|
Doanh nghiệp nội còn thờ ơ với các công cụ online để đánh giá đối thủ. Ảnh: N.Đ |
Nhưng đến nay, phần lớn doanh nghiệp “nội” vẫn chưa quan tâm hoặc gặp khó khi dùng các phương tiện “hot” này.
Những địa chỉ hữu ích và… miễn phí
Tại hội thảo về thương mại điện tử (TMĐT) do Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội mới đây, nhiều chuyên gia về TMĐT cho rằng, trong vấn đề giải bài toán cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến thông tin của đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp. Cụ thể, đó là chuyện đối thủ sử dụng chiến lược nào để thành công? Điểm mạnh, hạn chế của họ là gì? Theo đó là hàng loạt thông tin liên quan đến thị phần, cấu trúc tổ chức, hệ thống phân phối, văn hoá doanh nghiệp, các chiến dịch quảng cáo, xúc tiến kinh doanh sản phẩm mới… mà các doanh nghiệp cũng muốn khai thác từ đối thủ (nhất là doanh nghiệp “nội” muốn vươn ra biển lớn là thị trường tiềm năng nước ngoài) để có thể lựa chọn, hoạch định cho mình một hướng đi phù hợp. Vậy, bằng cách nào các doanh nghiệp có thể tiếp cận được những thông tin nêu trên?
“Bỏ qua” giải pháp phải chi số tiền không nhỏ để thuê các công ty chuyên nghiệp làm trong lĩnh vực marketing online, nghiên cứu thị trường đánh giá đối thủ, đại diện Trung tâm Phát triển TMĐT Bộ Công thương (EcomViet), ông Nguyễn Hoàng Long đưa ra gợi ý cho các doanh nghiệp: “Trước hết, các doanh nghiệp tại Việt Nam hoàn toàn có thể “nâng” được năng lực cạnh tranh thông qua việc khai thác ngay một số mạng xã hội hiện nay như LinkedIn, Facebook, Twitter, Xing.com... một cách miễn phí”.
Trao đổi cụ thể hơn, ông Long cho rằng mạng xã hội như LinkedIn hiện có hơn 100 triệu thành viên (mỗi thành viên trên LinkedIn phần lớn khai đầy đủ thông tin về cá nhân, doanh nghiệp hoặc các tổ chức) sẽ cho phép doanh nghiệp có thể tìm kiếm thông tin của nhiều công ty, đồng thời chào bán sản phẩm, tìm kiếm nhân viên, tìm kiếm đối tác, xây dựng thương hiệu. Cùng đó, Xing.com cũng là một mạng xã hội tương tự như LinkedIn nhưng quy mô nhỏ hơn, là điểm đến của khoảng 45.000 chuyên gia thương mại.
“Sử dụng mạng này, các doanh nghiệp khi đăng ký làm thành viên có thể dễ dàng trao đổi quan điểm với chuyên gia để nhận được những lời khuyên hữu ích”, ông Long tiết lộ, đồng thời cho rằng nếu nhắc đến các mạng xã hội “đình đám” có thể trở thành trợ thủ đắc lực cho doanh nghiệp thì Facebook và Twitter chính là hai cái tên rất đáng được lưu tâm. Facebook có thế mạnh ở khả năng tìm kiếm, upload hình ảnh, câu chuyện, thông tin nhanh chóng để xây dựng thương hiệu; còn Twitter là mạng cung cấp dịch vụ “micro-blogging” cho phép người sử dụng có thể gửi và đọc những thông tin cập nhật từ người sử dụng khác, từ đó tạo dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, tìm kiếm thông tin về các sản phẩm cùng ngành và hiểu được hướng đi của đối thủ.
Ngoài việc sử dụng các mạng xã hội nêu trên, ông Nguyễn Hoàng Long cũng cho rằng, các doanh nghiệp “nội” nên dành sự chú ý tới một số website, công cụ tìm kiếm khác như Slideshare.net, Google.com/alerts… Như Slideshare.net, đây là trang web cộng đồng hàng đầu thế giới về chia sẻ thông tin qua các bài thuyết trình, qua đó, website sẽ giúp doanh nghiệp có thể xem được các bài thuyết trình về sản phẩm của đối thủ cạnh tranh cũng như bài phân tích, dự đoán của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh mà họ quan tâm.
Còn www.google.com/alerts - công cụ này sở hữu tính năng khá thú vị khi cho phép các doanh nghiệp có thể mở rộng thông tin về đối thủ đang cần tìm hiểu chỉ bằng việc gõ vào từ khoá muốn tìm kiếm, sau đó Google Alerts sẽ liên tục tìm và gửi vào e-mail của các doanh nghiệp những thông tin liên quan tìm được (từ những nguồn như website, blog, video…). “Một nhân viên làm trong hãng CocaCola muốn tìm hiểu các thông tin liên quan đến Pepsi, họ có thể nhờ Google Alerts tìm giúp và công cụ này sẽ tự động gửi nội dung tìm kiếm được vào e-mail theo ý muốn”, ông Long đưa ra ví dụ.
Doanh nghiệp nội thờ ơ
“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, đặt trong thời điểm các công cụ online như mạng xã hội đang được đánh giá là phương tiện có “quyền năng” mạnh trên thương trường, chuyện các doanh nghiệp dùng công cụ online như nêu trên để tìm hiểu đối thủ cạnh tranh cũng là việc nên lưu tâm. Tuy nhiên, nhận định của các đại biểu đến từ EcomViet, Sở Công thương Thái Nguyên… tại hội thảo đều cho rằng, giữa lúc việc ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp, đặc biệt là đối tượng thuộc doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn vướng rất nhiều hạn chế, thì chuyện biết khai thác công cụ online để đánh giá đối thủ cũng không đơn giản. Cụ thể, những rào cản khiến cho phần lớn doanh nghiệp chưa mặn mà với các công cụ này chính là chưa có được nhận thức đầy đủ (phụ thuộc vào người lãnh đạo doanh nghiệp), chưa có đánh giá đúng về hiệu quả, tác động mà các công cụ online mang lại, rồi cùng đó là chuyện chưa có nhân lực am hiểu về marketing online để nhận định, phân tích một cách khoa học thông tin khai thác...
Liên quan đến vấn đề nhận thức về TMĐT và nhân lực TMĐT trong các doanh nghiệp, tại hội thảo về nhân lực CNTT do IDG Việt Nam tổ chức ngày 21/4 vừa qua, ông Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, hiện trong nước có khoảng 520.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, phần lớn trong số đó vẫn còn dè dặt với TMĐT vì cho rằng chi phí để ứng dụng cao và doanh nghiệp chưa có nguồn nhân lực để vận hành TMĐT. “Đây là rào cản lớn khiến cho các doanh nghiệp vẫn bỏ ngỏ việc tìm hiểu đối thủ cạnh tranh bằng các công cụ online”, một đại diện của EcomViet nhận định.
Cũng tại hội thảo, đưa ra khuyến cáo cho các doanh nghiệp trong nước, ông Trần Hữu Linh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT Bộ Công thương cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đã hoặc sắp vươn ra “biển lớn”, liên tục phải cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp nước ngoài cần phải có sự năng động trong việc ứng dụng các công cụ liên quan đến TMĐT để đạt sự phát triển hiệu quả hơn.
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 51+52 ra ngày 29/4/2011.