Chị Tôn Thị Vinh ở xóm 5, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo thường xuyên của xã, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Năm 2015, chị vay 30 triệu đồng vốn cho vay đối với hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi bò. Nhờ chăm chỉ và chịu khó học hỏi cách chăn nuôi, chị đã dần có thu nhập.
Sau đó, gia đình chị Vinh tiếp tục vay vốn chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo 30 triệu đồng mua thêm bò để chăn nuôi. Hiện gia đình chị có 4 con bò, tổng trị giá gần 130 triệu đồng.
Có thể nói, tín dụng chính sách đang là trợ lực giúp những người nghèo, người có kinh tế khó khăn có thêm động lực phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng sống.
Gia đình anh Hồ Viết Tân ở xóm 4, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn cũng là một điển hình. Với mong muốn vượt khỏi cảnh nghèo khó, anh đã mạnh dạn gặp gỡ và đề xuất với Hội Cựu chiến binh xã Nam Anh được vay vốn để phát triển kinh tế vườn đồi.
Thấy ý tưởng của anh Tân khả thi, Hội đã đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ nguồn vốn giải quyết việc làm cho anh là 100 triệu đồng. Với số tiền được vay, anh Tân đã mua các loại giống cây phù hợp thổ nhưỡng như hồng, cam, quýt… Trong đó, cây hồng, quýt nổi tiếng về chất lượng của vùng núi Đại Huệ, phù hợp với đề án phát triển kinh tế của xã Nam Anh về du lịch sinh thái gắn với văn hóa ẩm thực, tâm linh.
Anh Tân cũng tích cực học hỏi kinh nghiệm các hộ làm kinh tế phát triển vườn đồi có hiệu quả để áp dụng vào vườn nhà. Chỉ sau 3 năm, gia đình anh đã có thu nhập ổn định là 50 triệu đồng/năm.
Ngoài việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng tích cực hỗ trợ người dân vay vốn chương trình học sinh, sinh viên. Vì thế, rất nhiều học sinh, sinh viên nghèo ở đây được đến trường học hành.
Điển hình như gia đình ông Phạm Văn Thanh ở xóm 1, xã Nam Kim có 6 thành viên, làm nghề nông và luôn nằm trong diện hộ nghèo của xã. Thương các con ham học nên ông Thanh đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để các con được đi học.
Với tổng số tiền 200 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình học sinh, sinh viên, các con của ông Thanh được ăn học đến nơi, đến chốn và có việc làm ổn định.
Được biết, hơn 20 năm qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện Nam Đàn không ngừng tăng trưởng. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND huyện đã cân đối ngân sách, chuyển 2 tỷ đồng sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn đang triển khai cho vay 12 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến ngày 30/4/2023 đạt 506 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng gần 10% với gần 9.000 khách hàng đang vay vốn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Từ đó, giúp cho 22.303 lượt hộ nghèo được vay vốn; góp phần giúp trên 15.830 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 10.000 lao động; 10.903 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Đồng thời hỗ trợ xây mới và cải tạo 13.225 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 508 ngôi nhà cho hộ nghèo...
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Kết quả đạt được trong triển khai tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Đàn Nguyễn Sỹ Hải cho hay, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới.