Nông sản xuất khẩu sang EU bật tăng mạnh

Báo cáo của Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho thấy, năm 2019, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vào EU đạt 4,6 tỷ USD, khách hàng lớn thứ 3 của thị trường nông sản Việt Nam.

Việc ký kết và triển khai EVFTA do đó sẽ tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam thông qua các ưu đãi về thuế.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, cho biết, Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi từ ngày 1/8 năm nay. Hầu hết sản phẩm từ các nhóm hàng nông sản như: cà phê, gạo, thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), gạo, rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả, mật ong, tinh bột sắn, gỗ và sản phẩm gỗ,... đều được EU xóa bỏ thuế, đưa về mức thuế suất 0%.

Tận dụng ưu đãi về thuế suất, thời gian gần đây các lô hàng nông sản chủ lực như tôm, cà phê, rau quả, chanh leo, gạo,... được xuất ồ ạt sang thị trường EU, giá nhiều mặt hàng cũng tăng mạnh.

{keywords}
Đơn hàng thủy sản, rau quả, gạo, cà phê... tăng mạnh sau khi EVFTA có hiệu lực

Thống kê sơ bộ của Vụ Hợp tác quốc tế, sau hơn 1 tháng EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản vào thị trường này trong tháng 8/2020 đạt 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7/2020. 

Cụ thể, xuất khẩu cà phê tháng 8/2020 vào EU tăng 34,7% so với tháng 7/2020; sản phẩm rau quả tăng 25% và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019.

Nổi bật nhất là mặt hàng gạo Việt khi giá trị xuất khẩu tháng 8/2020 tăng tới tăng 93,5% so với tháng 7/2020, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tại lễ xuất khẩu tôm đi châu Âu ngày 11/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn. 

“Tận dụng tốt lợi thế này, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020”, ông cho hay.

Làm hàng chất lượng cao, chế biến sâu

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá EU với 27 quốc gia thành viên, 511 triệu dân, quy mô GDP 2019 lên 18.292 nghìn tỷ USD, là thị trường lớn có mức thu nhập cao. Quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau, chứ không cạnh tranh trực tiếp.

“Chúng tôi coi đây là cơ hội để gắn kết sâu rộng vào thị trường toàn cầu có giá trị cao và chất lượng cao”, ông Tiến nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận, với thị trường EU, chúng ta không chỉ khai thác giá trị tuyệt đối của xuất khẩu mà còn thông qua thị trường này làm “tín chỉ” để chứng minh trình độ sản xuất cũng như chất lượng hàng Việt Nam có thể đi đến bất kỳ nơi nào trên thế giới. Từ đó mở rộng thị trường, tổ chức tốt sản xuất, tạo sinh kế thuận lợi hơn cho bà con nông dân.

{keywords}
Theo các chuyên gia, muốn đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang EU nên hướng vào hàng chất lượng cao, các sản phẩm chế biến

Theo Bộ trưởng Cường, để tận dụng được cơ hội từ Hiệp định EVFTA, cần xác định ngành nông nghiệp có lợi thế trên 3 trụ cột. Một là, thương mại xuất khẩu về nông sản, chúng ta có một số những nhóm ngành hàng đang có lợi thế. Hai là, trong việc hợp tác, tiếp thu các công nghệ (đặc biệt là công nghệ chế biến) của khu vực châu Âu. Ba là, hai bên sẽ có lợi thế nâng cao năng lực quản lý thông qua các quy chuẩn, thông qua việc đào tạo nhân lực, kỹ năng phát triển.

Ông Cường cho rằng, thị trường EU đang mở ra những cánh cửa vô cùng rộng lớn cho nông sản Việt, song để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường này, việc tổ chức lại sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc là vô cùng quan trọng. Ngành nông nghiệp tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu tổ chức nguyên liệu, chế biến sâu đến tiêu thụ sản phẩm.

Thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp các doanh nghiệp khuyến khích doanh nghiệp tập trung các đơn hàng cho những ngành hàng có lợi thế như rau, quả, thủy sản, nhóm sản phẩm cây cây nghiệp (chè, cà phê, hạt điều); tập trung đẩy nhanh hơn sản xuất theo chuỗi, liên kết chặt chẽ với nông dân, kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, cần chuẩn bị tốt kỹ năng thương mại để tận dụng các lợi thế.

Theo các chuyên gia trong ngành, thị trường EU chuộng các mặt hàng chất lượng cao, hàng hữu cơ, chế biến sâu. Chúng ta cần đẩy mạnh sản xuất theo hướng này để tận dụng được lợi thế từ EVFTA.

Sau khi xuất lô hàng gạo cao cấp sang châu Âu hưởng thuế suất ưu đãi 0%, Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết, EU là thị trường cấp cao, nên hàng hóa phải đạt chất lượng tốt mới có thể ký kết được hợp đồng.

Doanh nghiệp này đã mất 3-4 năm cải tạo đất để sản xuất gạo sạch, gạo hữu cơ, đồng thời đảm bảo các yếu tố về xuất xứ hàng hóa, chất lượng kho bãi, điều kiện môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm... Kết quả, tháng 8 vừa qua, doanh nghiệp đã xuất khẩu sang EU 150 tấn gạo thơm với giá cao hơn trước rất nhiều (600 USD/tấn với gạo Jasmine và 1.008 USD/tấn).

Tâm An