LỜI TOÀ SOẠN

Một năm mới vừa sang, VietNamNet xin đăng tải tuyến bài "Lựa chọn rực rỡ". Đó là những câu chuyện của các bệnh nhân từng đứng trước lằn ranh sinh tử, từng phải đối diện với những giây phút chỉ muốn chấm dứt cuộc đời mình. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường, họ đã vượt qua và đang từng ngày tận hưởng những giây phút của cuộc đời.

Bài 1: 15 tuổi biết mình bị ung thư máu, tôi tưởng cuộc đời đã chấm dứt từ đây

Bài 2: Tôi đã vượt qua 24 lần phẫu thuật sau khi bị chồng tưới xăng đốt 

 

“Nobita ngoan nào, ăn giỏi nào, măm măm. Trum ơi lấy cho mẹ ly nước. Ba ơi, xem đang nấu dở cái gì trên bếp kìa”, những âm thanh xôn xao phát ra từ một căn nhà nhỏ ở vùng ven TP.HCM. Người phụ nữ đưa bàn tay chằng chịt sẹo sờ lên đôi má căng mọng của cậu bé 7 tháng tuổi. Đó là chị là Lê Thị Kim Ngân, 35 tuổi, quê ở Phú Yên và gia đình mới. Chị lưu lạc vào TP.HCM đã 4 năm, sau một đêm lửa cháy bỏng rát vì bị chồng cũ tẩm xăng đốt.

Ký ức của người phụ nữ 35 tuổi đã mờ nhạt nhiều sau hàng chục ca phẫu thuật. Tuy vậy, từng vết sẹo trên mặt và cơ thể khiến chị không thể quên ngày bị chồng cũ tấn công. 

Đó là năm 2019. Khi chị đang ngồi thêu tranh, người đàn ông từng đầu gối tay ấp lôi chị vào phòng, rưới xăng lên và châm lửa. Căn nhà bị thiêu rụi. Chị Ngân lôi hai con trai chạy thoát. 

Sau khi được cấp cứu ở Bệnh viện Phú Yên, chị được chuyển khẩn cấp vào TP.HCM với cơ thể bỏng đến 92%. Trong cơn nửa tỉnh nửa mê, chị nhớ mãi câu nói của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy: “Cơ hội sống chưa đến 10%”.  

Những ngày tiếp đó, cả người quấn băng trắng toát, đôi mắt mờ đục, suy kiệt, chị chỉ nghĩ về hai đứa con trai đang ngóng chờ mẹ.

Chị Ngân đã sống.

“Hàng chục ca phẫu thuật ở Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 1A Lý Thường Kiệt, Viện bỏng quốc gia ở Hà Nội… tôi không nhớ hết. Trí nhớ suy giảm nhiều vì phải gây mê, ca mổ lớn ca mổ nhỏ, cắt chỗ này xẻ chỗ khác”, chị Ngân chậm rãi kể. 

Nói đến phẫu thuật, chị lại rùng mình nhớ màu áo xanh của bác sĩ, mùi thuốc sát trùng, kim tiêm… Cánh tay bị bỏng không tìm được ven, cô điều dưỡng phải đâm kim dưới bàn chân lấy máu xét nghiệm. 

“Đau, đau lắm”, chị cười và xoa nhẹ những vết sẹo. Khuôn miệng trước đây bị kéo trễ xuống vì sẹo dính, sau khi phẫu thuật đã trở lại gần như bình thường.

Vài tháng sau vụ phóng hoả, chị dẫn con rời khỏi quê nhà, để vào TP.HCM sinh sống. 

Thoát chết, nhưng đau đớn vẫn cứ bám lấy chị. Nếu không tập luyện, chân tay chị sẽ bị cứng khớp, sẹo dính, co kéo da. Không muốn mình thành phế nhân, chị Ngân vừa tập luyện, vừa theo đuổi các ca mổ và làm đủ thứ việc để nuôi hai con. 

Chị thuê một căn phòng nhỏ mở tiệm may ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Nhận thấy việc bán hàng online có tiềm năng, chị nhanh chóng thử sức. Bỏ qua mặc cảm về khuôn mặt, chị livestream bán hàng, vui vẻ chuyện trò với mọi người, không than thân trách phận.

“Giai đoạn đó cuộc sống khá ổn. Mọi người thấy tôi lạc quan nên yêu quý và ủng hộ. Hai con trai ngoan ngoãn, tôi có thu nhập tốt và thường kết nối với những nạn nhân bị bỏng như mình”, chị kể.

Khi chị Ngân vừa điều trị xong ở Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Nguyễn Văn Minh (33 tuổi, TP.HCM) nhập viện. Anh Minh bị bỏng hơn 50% cơ thể do bình xăng xe máy phát nổ vào năm 2020.

Sau hơn 10 ca phẫu thuật tại bệnh viện này, chàng trai sinh năm 1990 mới sống sót. Anh nằm bất động trên giường bệnh, mỗi tuần vào phòng mổ một lần với cơn đau tưởng như chết đi sống lại.

“Ám ảnh nhất là lúc thay băng. Các cô điều dưỡng tưới nước muối cho ướt băng rồi gỡ dần”, anh nói. Mỗi lần như vậy, cơ thể anh như bị tuột thêm một lớp da, sốt cao gần 2 ngày, mơ hồ mọi thứ.

Hai cánh tay của người đàn ông này chỉ còn một điểm tìm được ven lấy máu, kim cứ đâm vào liên tục ngày này sang ngày khác. Các ngón tay phải không giữ được chức năng, bác sĩ khuyên tháo khớp nhưng anh xin giữ lại để hình dáng bàn tay gần với bình thường nhất.

Da bỏng rát và ngứa ngáy, anh Minh cào gãi không ngừng. Máu, mủ, cứ vậy trào ra, cơ thể không lành lặn kịp. Mãi đến một năm sau, các vết bỏng chai lỳ, anh mới quen với chúng. 

“Xuất viện về nhà là tôi trốn mọi người, không đi đâu. Mình như vậy còn gặp ai nữa. Ngân là người kéo tôi ra ngoài”, anh cười hiền. 

Biết anh Minh gặp nạn qua một bài viết, chị Ngân đã chủ động nhắn tin trò chuyện như chị vẫn làm với những người cùng cảnh ngộ. Một ngày nọ, chị xuống tận nhà thăm và bắt gặp anh Minh nằm co ro giữa 4 bức tường. 

Từ đó, chị chở anh đi chỗ này chỗ khác, gặp những người giống mình, hoặc đưa về nhà chơi với hai cậu con trai. Dần dần, chị Ngân thấy anh Minh còn thân với con hơn cả mẹ. Tình cảm tự nhiên nảy nở lúc nào không hay. Thế rồi, anh Minh bớt mặc cảm, chịu giao tiếp hơn, tập đi xe máy. Một năm sau, hai người nên duyên vợ chồng.

“Ai mà ngờ…”, hai anh chị cười tủm tỉm. Vốn dĩ hai mảnh đời ghép lại dự định cùng nuôi dạy hai con trai lớn, nhưng chị Ngân bất ngờ nhận ra mình mang thai. 

“Những người như chúng tôi không dám nghĩ đến chuyện sinh nở vì khó mang thai, cơ thể nóng nực, sức khoẻ suy giảm, sợ bất trắc khi sinh. Nhưng con cái là phước đức nên mình đón nhận thôi”, chị nói. 

Khi thai 32 tuần, chị Ngân có dấu hiệu doạ sinh non. Cố giữ đến tuần thứ 38, hai vợ chồng đưa nhau đến bệnh viện huyện mà lòng bộn bề nỗi lo.

“Tôi vào viện lúc 10h30 thì sinh con lúc 15h. Bác sĩ rất lo vì đáng lý tôi phải lên tuyến trên sinh cho an toàn. Thực sự lúc đó hai vợ chồng không có nhiều tiền, không dám lên bệnh viện lớn. Tôi sinh thường nên hôm đó mệt lắm, tưởng mình đã tắc thở, mặt mày thâm tím”, chị Ngân nhớ lại. 

Cậu bé Nobita đến nay đã 7 tháng tuổi. Thêm con, thêm niềm vui và thêm trách nhiệm trên vai người làm cha mẹ. Đây cũng là giai đoạn khó khăn của gia đình nhỏ. 

Đợt dịch Covid-19, tiệm may của chị bị kẻ gian cạy khóa, lấy trộm hết máy móc, đồ dùng. Gần một năm qua, kinh tế suy thoái, khách hàng cũng không còn, chị Ngân mất đi nguồn thu nhập chính. Xoay xở khắp nơi, chị bán thêm đồ ăn để cải thiện tình hình.

“Mua bán cực kỳ khó khăn. Có ngày không một đơn hàng nào, còn bị lừa cả tiền, tôi bật khóc vì bế tắc. Nhưng khóc rồi thì lại tỉnh, chúng tôi lại cùng nhau cố gắng”, chị tâm sự.

Không thể nhìn vợ vất vả trong khi tiền sữa, tiền tã cứ vây quanh mỗi ngày, anh Minh đã cố gắng đi tìm việc, xin làm bảo vệ giữ kho cho một số công ty. Tuy nhiên, người ta cần ngoại hình.

Cuối cùng, anh quyết định đi bán vé số, ngày nào bán được thì đỡ cho vợ ngày đó.

“Tôi chạy xe máy ra gửi ở bến xe Củ Chi rồi bắt xe buýt lên bến xe An Sương, cứ vậy bán trở về”, anh Minh nói. Hằng ngày, vợ anh cũng phụ bán vé số trên Facebook. Ngày nào khách có lộc, anh chị lại được vui lây.

“Khó khăn lắm mới phải để anh ấy đi bán vé số vì da dẻ bây giờ nắng là rát lắm, không thoát được mồ hôi”, chị Ngân kể. Mùa nóng hay lạnh, anh chị đều cảm thấy khó chịu hơn người bình thường vì di chứng của bỏng.

Không có người thân giúp đỡ, đôi bàn tay co rút không nghe lời, chị Ngân phải cố gấp đôi so với những người mẹ khác. Dường như hiểu chuyện, Nobita rất hợp tác, gặp ai cũng cười hớn hở, không làm mẹ phiền lòng. Ngôi nhà có thêm tiếng cười trẻ thơ khiến anh chị thêm năng lượng và động lực. 

“Hai đứa lớn rất thương mẹ và nghe lời ba, hay tâm sự đồng cảm với nhau. Nhiều khi tôi lu bu không có thời gian để ý tâm tư của con, sợ nó trật đường ray. Từ khi có ba, tôi yên tâm hơn rất nhiều”, chị Ngân tâm sự.

Cứ mỗi lần bọn trẻ đi học, anh Minh lại sốt ruột vì đường đến trường đông, xe cộ nguy hiểm. Đến khi hai con đạp xe về đến nhà, anh mới yên lòng.

Ôm con út trong tay, anh cho biết sắp tới sẽ trải qua một ca phẫu thuật ở vùng cổ, có thể là ca mổ cuối cùng. Điều khác biệt hiện giờ là nếu phải phẫu thuật, anh chị sẽ có người đồng hành để chăm sóc, không còn cảnh một mình đến viện như trước đây.

“Cuộc sống khó khăn nhưng sẽ có cách, dù không được khoẻ mạnh như người khác nhưng chúng tôi vẫn cố gắng để nuôi dạy bọn trẻ. Ông trời không lấy của ai hết tất cả. Chúng tôi mất cái này, nhưng bù lại là phước đức đường con cái”, chị Ngân trải lòng.