Bỗng dưng trúng thưởng
Theo phản ánh của chị Nguyễn Thị T. (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), Công ty Quảng cáo Truyền thông online TVShopping được giới thiệu có địa chỉ tại Công viên Phần mềm Quang Trung (Q.12, TPHCM) đã lừa đảo, chiếm đoạt 273 triệu đồng.
Cụ thể, vào đầu tháng 4/2020, chị T. nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 02873022224 của một thanh niên tên Lâm, tự xưng là nhân viên Đài truyền hình TPHCM, thông báo rằng, đài đang phối hợp với Công ty Quảng cáo Truyền thông online TVShopping - một kênh mua sắm trên sóng truyền hình của Tập đoàn Kimura Nhật Bản - thực hiện chương trình tri ân những khách hàng từng mua sắm trên sóng truyền hình và chị T. nằm trong danh sách được tri ân dịp này. “Cách đây mấy năm, tôi mua hàng chục sản phẩm thông qua kênh mua sắm trên đài truyền hình nên khi nghe nói vậy, tôi không nghi ngờ gì” - chị T. kể.
Đơn hàng mà các nạn nhân nhận được |
Theo Lâm, chị T. phải mua một sản phẩm để lấy mã số khách hàng của Công ty TVShopping nhằm “trải nghiệm và quảng cáo dùm cho công ty”. Đồng thời, đài truyền hình sẽ quay đoạn video ngắn để chứng minh với Công ty Kimura Nhật Bản rằng chị T. có mua sản phẩm. Nghe vậy, chị T. đặt mua kem mát-xa cổ, đồ cọ rửa mặt hai đầu trị giá 1,6 triệu đồng. Khi nhận được gói hàng từ bưu điện, chị T. được thông báo bên trong có một dãy mã dự thưởng. Sau đó, đối tượng Lâm thông báo chị T. trúng ti vi 49 inch trị giá 48 triệu đồng và phiếu mua hàng trị giá 30 triệu đồng từ công ty.
Sau đó vài ngày, một đối tượng khác tên Nam - cũng xưng thuộc đài truyền hình - gọi điện cho chị T., nói rằng nên mua tiếp sản phẩm và giá trị sản phẩm chính là phí làm hồ sơ tượng trưng để nhận thưởng chiếc ti vi. Nam cho biết, chị T. có thể dùng sản phẩm đã mua; nếu không dùng, công ty sẽ thu hồi và trả gấp đôi số tiền mà chị đã bỏ ra để mua sản phẩm. Nghe nói sản phẩm sẽ được thu hồi và tiền sẽ được trả gấp đôi, chị T. lại tiếp tục đặt mua ba bộ cao hồng sâm linh chi với giá 18 triệu đồng.
Sau đó, một đối tượng khác tên Phước yêu cầu chị T. tiếp tục mua sản phẩm để làm thủ tục xuất kho lấy ti vi, đồng thời phải làm hồ sơ gửi ra Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thẩm định sản phẩm. Chị T. lại tin tưởng, mua hai bộ cao hồng sâm linh chi trị giá 16 triệu đồng.
Tiếp đó, các đối tượng lại gọi điện thoại, yêu cầu chị T. mua thêm sản phẩm với lý do lấy phí làm hồ sơ, gửi hồ sơ qua tổ chức ISO 9001, gửi qua bộ phận làm sân khấu trao giải, đóng thuế VAT 10%… Tổng cộng, chị T. đã nhiều lần mua sản phẩm với tổng trị giá 273 triệu đồng.
“Khi tôi nói hết khả năng để mua sản phẩm thì các đối tượng tiếp tục dụ dỗ, ép buộc rằng quà đã gần đến tay, việc tôi từ chối nhận quà sẽ làm lỡ các quy trình và sẽ bị công an phạt, đồng thời công ty sẽ không thu hồi sản phẩm như cam kết. Tôi nhờ con trai lên mạng tìm hiểu thì mới biết sản phẩm cao hồng sâm có giá chỉ 800.000 đồng” - chị T. trình bày.
Cùng bị áp dụng chiêu thức trên, nạn nhân Nguyễn Thị H. - ở đường Trần Quốc Toản, P.Tân Bình, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - đã bỏ ra 150 triệu đồng để mua sản phẩm nhưng không nhận được giải thưởng, phải ôm mớ sản phẩm không rõ chất lượng, nguồn gốc. Mới đây nhất, nạn nhân Ngô Tiểu M. - ở đường TL57, P.Thạnh Lộc, Q.12, TPHCM - cũng bị lừa mua sản phẩm với số tiền 28 triệu đồng.
Đài truyền hình, bộ, ngành bị mượn danh để lừa đảo
Từ phản ánh của các nạn nhân, Đài truyền hình TPHCM đã rà soát các đối tác liên kết sản xuất chương trình bán hàng trên truyền hình và khẳng định chưa từng hợp tác với Công ty Quảng cáo Truyền thông online TVShopping mà các nạn nhân phản ánh. Đài này cũng không tổ chức bán hàng trực tuyến để quay số, bốc thăm trúng thưởng; không có các nhân viên như các nạn nhân phản ánh.
Với chiêu trò liên tục trúng thưởng các đối tượng lừa đảo moi hàng trăm triệu đồng của những người nhẹ dạ |
Một cán bộ thuộc Công an TPHCM thông tin thêm, đơn vị này đã nhận được đơn phản ánh của các nạn nhân và đang trong quá trình điều tra. Các đối tượng này đã đánh vào lòng tham của nhiều người với chiêu thức vừa nhận được giải thưởng, vừa được thu hồi số sản phẩm đã mua và hoàn trả gấp đôi số tiền đã bỏ ra để mua sản phẩm.
Qua xác minh, chúng tôi thấy, các đối tượng lừa đảo dùng tên công ty không rõ ràng, lúc tên này, lúc tên khác, có phần na ná tên các công ty uy tín khác. Chẳng hạn, trên kiện hàng gửi cho nạn nhân, mục đơn vị gửi ghi là Công ty Quảng cáo Truyền thông TV Online, địa chỉ tại Công viên Phần mềm Quang Trung, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12, TPHCM nhưng phía bên trên đơn hàng lại in hàng chữ bằng mực đỏ là Công ty TNHH TVShopping, còn trong phiếu voucher gửi đến các nạn nhân thì lúc ghi Trung tâm Mua sắm Shopping VN, lúc ghi Trung tâm Mua sắm Truyền hình Shopping VN.
Trong khi đó, chỉ cần thay đổi một chữ, sẽ ra công ty khác. Pháp luật không cho phép đặt trùng tên doanh nghiệp nhưng chỉ cần có một chút khác biệt, vẫn được chấp nhận. Chẳng hạn, trên thị trường đã có Công ty cổ phần Quảng cáo Truyền thông TV (TP.Hà Nội) thì các đối tượng lừa đảo lấy tên là Công ty Quảng cáo Truyền thông TV Online, trụ sở ở Công viên Phần mềm Quang Trung. Theo điều tra của chúng tôi, trong Công viên Phần mềm Quang Trung không có công ty trên mà chỉ có Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu TVSHOP VN.
Chỉ có cơ quan đăng ký kinh doanh mới nhận ra sự khác biệt này, người tiêu dùng khó lòng biết được. Đây chính là điểm mà các đối tượng lợi dụng để giở trò phi pháp.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)