cấu phần bổ trợ tất yếu của các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước qua các giai đoạn, cụ thể: giai đoạn 2001 - 2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005 - 2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%. Đồng thời, góp phần thực hiện 09/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (về nhà ở dân cư; về thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo; lao động có việc làm, tổ chức sản xuất; giáo dục và đào tạo; môi trường và an toàn thực phẩm; xây dựng hệ thống chính trị; quốc phòng và an ninh).
Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các vùng nông thôn, đã đẩy lùi nạn tín dụng đen thông qua việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; không bị các thế lực thù địch lôi kéo, lợi dụng. Mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH là phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam.
“Đây là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước, thông qua NHCSXH, với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng”, Báo cáo số 660/BC-UBTVQH13 ngày 19/5/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ.
Còn một số khó khăn cần khắc phục
Uỷ ban Dân tộc khẳng định tín dụng chính sách xã hội là một trong những công cụ, giải pháp quan trọng của Đảng và Nhà nước trong thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).
“Qua đánh giá tại các địa phương thực hiện CTMTQG dân tộc thiểu số, vốn tín dụng chính sách xã hội đã từng bước thay đổi tư duy nhận thức của người dân thông qua thiết kế chính sách dần từng bước chuyển từ cho không sang cho vay, người dân sử dụng đồng vốn có hiệu quả giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu cho cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, hỗ trợ phát triển sản xuất; ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng đồng bào DTTS, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các DTTS, được người dân hết sức đồng tình và hưởng ứng tích cực”, đại diện Ủy ban dân tộc nêu.
Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Đức Hải đã chia sẻ về tín dụng CSXH, góp phần thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Đức Hải cho biết, trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, đã huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng; đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước.
Phó Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam Nguyễn Đức Hải khẳng định, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn một số khó khăn cần khắc phục.
Ông Nguyễn Đức Hải kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn để phát huy vai trò của NHCSXH là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Các cấp ủy đảng, bộ, ngành, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.