Vào đầu phiên giao dịch khớp lệnh liên tục, sau 9h15', cổ phiếu Sacombank (STB) do ông Dương Công Minh làm chủ tịch giảm 1.000-1.500 đồng/cp và xuống quanh ngưỡng 30.000 đồng/cp. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
Như vậy, cổ phiếu STB đã giảm giá sau khi lên vùng đỉnh lịch sử của Sacombank - một ngân hàng được nhà đầu tư rất quan tâm, từng đứng đầu hệ thống ngân hàng TMCP và “qua tay” nhiều đại gia.
Sắp hoàn thành Đề án tái cơ cấu
Chủ tịch Dương Công Minh đối diện nhiều tin đồn trên mạng xã hội. Trên thực tế, ngân hàng Sacombank sắp hoàn thành đề án tái cơ cấu sau thập kỷ nhiều biến động. Nhiều thông tin liên quan tới STB được các nhà đầu tư quan tâm.
Đề án tái cấu trúc được thực hiện trong 10 năm qua đã tới hồi kết, nợ xấu dần được gỡ bỏ, sau 10 năm cổ đông sắp được chia cổ tức. Khối cổ phần lớn 32,5% của đại gia vang bóng một thời Trầm Bê tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) sắp được đấu giá.
Thông tin về việc Sacombank đấu giá thành công Khu công nghiệp Phong Phú trị giá hàng nghìn tỷ đồng và chờ nhận tiền thanh toán cũng là điều nhiều người quan tâm.
Phần lớn thông tin về Sacombank là tích cực. Tuy nhiên, cổ phiếu STB đang bị bán rất mạnh và điều gì đang xảy ra với một trong những ngân hàng đang được kỳ vọng bứt phá? Chủ tịch Dương Công Minh liệu có vững tay chèo đưa Sacombank hoàn thành đề án tái cấu trúc?
Hồi cuối tháng 2, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín cho biết sẽ hoàn thành đề án tái cơ cấu trong nửa đầu năm 2024. Vào cuối năm 2023, ngân hàng này đã xử lý dứt điểm phần lớn các vấn đề tồn tại, hoàn thành nhiều mục tiêu trọng yếu của đề án.
Sacombank đã trích lập đủ 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục tài sản tồn đọng còn lại chưa xử lý, qua đó chính thức hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại đề án tái cơ cấu.
Trong một báo cáo của Chứng khoán Agribank (Agriseco), việc hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ tài chính tại đề án tái cơ cấu sẽ cho phép ngân hàng này đẩy nhanh tiến độ đấu giá 32,5% vốn cổ phần tại VAMC.
Cũng theo Agriseco, việc bán đấu giá Khu công nghiệp Phong Phú của Sacombank năm nay sẽ thực hiện xong, qua đó giúp gia tăng tài sản sinh lời, tạo dư địa tăng trưởng cao trong giai đoạn tới. Đầu năm 2023, Sacombank đã tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ được bảo đảm bằng tài sản tại KCN Phong Phú, với giá khởi điểm hơn 7.900 tỷ đồng.
Cuộc chơi của các tỷ phú
Sacombank được gầy dựng bởi ông Đặng Văn Thành (Tập đoàn Thành Thành Công), với vị trí chủ tịch từ 1995 đến 2012. Vốn điều lệ ban đầu chỉ vỏn vẹn 3 tỷ đồng nhưng tới thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Sacombank đã trở thành một trong những ngân hàng TMCP lớn và uy tín tại Việt Nam.
Dưới sự lèo lái của ông Đặng Văn Thành, nhà băng này từng đứng đầu các ngân hàng tư nhân về quy mô, thị phần, dịch vụ ngân hàng bán lẻ và dịch vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, sóng gió và sự xuất hiện của ông Trầm Bê cùng thương vụ sáp nhập với SourthernBank khiến Sacombank chìm trong nợ xấu.
Ông Kiều Hữu Dũng từng được bầu là chủ tịch Sacombank năm 2014, thay ông Phạm Hữu Phú. Đây cũng là giai đoạn chuyển giao quyền lực giữa các nhóm cổ đông gia đình ông Đặng Văn Thành và gia đình ông Trầm Bê.
Từ khi sáp nhập với SouthernBank, ngân hàng do nhóm cổ đông lớn nhất khi đó là gia đình ông Trầm Bê sở hữu, Sacombank bắt đầu gặp khó và vướng vào những khoản nợ xấu hàng chục nghìn tỷ đồng.
Năm 2017, ông Trầm Bê dính lao lý, đại gia bất động sản Dương Công Minh đã dần thiết lập quyền lực tại Sacombank. Trong nửa cuối năm 2017, "cuộc chiến" kéo dài hơn 5 năm tại Sacombank gần như kết thúc.
Đầu năm 2018, một loạt sếp lớn ngân hàng - trong đó có Chủ tịch Dương Công Minh - liên tiếp có các động thái thu gom cổ phiếu ngân hàng này nhằm nâng tỷ lệ sở hữu.
Trước đó, để tránh sở hữu chéo trước khi bước vào Sacombank, ông Dương Công Minh đã thoái vốn tại LienVietPostBank (LPB) và từ nhiệm chức chủ tịch LPB để tham gia tái cơ cấu Sacombank.
Dương Công Minh: Đại gia giàu ngầm và kín tiếng
Sau một thời gian khá dài lèo lái Sacombank, ông chủ Tập đoàn Him Lam đã đem đến những thành công nhất định cho ngân hàng này.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề mà giới đầu tư quan tâm. Đó là khi nào Sacombank được công nhận hoàn thành đề án tái cấu trúc? Khi nào STB chia cổ tức và lượng cổ phần hơn 32% của ông Trầm Bê sẽ được bán đấu giá thế nào? Sau đấu giá, quyền lực tại ngân hàng sẽ về tay ai?
Gần đây, Sacombank và nhóm ông Dương Công Minh gặp khó với Bamboo Airways. Hãng hàng không này đang nợ lớn, thiếu tiền hoạt động và phải bán tàu bay, đóng nhiều đường bay...
Tại Sacombank, tỷ lệ nắm giữ cổ phần trực tiếp của ông Minh không nhiều, chỉ 3,32%. Trong khi đó, cổ phần của ông Trầm Bê tại VAMC rất lớn. Đây có thể là cuộc đua của các tỷ phú Việt trong thời gian tới.
Ông Dương Công Minh được biết đến là một đại gia rất kín tiếng trước công chúng.
Him Lam của doanh nhân gốc Bắc Ninh này là một "ông lớn" bất động sản, với hơn 30 đơn vị thành viên và công ty liên kết, hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh địa ốc, tài chính ngân hàng, khu vui chơi giải trí, sân golf,... tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác.
Him Lam đầu tư và xây dựng cả trăm dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch với một số dự án lớn, điển hình như: Him Lam Tân Hưng (quận 7, TP.HCM), Him Lam Riverside, Him Lam Chợ Lớn, Him Lam Phú Đông, sân golf Long Biên, sân golf Tân Sơn Nhất,... Tập đoàn Him Lam cũng có các dự án khu du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp tại TP. Hải Phòng.
Trong quá khứ, nhà ông Minh cùng với Him Lam từng sở hữu hàng chục phần trăm cổ phần LienVietPostBank.