Đầu tư vào hãng công nghệ về bảo mật là xu hướng mới của các quỹ đầu tư. Gọi vốn sẽ giúp doanh nghiệp trẻ như CyRadar tăng thêm sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhiều “cá mập”.
“Ngay từ đầu thành lập, CyRadar đã định hướng hoạt động trên thị trường quốc tế. Nhu cầu thị trường rất lớn. Các nước như Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ… đều rất cần giải pháp, dịch vụ security (bảo mật). Khi làm sản phẩm, CyRadar luôn tự đặt yêu cầu cao, đảm bảo chất lượng sản phẩm sẽ đáp ứng được nhiều thị trường khác nhau. Hàng ngày, đội ngũ phát triển phần mềm, kiểm thử các tính năng đều tìm hiểu, tham khảo, đánh giá các xu hướng để lựa chọn tính năng phù hợp với thị trường thế giới. Tới nay, chúng tôi đã có nhiều giải pháp đạt chứng chỉ, chứng nhận được cấp bởi các tổ chức quốc tế uy tín”, CEO CyRadar Nguyễn Minh Đức kể.
Khách hàng quốc tế đầu tiên của CyRadar là một công ty ở Canada, chuyên phát triển các giải pháp về hàng không. Họ biết CyRadar đang cung cấp dịch vụ cho một hãng hàng không ở Việt Nam, và đã phát hiện ra nhiều lỗ hổng bảo mật, nên đã quyết định hợp tác với CyRadar để phát triển giải pháp cho các hãng hàng không lớn khác.
Sau đó một thời gian dài, CyRadar tập trung phát triển thị trường trong nước nên chưa thực sự chủ động trong việc tìm kiếm khách hàng nước ngoài.
Thế nhưng “hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều đối tác, khách hàng vẫn tìm đến. Hiện CyRadar đã có khá nhiều khách hàng ngoại quốc, từ Canada, Nhật Bản, Singapore…, những thị trường rất khắt khe. Vừa rồi lại mới có thêm khách hàng Hàn Quốc, và đang mở rộng thêm thị trường Thái Lan, Indonesia… Khách hàng của CyRadar tập trung nhiều ở mảng tài chính - ngân hàng và các doanh nghiệp lớn như các hãng phát triển giải pháp cho lĩnh vực hàng không, thương mại điện tử…
Theo kế hoạch, từ nửa sau của năm 2023 trở đi, CyRadar sẽ đẩy mạnh thị trường nước ngoài nhiều hơn. Trong khoảng 2 năm tiếp theo, doanh thu, khách hàng từ mảng quốc tế sẽ tương đương trong nước, dần dần sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong tổng doanh thu của công ty.
“Nếu so sánh với các hãng bảo mật quốc tế khác, hiện nay CyRadar chưa có công nghệ gì thực sự nổi bật hơn. Một “điểm cộng” của chúng tôi là chi phí hấp dẫn hơn, ví dụ mức chi cho một kỹ sư Nhật Bản khoảng 5.000 – 6.000 USD/tháng, còn mức chi cho kỹ sư CyRadar thấp hơn. Chúng tôi thường tự cho rằng ưu điểm của mình chỉ là “trẻ - đẹp – chiều khách” hơn thôi”, CEO Nguyễn Minh Đức nói vui.
“Trên thế giới, các hãng bảo mật lớn đã phát triển ở giai đoạn rất cao. Hàng loạt “cá mập khủng” với chất lượng tốt đã chiếm lĩnh, định hình thị trường rồi. Mình sẽ phải tìm cách vào các ngách hẹp thôi”, CEO Nguyễn Minh Đức thẳng thắn nhìn nhận hiện trạng.
Khi ra thị trường nước ngoài, CyRadar xác định sản phẩm chỉ là một “vũ khí” cơ bản, còn quan trọng hơn là các dịch vụ kèm theo. Ưu thế dịch vụ của Việt Nam so với thị trường nước ngoài là chi phí sẽ tối ưu hơn, trong khi chất lượng nhân sự an toàn thông tin của Việt Nam không thua kém kỹ sư nước ngoài. Các khách hàng hiện nay của CyRadar đều đang sử dụng các gói sản phẩm kèm dịch vụ như vậy.
Ước tính chi phí để mở văn phòng, mở một thị trường mới trong khoảng 2 – 3 năm rơi vào tầm 1 – 2 triệu USD. Đó mới là bước đầu đặt chân vào thị trường, có khách hàng hay không chưa biết. Cách đầu tư này sẽ tốn kém và khá mạo hiểm.
Vì thế, CyRadar không tự đi sang các thị trường mới, chưa biết rõ cơ hội tiềm năng, mà sẽ tìm những đối tác đang cung cấp dịch vụ ở những thị trường đấy rồi phối hợp với họ để phát triển hoạt động kinh doanh. Ví dụ như các công ty Nhật Bản chuyên cung cấp dịch vụ ở thị trường Nhật, hay công ty Việt Nam cung cấp dịch vụ cho các thị trường Đông Nam Á, Hàn Quốc…
“Chúng tôi sẽ tìm cách hợp tác với các công ty đã có thị trường rồi và muốn bổ sung thêm sức mạnh, thêm “món ăn” mới vào menu cho các khách hàng và thị trường của họ”, sếp của CyRadar đề cập tới hướng đi trong tương lai.
Thực tế trước đây, một đối tác ở Singapore chưa bán được gì cho khách hàng ở đảo quốc Sư tử, sau khi hợp tác với CyRadar để cung cấp dịch vụ bảo mật theo nhu cầu của khách hàng thì đã bán được giải pháp cho khách hàng này và thêm nhiều khách hàng khác nữa. Đó là dẫn chứng câu chuyện cụ thể về việc mảng bảo mật của CyRadar có thể giúp cho các đối tác quốc tế mở rộng thêm khách hàng mới.
Tại hội nghị hồi tháng 5/2023 ở Thái Lan, với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp khởi nghiệp đến từ Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Lào, Campuchia…, CyRadar là công ty Việt Nam duy nhất có bài thuyết trình. Sau sự kiện đã có 3 đối tác bàn chuyện hợp tác, trong đó có đối tác muốn mở rộng sản phẩm, dịch vụ ở thị trường Thái Lan.
Hoạt động xúc tiến thương mại đang tiếp tục được lãnh đạo CyRadar triển khai nhằm tìm kiếm thêm đối tác để đẩy sản phẩm, dịch vụ ra thị trường nước ngoài.
Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ bảo mật trên thị trường quốc tế là việc rất khó. Ở những nước chưa phát triển, nhu cầu thị trường bảo mật còn thấp. Còn những nước tiên tiến phát triển có nhu cầu bảo mật cao thì sẵn có những công ty bản địa rồi, chưa kể vô khối “cá mập” cũng đã “nhảy” vào, CyRadar không dễ cạnh tranh.
“Dù đã có khách hàng ở một số thị trường quốc tế rồi nhưng vẫn chỉ là trường hợp cá biệt, nhỏ lẻ, chúng tôi hiểu rõ rằng chưa thể chiếm được ngay thị phần lớn ở các quốc gia. Cũng chưa biết thị trường nào là thị trường tiềm năng nên hiện CyRadar vẫn đang “rắc thính” 4 – 5 thị trường, dự kiến nửa năm tới sẽ thu hẹp, chọn 1 – 2 thị trường phù hợp để đẩy mạnh trước, chứ không mở rộng tất cả các thị trường cùng lúc”, CEO Nguyễn Minh Đức nói.
Tới thời điểm hiện nay, “bước chân” ra thị trường nước ngoài, CyRadar cũng như các công ty khởi nghiệp khác vẫn tự chủ động làm là chính. Trong khi nhìn ra thế giới, ở một số quốc gia như Hàn Quốc, nhiều công ty an ninh, an toàn thông tin được Chính phủ đầu tư, cấp cả ngân sách cho việc mở rộng thị trường quốc tế.
“Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ có thể nghiên cứu tham khảo ví dụ nêu trên. Nếu có được sự hỗ trợ nhất định từ các bộ chủ quản về khoa học công nghệ, các công ty như CyRadar sẽ vững tâm hơn khi đưa sản phẩm, dịch vụ Việt xuất ngoại”, lãnh đạo CyRadar khuyến nghị.
Muốn mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế sẽ cần có thêm nhiều kinh phí đầu tư. Gọi vốn từ các quỹ đầu tư đang là giải pháp khả thi mà CyRadar tính tới.
Đầu tư vào các hãng công nghệ về bảo mật đang là xu hướng mới của các quỹ đầu tư. Trước kia, các quỹ ưu tiên tìm kiếm những công ty ứng dụng công nghệ mới như AI, chatbot, blockchain… Giờ họ muốn tìm kiếm những lĩnh vực bền hơn, có thể không bùng nổ nhưng có nhu cầu lâu dài như bảo mật, an toàn thông tin. Các công ty khởi nghiệp về an toàn thông tin có xu hướng được rót vốn tốt hơn.
“CyRadar đang tìm cách mở rộng gọi vốn để phát triển thị trường quốc tế, kiếm thêm doanh thu. Nguồn vốn này sẽ dùng để đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng nhân sự. Hiện chúng tôi đang làm việc với một số quỹ và nhà đầu tư rồi. Có thể cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ chào mời thêm một số nhà đầu tư khác nữa”, CEO Nguyễn Minh Đức thông tin thêm.
Bài: Bình Minh
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Vũ Minh Hòa