Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hợp tác xã Nuôi thủy sản Long Thạnh ở ấp 2, Xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An là một trong những mô hình điểm của việc tổ chức chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản an toàn.

Hợp tác xã Nuôi thủy sản Long Thạnh được thành lập năm 2017 với 7 thành viên ban đầu. Hoạt động chính của Hợp tác xã là sản xuất, thương mại các sản phẩm thủy sản như: ếch, cá trê, cá rô, cá lóc, lươn… 

Trong đó, mô hình nuôi ếch được đánh giá cao về giá trị kinh tế và môi trường nhờ áp dụng quy trình nuôi khoa học, đầu tư bài bản. Hợp tác xã đã chọn cách tận dụng những ao nuôi cá không hiệu quả, khai thác điều kiện đất đai, môi trường nước của địa phương để chăn nuôi ếch. Sau quá trình thử nghiệm, Hợp tác xã quyết định xây dựng thêm chuồng trại bài bản, chủ động chọn nguồn thức ăn gần gũi với thiên nhiên. Thức ăn được kết hợp với men tiêu hóa, tỏi để tăng lượng canxi và sức đề kháng, khử trùng bể nuôi hàng tuần để hạn mầm bệnh. 

anh bai 35.jpg
Hoạt động chính của Hợp tác xã là sản xuất, thương mại các sản phẩm thủy sản. 

Ông Cao Phú Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi thủy sản Long Thạnh cho biết: “Điều kiện khí hậu, đất đai, môi trường nước của địa phương có thể đa dạng hóa vật nuôi, sản xuất xen canh nên có thể nuôi được 2 - 3 đợt thủy sản trong một năm, lợi nhuận tăng đáng kể”. 

Hiện tại, Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Long Thạnh đã thu hút được hơn 80 thành viên liên kết nuôi thủy sản trên diện tích gần 50 ha ở một số địa phương thuộc các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp và Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặt khác, Hợp tác xã đã cho 33 người ở xã vay gần 2 tỷ đồng để nuôi thủy sản. Trong đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Ngoài nuôi ếch, Hợp tác xã còn kết hợp nuôi cá và lươn không bùn. Nước chảy ra từ ao nuôi ếch được tận dụng nuôi cá rô đầu nhím. Nhờ đó không phải dùng thuốc kháng sinh, giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm và môi trường.

Để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh, Hợp tác xã đã nghiên cứu mô hình nuôi cá giống, bình quân mỗi tuần xuất 2 lô giống cá bột (từ 3 - 4 triệu con/lô), giúp chủ động nguồn gống cho các thành viên và cung cấp ra thị trường. Tất cả các hộ nuôi đều được cung cấp con giống bảo đảm chất lượng, giá thành rẻ hơn thị trường và hướng dẫn kỹ thuật nuôi. 

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho hay, Hợp tác xã Nuôi thủy sản Long Thạnh là một trong những đơn vị đã được hỗ trợ tư vấn đào tạo và cấp giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, giúp sản phẩm thủy sản chinh phục thị trường và người tiêu dùng hơn

Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật chăn nuôi theo quy trình Viet GAP, vận dụng nuôi trồng thủy sản kết hợp “ếch – cá”, tận dụng được nguồn thức ăn, các hộ nông dân và thành viên Hợp tác xã đã tăng lợi nhuận và có vốn xoay vòng sản xuất. Trung bình 1ha mang lại thu nhập 100 - 200 triệu đồng/vụ.

“Lợi nhuận của chúng tôi thu được từ nuôi thủy sản cao hơn so với trồng lúa. Tham gia hình thức liên kết của Hợp tác xã, cuộc sống của chúng tôi dần ổn định hơn”, ông Phạm Thanh Dũng, thành viên Hợp tác xã Nuôi thủy sản Long Thạnh bày tỏ.

Sau thu hoạch, Hợp tác xã sẽ bao tiêu sản phẩm, cung ứng ra thị trường gần 100 tấn ếch, cá rô, cá trê, lươn mỗi tháng. Trong đó, thị trường tiêu thụ nhiều nhất là tại các chợ đầu mối như Tân An, Bình Điền (Thành phố Hồ Chí Minh, bình quân mỗi ngày từ 400 - 500kg ếch thịt và 1,5 - 3 tấn cá các loại. 

Để không bị ép giá, Hợp tác xã đã xây dựng khu vực sơ chế, đóng gói các loại thủy sản để từng bước tiếp cận các bếp ăn ở khu, cụm công nghiệp, siêu thị, các chợ đầu mối…

Bên cạnh thị trường trong nước, Hợp tác xã Nuôi thủy sản Long Thạnh còn nỗ lực tìm đường xuất khẩu. Từ năm 2019 tới nay, Hợp tác xã đã kết nối với thị trường Campuchia, cung cấp giống các loại thủy sản qua Sở Nông nghiệp của tỉnh Svay Rieng, được người tiêu dùng của “đất nước chùa Tháp” chào đón.

Minh Hưng và nhóm PV, BTV