Hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm có 5,3 triệu ha tưới – tiêu, 1,573 triệu ha ô bao…
Tiến sĩ Tô Quang Toản, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã có nhiều năm nghiên cứu về tình trạng hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là năm đầu của chu kỳ hạn.
Nghiên cứu chu kỳ hạn mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì thấy, một trong những nguyên nhân là hiện tượng El Nino, thường xuất hiện 3 - 4 năm/lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn, mỗi lần kéo dài 8 - 12 tháng (hoặc lâu hơn)
Từ năm 1950 tới nay đã có 26 đợt El Nino xuất hiện trên thế giới. Các đợt El Nino siêu mạnh xảy ra trong các năm 1982-1983, 1997-1998, 2015-2016, trong đó El Nino 2015-2016 là mạnh nhất trong chuỗi số liệu.
Những năm 2015-2016, 2019- 2020, tại Việt Nam được ghi nhận là năm hạn hán – xâm nhập mặn lịch sử tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian xâm nhập mặn thường xuất hiện sớm hơn 0,5 - 1 tháng so với các năm khác. Chiều sâu xâm nhập mặn tiến sâu hơn vào các cửa sông và trong nội đồng. Thời gian duy trì đỉnh mặn lâu hơn khoảng 10 - 20 ngày.
El Nino xuất hiện làm nhiệt độ gia tăng, nắng nóng gay gắt hơn, gây thâm hụt lượng mưa, ít xuất hiện mưa trái mùa. Hạn hán - xâm nhập mặn phát triển tới mức cực đoan.
Theo dõi diễn biến xâm nhập mặn trong những năm gần đây thì thấy, thời gian xâm nhập mặn giai đoạn từ năm 2013 tới nay xâm nhập sớm hơn 1 - 1,5 tháng so với giai đoạn 2004 - 2012. Cao điểm của mùa mặn giai đoạn từ 2013 - 2023 cũng dịch chuyển sớm hơn 1- 1,5 tháng so với 2004-2012.
Một trong những nguyên nhân chính khiến xâm nhập mặn thay đổi quy luật là dòng chảy mùa khô trái quy luật tự nhiên do vận hành thủy điện tại Đồng bằng sông Cửu Long: Đầu mùa khô giảm khoảng 15%; đến giữa và cuối mùa khô tăng khoảng 25%. Hệ lụy kéo theo là tình trạng xâm nhập mặn mùa khô: Đầu mùa khô, mặn lên sớm hơn trước đây; còn giữa và cuối mùa khô thì mặn giảm.
Tiến sĩ Tô Quang Toản lưu ý: Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, với nhiều lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên đặc thù cho nông nghiệp; có lợi thế so sánh với các vùng khác trong nước và lợi thế cạnh tranh cao so với các vùng khác trên thế giới.
Tuy nhiên, khu vực này đang chịu nhiều tác động ngoại biên nghiêm trọng, không thể đảo ngược được, bao gồm: Phát triển thượng lưu Mê Công; Biến đổi khí hậu – Nước biển dâng; Tác động do phát triển nội tại.
“Dưới các tác động lớn với mức độ ngày càng tăng, Đồng bằng sông Cửu Long đang dần được định hình lại (so với lịch sử), với các đặc trưng cơ bản mới bất lợi hơn rất nhiều so với tự nhiên: Xâm nhập mặn vùng ven biển diễn ra sớm hơn 1 - 1,5 tháng và biến động khó lường. Rủi ro thiên tai có chiều hướng gia tăng. Đây là các thách thức đã, đang và sẽ tiếp diễn đối với sự phát triển bền vững khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, Tiến sĩ Tô Quang Toản nhấn mạnh.
Với góc nhìn của một chuyên gia thủy lợi, Tiến sĩ Tô Quang Toản cho rằng, phát triển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế xã hội, nhất là ngành nông nghiệp.
Đây cũng là giải pháp quan trọng để khai thác tối ưu nguồn tài nguyên thiên nhiên đất - nước - ánh sáng; phát triển nền nông nghiệp (thủy sản - trồng trọt - chăn nuôi) theo hướng sinh thái - hữu cơ chất lượng cao.
“Một số kế hoạch ngắn và trung hạn “không hối tiếc” và cấp thiết cần được thực hiện sớm”, Tiến sĩ Tô Quang Toản khuyến nghị, đồng thời nêu cụ thể một số giải pháp gồm: Giải quyết vấn đề nước sạch cho các hoạt động kinh tế - xã hội (đặc biệt vùng khan hiếm nước), các vùng khan hiếm đang khai thác nước ngầm; Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi thích ứng với chế độ nước mới, trong đó, ở vùng thượng cần tập trung nâng cấp hạ tầng vùng lũ phục vụ sản xuất đa dạng quanh năm theo nhu cầu thị trường (cho các tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An)…, ở vùng giữa tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thủy lợi (tăng cường khả năng kiểm soát mặn và chủ động tích trữ và bổ sung nước ngọt), còn vùng ven biển thì tăng cường hạ tầng cấp nước ngọt bổ sung cho các vùng khan hiếm nước ven biển có tiềm năng kinh tế cao/vùng khai thác nước ngầm lớn.