Tôi là dân Sài Gòn “chính cống”, lại là người kén ăn nên mỗi khi đi xa, điều tôi ngại nhất là ăn uống. Không hợp khẩu vị, tôi không thể ăn no được mà chỉ ăn cho đỡ đói để rồi mệt mỏi sau những chuyến đi. Đi bất kỳ nơi đâu, về tới Sài Gòn, tôi như ăn bù cho sướng miệng.
Lần đầu tiên ra Hà Nội công tác, tôi rất háo hức nhưng phải ở lại thủ đô khá nhiều ngày, tôi sợ mình sụt cân vì chắc rằng thức ăn Hà Nội sẽ không hợp với người Nam Bộ khó ăn như tôi.
Đúng như lo lắng, tôi không hợp lắm với khẩu vị miền Bắc. Thế nhưng, với tính thích tìm hiểu, khám phá, tôi đã đi khắp các phố phường, ngõ ngách Hà Nội để thưởng thức đủ loại thức ăn, nước uống.
Một buổi sáng, tôi vào ngõ Tức Mặc, một hàng bán thức ăn sáng ghi tấm bảng nhỏ: “Bún dọc mùng”. Phải một lát sau, tôi mới nhớ ra dọc mùng là tên người miền Bắc gọi còn ở miền Nam thì gọi là bạc hà.
Tôi nghĩ trong miền Nam, người ta thường dùng bạc hà để nấu canh chua, chắc đây cũng là một dạng bún ăn với canh chua bạc hà. Tôi liền gọi một tô ăn thử.
Tô bún dọc mùng nghi ngút khói trong buổi sớm Hà Nội lành lạnh khác xa với những gì tôi nghĩ. Những sợi bún tươi trắng nõn được phủ lên những viên mọc, những miếng lưỡi heo luộc vừa chín tới và những lát bạc hà xanh xanh, mỏng mảnh, cà chua đỏ hồng, nấm mèo đen đen...
Nước lèo trong veo, hành ngò xắt nhỏ được rải đều cùng chút tiêu làm tô bún dọc mùng thơm nức mũi. Nước lèo được nấu từ xương heo ngọt đậm đà, lưỡi heo vừa chín ăn sừn sựt, những lát bạc hà như vừa trụng giòn giòn.
Ngon không thể tả! Tôi đã ăn và húp hết cả nước lèo của tô bún.
Tôi còn muốn ăn thêm tô nữa nhưng thấy kỳ kỳ vì nhìn chung quanh chẳng có ai ăn sáng đến hai tô. Thế nên, tôi đành phải đứng vậy đi về. Những ngày sau đó, bún dọc mùng là món tôi ăn ít nhất 1 lần trong ngày. Và chỉ có món bún dọc mùng tôi mới ăn hết tô vì ngon miệng.
Sau đó, tôi lại phát hiện một quán bún dọc mùng trên đường Đội Cấn. Vào ăn, tôi mới biết thêm, bún dọc mùng không chỉ có viên mọc lưỡi heo luộc mà người ta còn bỏ thêm sườn non, chả lụa mà ngoài ấy gọi là giò.
Buồn cười là lúc đầu tôi cứ tưởng giò là giò heo nên từ chối. Đến lúc chị bán hàng nhận ra giọng Sài Gòn của tôi nên cười bảo: “Giò là chả lụa đấy bác”, tôi mới bật cười, gật đầu.
Những lần sau ra Hà Nội thì bún dọc mùng là món ăn đầu tiên tôi tìm để thưởng thức. Tôi không biết sao, TP.HCM đủ các món ăn Hà Nội như phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, đậu hũ mắm tôm... nhưng bún dọc mùng thì tôi hiếm thấy ở đâu bán.
Một thời gian dài không ra Hà Nội, nhiều khi chợt thèm, tôi đã mua nguyên liệu y như thế về nấu thử. Tôi cũng nấu sườn non, luộc lưỡi heo cho mềm và lấy nước ngọt, nêm nếm gia vị.
Tôi cũng phi hành tím cho thơm rồi bỏ cà chua vào xào, cho vào nồi nước lèo và đương nhiên phải có bạc hà. Với gia đình và bạn bè tôi thì bún dọc mùng là một trong những món ngon tôi nấu mà mọi người đều khen ngợi.
Thế nhưng với tôi, không hiểu sao, tô bún dọc mùng tôi nấu không thể đậm đà, thơm ngon như những tô tôi từng thưởng thức ở Hà Nội. Phải chăng khẩu vị của một thằng Nam Bộ rặt như tôi đã nêm nếm món bún dọc mùng không đúng cách nên nó trở nên lạt lẽo?
Nấu ăn là một nghệ thuật. Một trong những con đường chinh phục người khác đi qua dạ dày... Thật tuyệt khi có một người chồng nấu ăn ngon, một người vợ đảm... Cũng thật an tâm khi những đứa con lớn lên, rời nhà đi học xa, làm ăn xa biết tự chế biến những món vừa ngon, vừa rẻ, vừa sạch, lại không tốn thời gian, đảm bảo sức khỏe... Hàng ngày, bạn nấu giỏi món ăn đơn giản nào? Hãy chia sẻ với mục Ẩm thực của chúng tôi. Bài viết cùng những hình ảnh hấp dẫn sẽ được đăng tải. Email xin gửi về [email protected]. Trân trọng cám ơn! |